Điện Biên tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng… để “hút” nhà đầu tư

Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của Điện Biên khá cao so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, xếp thứ 4/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc và đứng thứ 17/63 tỉnh thành trong cả nước.

Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Sở KH&ĐT tỉnh Điện Biên cho thấy: Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của Điện Biên khá cao so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, xếp thứ 4/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc và đứng thứ 17/63 tỉnh thành trong cả nước.

Các chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ

Trao đổi với DĐDN, ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết số 186/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.

Vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chủ động bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy, tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt, linh hoạt và đồng bộ 06 nhiệm vụ trọng tâm và 08 nhóm giải pháp chủ yếu đề ra trong Chương trình giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2023 tại Quyết định số 55/QĐ-UBND ngày 13/01/2023.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 6.792,13 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 7,06% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.180,4 tỷ đồng, tăng 1,84%; khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 1.520,53 tỷ đồng, tăng 15,31%; khu vực dịch vụ đạt 3.806,88 tỷ đồng, tăng 5,72%…

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm ước đạt 1.607,55 tỷ đồng, tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước, đạt 46,05% kế hoạch.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 47 triệu USD, tăng 4,86% so với cùng kỳ năm trước; đạt 39,17% so với kế hoạch (dự kiến đạt mục tiêu kế hoạch năm 2023 đề ra), trong đó: Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 36 triệu USD, tăng 11,59% so với cùng kỳ năm trước, đạt 45% so với kế hoạch năm 2023…

Điện Biên tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng… để “hút” nhà đầu tư

Thi công gói thầu số 1, Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế dọc trục QL279 và QL12 tại xã Thanh Xương (huyện Điện Biên).

Điều đáng nói, kế thừa điểm Chỉ số CCHC (Par index) năm 2022 của Điện Biên đạt 86,30/100 điểm, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 02 bậc so với năm 2021, môi trường đầu tư kinh doanh Điện Biên tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu, qua đó tạo được sự tín nhiệm và sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Điện Biên: 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 05  dự án và thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 05 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 2.870,074 tỷ đồng. Sở đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho tổng số 03 dự án.

“Luỹ kế có 200 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 44.200,795 tỷ đồng, trong đó: Có 120 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 13.207,931 tỷ đồng; 80 dự án đang thực hiện đầu tư với tổng số vốn đăng ký thực hiện là 30.992,86 tỷ đồng (bằng 10,7% số vốn đăng ký), trong đó có 18  dự án chậm tiến độ” ông Sông cho hay.

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế tiếp tục gia tăng, tỷ trọng huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước tăng khá, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Dự ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8.476,36 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 42,08% kế hoạch, trong đó: vốn đầu tư từ khu vực nhà nước là 3.690.33 tỷ đồng, chiếm 43,54%, tăng 17,68%, vốn khu vực ngoài nhà nước là 4.786,03 tỷ đồng, chiếm 56,46%, tăng 34,86% so với cùng kỳ năm trước.

Thực hiện đồng bộ 06 nhiệm vụ trọng tâm, 08 nhóm giải pháp

Mặc dù tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của Điện Biên khá cao so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, tuy nhiên người đứng đầu chính quyền tỉnh Điện Biên cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chưa đạt kế hoạch đã phê duyệt 9,69%. Bên cạnh đó, công tác đền bù, GPMB, đặc biệt tại các dự án có quy mô lớn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công dự án.

Tiến độ thực hiện một số dự án ngoài đầu tư công của các nhà đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư còn chậm; đặc biệt là các dự án trồng cây Mắc ca. Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu kế hoạch…

Điện Biên tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng… để “hút” nhà đầu tư

Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Huy Hoàng thi công gói thầu số 1 dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.143.

Những hạn chế trên được ông Đô thẳng thắn chỉ rõ: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ tại một số địa phương, đơn vị chưa sâu sát, quyết liệt. Chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư cho các dự án tại một số đơn vị còn chưa tốt, thiếu chủ động, hiệu quả…

Sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương có dự án đầu tư trên địa bàn có nơi, có lúc còn chưa được nhịp nhàng, hiệu quả nhất là trong việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ dự án, phối hợp GPMB; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả;…

“Ngoài ra, năng lực thực hiện dự án của một số nhà đầu tư còn hạn chế, chưa huy động vốn đáp ứng tiến độ dự án theo kế hoạch và chủ trương được phê duyệt” ông Đô nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 trên 10%, hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2023, người đứng đầu chính quyền khẳng định: tỉnh và các ngành, các cấp cần tiếp tục chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ 06 nhiệm vụ trọng tâm và 08 nhóm giải pháp chủ yếu đề ra, trong đó tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo kế hoạch đề ra.

Tập trung chỉ đạo triển khai hoàn thiện các nội dung của hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục huy động sử dụng linh hoạt các nguồn vốn để rà soát, lập bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch đô thị tại trung tâm các huyện, thị xã, nhất là thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên gắn với việc thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị, hạ tầng thương mại, dịch vụ;…

Đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp và hỗ trợ khôi phục các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm theo chuỗi liên kết giá trị; gia tăng sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, phục vụ du lịch…Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các sản phẩm hàng hóa tham gia vào quá trình xuất khẩu bán cho các Công ty ngoài tỉnh sơ chế để xuất khẩu như: chè, cà phê, mắc ca, chuối, dứa, cao su, vật liệu xây dựng, đá đen Mường Lay.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác với các tỉnh Bắc Lào, huyện Giang Thành tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nghiên cứu thị trường các tỉnh Bắc Thái Lan để cùng khai thác có hiệu quả các cửa khẩu, lối mở, lợi thế thương mại trên địa bàn; cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh định hướng sản xuất hàng hóa xuất khẩu chủ lực phù hợp để nâng cao tỷ trọng hàng địa phương trong kim ngạch xuất khẩu.

Triển khai Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và sản phẩm du lịch; tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch Tây Bắc tại tỉnh Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào);…

Điện Biên tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng… để “hút” nhà đầu tư

Phối cảnh sân bay Điện Biên sau khi hoàn thành mở rộng

Đặc biệt, tiếp tục tập trung thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023, Kế hoạch hành động Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung rà soát đơn giản hóa các TTHC; điều chỉnh bổ sung danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư cho phù hợp thực tế với những cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện tối đa nhất để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn lớn đầu tư vào địa bàn.

Đồng thời, triển khai đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và công dân đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước và đánh giá bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực điều hành kinh tế cấp sở, ngành, địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC trong các lĩnh vực liên quan, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; triển khai các giải pháp thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2023, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ. Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi để phát triển doanh nghiệp và thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…

Thường xuyên rà soát, đánh giá lại tiến độ các dự án, đồng hành cùng với nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đô thị; các dự án tạo nguồn thu nhằm tạo nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh…