Saturday, November 2, 2024

Xét xử đại án ‘chuyến bay giải cứu’: Muốn tổ chức chuyến bay, phải chi tiền hối lộ

Ngày 11.7, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong đại án “chuyến bay giải cứu”.

Theo cáo buộc, để lọt vào danh sách thực hiện chuyến bay đưa công dân VN về nước, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp (DN) đã chi tiền hối lộ cho nhiều quan chức các bộ, ngành, địa phương, với tổng số gần 165 tỉ đồng. Trong số này, có bị cáo Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty CP Vijasun.

LẼ RA BẢO HỘ THÌ LẠI “HÀNH” DÂN

Khai trước tòa, bị cáo Đào Minh Dương cho biết DN của mình được cấp phép tổ chức 17 chuyến bay. Quá trình xin cấp phép, Dương nộp hồ sơ tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT.

HĐXX hỏi bị cáo Dương có đưa tiền cho cá nhân nào ở các bộ, ngành hay không. Ngay lập tức, bị cáo này tố “bị ép đưa tiền cho cán bộ tại Bộ Công an và Bộ Y tế”. Theo đó, khi liên hệ làm thủ tục, Dương bị Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, đưa ra yêu sách muốn được cấp phép thì phải nộp 150 triệu đồng/chuyến, nếu không chi tiền thì không được phê duyệt.

Xét xử đại án

Các bị cáo hầu tòa trong vụ “chuyến bay giải cứu”

Trần Phan

HĐXX tiếp tục hỏi vì sao phải gặp bị cáo Kiên. Dương khai từng nhiều lần bị Cục Lãnh sự và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) gây khó khăn. Ví dụ, ngày mai bay thì hôm nay mới cấp phép, trong khi nguyên tắc thuê tàu bay phải đặt cọc trước 30 ngày, số tiền thuê rất lớn, từ 6 – 9 tỉ đồng/chuyến. “Tôi bị đưa vào tình thế vô cùng khó khăn, bị Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan ép buộc phải đưa tiền”, bị cáo kể và cho rằng “giai đoạn ấy, Cục Lãnh sự lẽ ra phải bảo hộ công dân thì lại “hành” dân”.

Vì bị gây khó dễ, Dương tìm gặp Phạm Trung Kiên để nói chuyện. “Kiên quát, nói phải nộp tiền theo số lượng hành khách, đưa tiền cho Kiên hoặc Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, đều được”, Dương khai. Tương tự, khi trao đổi với Tuấn, Dương bị cán bộ công an này đề nghị “bôi trơn” để “có tiền đưa cho sếp ký phê duyệt”.

Mặc dù Dương trốn tránh nhiều lần nhưng vẫn bị ép buộc đưa tiền nếu muốn được cấp phép chuyến bay. Kết quả, Dương đã đưa hối lộ cho Kiên 1,1 tỉ đồng; đưa cho Tuấn 1,6 tỉ đồng. Đây cũng là 2 bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án. Kiên nhận 253 lần với tổng số hơn 42,6 tỉ đồng; Tuấn nhận 49 lần với tổng số hơn 27,3 tỉ đồng.

Ngoài ra, Dương còn liên hệ với bị cáo Vũ Ngọc Minh, cựu Đại sứ VN tại Angola, để thực hiện chuyến bay từ Angola về VN. Khi trao đổi, Minh đưa ra yêu sách phải chi 3 triệu đồng cho mỗi công dân về nước, nên Dương đã đưa hối lộ cho vị đại sứ 864 triệu đồng.

GỢI Ý CHI TIỀN ĐỂ “BÁO CÁO SẾP”

Một bị cáo khác là Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Thuận An, bị cáo buộc đưa hối lộ hơn 2,1 tỉ đồng để được cấp phép 6 chuyến bay và 12 đoàn khách lẻ. Bị cáo Thắng khai 8 lần bị Cục Lãnh sự làm khó, phải đến lần thứ 9 mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên vào tháng 10.2021, sau khi đã chi 600 triệu đồng cho Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan.

