Ngành du lịch đang ghi nhận nhiều khởi sắc về lượng khách nhưng hoạt động của các hệ thống khách sạn trên cả nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Làn sóng rao bán khách sạn không chừa “hub” nào
Danh sách 396 quyền sử dụng đất tại Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Nam, Khánh Hoà, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Cà Mau, Cần Thơ… là các tài sản đảm bảo vừa được Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) rao bán gây choáng với tỷ lệ gần 90% là các biệt thự, homestay, khách sạn từ 3 – 5 sao.
Trong đó, giá trị lớn nhất trong danh sách tài sản cần thanh lý của ngân hàng này là một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng, xây dựng trên diện tích hơn 1.200m2, quy mô 236 phòng. Tài sản này được VietinBank chào bán với giá 600 tỉ đồng.
Một khách sạn 4 sao khác tại Hội An có diện tích đất 9.057m2, công suất 98 phòng cũng được rao bán với giá 420 tỉ đồng; lô đất diện tích 1.786m2, là khách sạn có công suất 137 phòng đang được rao bán với giá 365 tỉ đồng…
Cũng tại phố cổ Hội An, VietinBank đang rao bán quyền sử dụng đất 686,7m2 và biệt thự 3 sao gồm 18 phòng giá 110 tỉ đồng; khách sạn 4 sao công suất 55 phòng trên phần diện tích đất 1.032m2 bán giá 120 tỉ đồng; khách sạn 4 sao công suất 137 phòng trên diện tích đất 1.737m2 giá 240 tỉ; khách sạn 4 sao công suất 95 phòng trên phần đất 1.757m2 giá 260 tỉ đồng…
Có thể thấy, làn sóng rao bán khách sạn mạnh nhất lịch sử không chỉ xảy ra tại TP.HCM – nơi được đánh giá đang gặp nhiều bất lợi vào mùa thấp điểm khách quốc tế – mà vẫn đang tiếp diễn tại nhiều “hub” du lịch trên cả nước. Trong đó có cả những điểm đến thời gian qua ghi nhận mức độ hồi phục ngành du lịch rất tốt như Đà Nẵng.
Cầu giảm, cung tăng = “ế” đồng loạt
Lý giải nghịch lý này, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nhờ những nỗ lực trong việc mở cửa sớm, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và ngoại giao, ngành du lịch đang ghi nhận những thành quả tích cực, đặc biệt là giai đoạn từ đầu năm đến nay. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đã đạt gần 70% so với thời điểm trước dịch 2019.
Khách tăng lên, đồng nghĩa với hệ thống lưu trú, dịch vụ cũng bắt đầu phục hồi. Đặc biệt, sự bùng nổ vượt kỳ vọng của thị trường nội địa đã phần nào lấp chỗ trống khách quốc tế, giúp các khách sạn, nhà hàng, điểm đến có nguồn thu, nguồn tài chính để trở lại.
Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn xác định 2023 là năm còn nhiều khó khăn, trong đó thách thức rất lớn từ bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái kéo theo xu hướng người dân thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu du lịch, mua sắm; xung đột Nga – Ukraine chưa kết thúc; sức mua của thị trường trong nước cũng giảm đáng kể. Điều đó đã phần nào thể hiện qua độ chênh giữa số lượng khách và tổng thu của ngành.
Đơn cử giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán, lượng khách nội địa tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh thu và lượng khách lưu trú lại giảm mạnh. Trong 9 triệu lượt khách chỉ có 2 triệu lượt khách lưu trú, giảm 37,5% so với cùng kỳ, công suất phòng trung bình chỉ đạt 40 – 45%. Tổng thu từ khách du lịch ước giảm 30%.
Xu hướng chung hiện nay là khách vừa thắt chặt chi tiêu, vừa thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng với tổng chi tiêu ít hơn nhưng tận hưởng tối đa dịch vụ. Ngoài ra, hành vi du lịch của người dân đã thay đổi, ưu tiên các chuyến đi ngắn ngày và đi theo dạng tự túc, đi nhóm nhỏ, sử dụng các cơ sở lưu trú riêng biệt như homestay, biệt thự, bungalow, cắm trại… Nhu cầu sử dụng các khách sạn tập trung giảm, đặc biệt với những mô hình truyền thống.
Ở chiều ngược lại, tuy cầu giảm nhưng nguồn cung, quỹ phòng mới gia nhập thị trường tăng rất nhanh. Các hoạt động đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng thời gian qua ghi nhận tăng mạnh, đặc biệt là các cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn, resort, sự bùng nổ về condotel… Các khu resort, khách sạn, villa ở các trung tâm lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, Đà Nẵng… liên tiếp ra đời. Điều này dẫn đến tỷ lệ lấp đầy của một số nơi thấp.
Cạnh tranh gay gắt, hầu hết các khách sạn phải chọn cách kích cầu bằng giảm giá, trong khi mọi chi phí điện, nước, trả lương cho nhân viên, chi phí duy tu sửa chữa, nâng cấp hạ tầng… đều tăng khiến tình hình kinh doanh của các cơ sở lưu trú gặp nhiều khó khăn.
“Sắp tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ban hành kế hoạch hành động, triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ với các nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, mục tiêu, phân công trách nhiệm cụ thể. Trong đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng với trọng tâm cấu trúc lại doanh nghiệp hội viên, đổi mới mô hình kinh doanh gắn liền với chuyển đổi số, cơ cấu lại hệ thống nhân lực theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; xây dựng hệ sinh thái du lịch của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm gắn với thương hiệu của doanh nghiệp. Cùng với các tín hiệu vui về chính sách visa mới được thông qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn tới chắc chắn sẽ tăng trưởng tốt, tạo sự phục hồi toàn diện cho hệ sinh thái ngành du lịch” – đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin.
Nguồn: thanhnien.vn