Cùng lúc, hai nhà hát tên tuổi là Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ đồng loạt công bố mùa kịch Lưu Quang Vũ trong tháng 7, tháng 8 này.
Diễn hai tháng liền vẫn tự tin hút khách
Chương trình của Nhà hát Kịch Việt Nam có tên Thói đời – Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời. Chương trình kéo dài hai tháng, diễn liên tiếp 4 vở: Bệnh sĩ, Người tốt nhà số 5, Nguồn sáng trong đời, Người trong cõi nhớ. Trong khi đó, chương trình của Nhà hát Tuổi trẻ có các vở: Ông không phải là bố tôi, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Sống mãi tuổi 17.
NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết các bản diễn năm nay vẫn được giữ cả về kết cấu, cách dựng, diễn viên như mùa trước. “Đấy là những bản diễn đã chặt chẽ, nhận được cảm tình của người xem rồi nên chúng tôi không thay đổi gì cả. Việc đó không cần thiết và không có lý do gì để thay đổi”, ông Tiến nói, đồng thời cho biết vào thời gian này năm ngoái, mùa kịch Lưu Quang Vũ của nhà hát đã cháy vé liên tục. Khán giả khi đó vừa được tự do đi lại thưởng thức nghệ thuật sau Covid-19 nên đi xem nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, năm nay, lịch diễn kịch Lưu Quang Vũ của Nhà hát Tuổi trẻ không dày như năm ngoái. Lý do của việc này là nhà hát đang có một mùa kịch thiếu nhi tốt, nhờ các gia đình tích cực cho con đi xem sau dịch. “Bên cạnh kịch Lưu Quang Vũ, chúng tôi còn có những chương trình khác xen vào. Chúng tôi vẫn xác định kịch Lưu Quang Vũ là những vở diễn lâu dài, song vẫn phải có các chương trình khác nữa.
Như sắp tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) sẽ tổ chức Liên hoan sân khấu kịch nói vào tháng 8 tại Nhà hát Tuổi trẻ”, ông Tiến cho biết.
Trong khi đó, lịch diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam tập trung hơn, dày hơn. NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cho biết kịch Lưu Quang Vũ chiếm một lượng lớn trong các vở diễn ăn khách của nhà hát, vì thế lịch diễn tháng 7 – tháng 8 này sẽ dày. Bản thân nhà hát cũng để nhiều đạo diễn, diễn viên thử sức qua việc tổ chức các bản diễn mới. Những bản diễn này đều được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao. “Có người đi xem vở Bệnh sĩ đến 8 lần. Tôi gặp khán giả đó và bảo “Ơ lại đến à”, khán giả nói “Vâng, em thích vở này””, NSƯT Xuân Bắc nói.
Bên cạnh đó, kịch Lưu Quang Vũ cũng là món “lai rai” suốt cả năm của Nhà hát Kịch Việt Nam. Hầu như tháng nào cũng có vở của Lưu Quang Vũ được đưa vào lịch. Nhà hát Tuổi trẻ thì có ngưng diễn kịch Lưu Quang Vũ trong khoảng giữa hai mùa kịch Lưu Quang Vũ từ năm trước. Giờ đây khi quay lại, cả hai nhà hát khá tự tin vào sức bán vé. Nhà hát Kịch Việt Nam đã treo biển “hết vé” với một số đêm diễn tháng 7.
Cả quân, cả tướng, “ngôi sao” cùng diễn
NSƯT Xuân Bắc bận bù đầu từ khi đảm nhiệm chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam với công việc quan trọng nhất bây giờ là tổ chức biểu diễn. Mặc dù vậy, ông vẫn tham gia diễn trong tháng 7, tháng 8 này với loạt chương trình kịch Lưu Quang Vũ. “Tôi cũng muốn thăng hoa với anh em nghệ sĩ của nhà hát trong các đêm diễn. Bên cạnh đó, mình trưởng thành và làm nghề diễn viên, trong điều kiện sân khấu khó khăn thế này chả nhẽ cứ lên tinh thần, lên dây cót cho anh em mà mình lại không tham gia thì chẳng phải mình không đúng hay sao”, ông Xuân Bắc nói.
Có một điều ai cũng hiểu rằng các nhà hát đều phải “căng” hết ngôi sao ra để bán vé thuận lợi. Bản thân ông Bắc cũng là một cái tên bán vé. Tại Nhà hát Tuổi trẻ, ông Sĩ Tiến nói: “Diễn viên của các vở Lưu Quang Vũ vẫn là dàn diễn viên ngôi sao. Từ người lâu năm tới người trẻ bận bịu phim truyền hình như Thu Quỳnh, Thu Trang, Thanh Sơn, diễn hết. Vẫn diễn chứ, lịch đã được thông báo lâu rồi mà”.
Lý giải về sức hút kịch Lưu Quang Vũ ở cả hai nhà hát tên tuổi của thủ đô, NSƯT Xuân Bắc nói sức hút nằm ở những thông điệp sâu sắc ẩn giấu sau tiếng cười. “Có những tiếng cười về thời kỳ mà tư duy còn cũ kỹ, ấu trĩ. Những người cười là những người đã nhận ra sai lầm của chính mình, hoặc thấy mình cần phải thay đổi để làm điều gì tích cực hơn cho mình và cuộc đời. Tiếng cười không phải chỉ là cười vui vẻ, mà là gửi tâm sự”, ông Bắc nói.
Đạo diễn Lê Quý Dương, Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác quốc tế (Hiệp hội Sân khấu thế giới), cho rằng việc các đêm diễn Lưu Quang Vũ vẫn đông khách cho thấy giá trị tác phẩm của ông. Nó cũng cho thấy sức hút của các vở diễn có thông điệp về các vấn đề xã hội; nhiều vấn đề của nhiều năm trước trong giáo dục, đạo đức cán bộ vẫn còn đến ngày nay. Bên cạnh đó, việc một vở diễn được dựng đi dựng lại chứng tỏ sự đa dạng của tay nghề đạo diễn. Mặc dù vậy, theo ông Lê Quý Dương, những mùa kịch Lưu Quang Vũ cũng cho thấy sự thiếu hụt của các kịch bản hay hiện tại để có thể trụ lại sân khấu lâu dài như kịch Lưu Quang Vũ.
Nguồn: thanhnien.vn