Theo cáo trạng, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân VN từ nước ngoài về nước. Việc tổ chức được giao cho Văn phòng Chính phủ và tổ công tác 5 bộ: Ngoại giao, GTVT, Công an, Y tế và Quốc phòng.

Quá trình thực hiện cấp phép chuyến bay và phê duyệt cách ly, 21 cá nhân là lãnh đạo, cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương đã lợi dụng vị trí công việc nhận tiền hối lộ hơn 500 lần từ các DN, với tổng số gần 165 tỉ đồng, nhằm ưu ái cho những DN này được tham gia thực hiện chuyến bay.

Sau chuyến bay đầu tiên, Thắng nhận được điện thoại của Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn, yêu cầu gặp nói chuyện. Hai bị cáo này đề nghị Thắng phải “bôi trơn” 150 triệu đồng/chuyến bay, để “báo cáo sếp thì mới cấp phép”. Vì vậy, Thắng đã chuyển cho Kiên 2 lần với tổng số 300 triệu đồng, chuyển cho Tuấn một lần 150 triệu đồng.

Tương tự, bị cáo Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty Sao Mai, cho biết nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay tại Cục Lãnh sự nhưng không hề dễ dàng. Ngoài những quan chức ở Bộ Ngoại giao như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự Hoàng Tùng…, Mai còn phải làm việc với Vũ Anh Tuấn và Phạm Trung Kiên.

“Hồ sơ đã nộp Bộ Ngoại giao, vậy bị cáo liên hệ với Bộ Y tế và Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm gì?”, HĐXX truy vấn. Bị cáo Mai khai do nhận được thông tin Cục Quản lý xuất nhập cảnh “phàn nàn không thấy DN liên hệ” nên tìm cách gặp gỡ Tuấn và Kiên; cả hai đều yêu cầu “muốn tổ chức chuyến bay thì phải có chi phí cảm ơn”. Kết quả, Mai hối lộ Tuấn 360 triệu đồng, Kiên 600 triệu đồng, cùng một số quan chức ngoại giao khác, tổng cộng 2,3 tỉ đồng.

Khác với một số chủ DN tố “bị làm khó”, bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty G Việt Nam 19, cho hay hồ sơ xin cấp phép đều thuận lợi khi được ông Lê Dũng, cựu Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, nói giúp. Sau khi thực hiện xong chuyến bay, Hạnh tự tìm hiểu và chủ động đưa quà cảm ơn, nhưng đều bị quan chức Bộ Ngoại giao từ chối. Vì vậy, mỗi lần đưa tiền Hạnh đều gói kín trong một túi, bên trên để một số vật phẩm khác.

“Không bị làm khó lại đưa tiền làm gì?”, HĐXX hỏi. Nữ bị cáo khai “chỉ có tính chất cảm ơn”, thấy áy náy khi mọi người đều phải làm việc vất vả nên tự nguyện đưa tiền. Cáo buộc cho thấy Hạnh đã đưa hối lộ 3,1 tỉ đồng cho 6 cá nhân.

Hay như bị cáo Tào Đức Hiệp, cựu Giám đốc Công ty Công đoàn đường sắt VN, nhiều lần nộp hồ sơ để xin thực hiện chuyến bay nhưng không được, nên tìm cách nhờ người kết nối với bị cáo Tô Anh Dũng. Bị cáo Dũng gọi điện cho cấp dưới là cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng, gửi gắm bị cáo Hiệp là “người quen”. Sau khi được cấp phép 3 chuyến bay và xong xuôi mọi chuyện, Hiệp đến gặp, để lại phong bì 10.000 USD trên bàn làm việc của ông Dũng, đồng thời đưa thêm 10.000 USD cảm ơn ông Tùng…

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục làm việc. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img