Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam đã đi được nửa chặng đường của năm 2023, đồng thời cũng đi được nửa nhiệm kỳ 2021 – 2025. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên 6 “cơn gió ngược”.

Hai kịch bản tăng trưởng nửa cuối năm 2023

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.

Kinh tế vĩ mô ổn định

Thứ nhất là, suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Thứ hai là, hậu quả của đại dịch Covid-19 còn kéo dài. Thứ ba là, cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Thứ tư là, các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu. Thứ năm là, các nước đang phát triển có khả năng thích ứng và sức chống chịu hạn chế trước những cú sốc từ bên ngoài. Thứ sáu là, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường.

Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nền kinh tế có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, chịu tác động kép từ những yếu tố bên ngoài và bên trong; các vấn đề tồn đọng, kéo dài ngày càng bộc lộ rõ hơn; nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn trong bối cảnh chi phí tăng, đơn hàng giảm, thị trường quốc tế chưa có dấu hiệu phục hồi, cạnh tranh gia tăng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các cấp, các ngành, các địa phương đã quyết liệt thực hiện phương châm điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, vừa khắc phục các bất cập, tồn tại kéo dài nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm, vừa xử lý các vấn đề phát sinh, khó lường, khó dự báo.

Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, tốt hơn tháng 5 và quý II tốt hơn quý I trên nhiều lĩnh vực, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng năm 2023. Những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Hai kịch bản tăng trưởng nửa cuối năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên 6 “cơn gió ngược”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, tình hình kinh tế – xã hội còn những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức; trong đó, cần lưu ý 3 nhóm vấn đề lớn: Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn, cần nỗ lực hơn; tình hình kỷ luật, kỷ cương có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ công chức viên chức sợ sai, né tránh trách nhiệm.

Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 6 và 6 tháng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Nhiều chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng, công nghiệp, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công, thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường chứng khoán dần lấy lại được đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn và tích cực hơn tháng trước, cho thấy tâm lý xã hội và niềm tin thị trường đã phục hồi tích cực, tạo tiền đề tốt cho thực hiện các công việc, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. 

Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tác động khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước, như: TPHCM tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý I giảm 4,5%)…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về NSNN, đầu tư, tiêu dùng, lao động – việc làm, an sinh xã hội,… Trong khi, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn yếu, đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Giải pháp trong nửa cuối năm

“Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề.

Trên cơ sở kết quả quý II và 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo bối cảnh, tình hình các tháng cuối năm, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023.

Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.

Hai kịch bản tăng trưởng nửa cuối năm 2023

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình hình thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn.

Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình hình thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, cần ý thức được nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội, phấn đấu để kết quả cao nhất theo mục tiêu đã đề ra.

Cũng theo ông Dũng, trong những tháng cuối năm, các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp điều hành trọng tâm.

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt thẩm quyền. Khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, DNNN, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu. 

Thứ tư, tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động. Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 33/NQ-CP về thị trường bất động sản, Nghị quyết số 06/NQ-CP về thị trường lao động,… Theo dõi chặt chẽ tình hình, xử lý vướng mắc, hoàn thiện quy định, tổ chức vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để các vấn đề bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.