Saturday, November 23, 2024

Người Hà Nội đã sớm “ngủ quên” trước dịch Covid-19



Một bộ phận người dân sớm có tâm lý chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cảnh tượng dân đổ ra chật kín phố phường vui chơi khi Hà Nội vẫn đang thực hiện Chỉ thị 15 khiến nhiều người không khỏi lo ngại.

 

Đêm Trung thu, độc giả cả nước đã được chứng kiến một Hà Nội với biển người chen lấn đổ về trung tâm thành phố và các khu vực công cộng, trong đó không ít gia đình đưa theo cả con nhỏ – đối tượng chưa được tiêm chủng. Có lẽ, nhiều người đã có “cảm giác ớn lạnh” khi nghĩ về Thủ đô vừa mới trải qua 2 tháng căng mình chống dịch, người dân phải chịu 4 đợt giãn cách với không ít sự bất tiện. Phải chăng, người dân Hà Nội đã sớm “ngủ quên” trước đại dịch?!!.

Chỉ thị 22/CT-UBND do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mới ban hành vẫn nhấn mạnh: “Mọi cá nhân và các tổ chức tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm 5K cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng. Tuyệt đối không được chủ quan trong khi Thành phố dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh”, “…không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng”, “Từ 06h00 ngày 21/9/2021, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của Thành phố” – Chỉ thị là thế, nhưng có vẻ người dân đã quên!.

Tôi đọc đâu đó trên Facebook có người đã viết rằng: Có lẽ đêm qua người Hà Nội chẳng nhớ là thành phố vẫn đang áp dụng các biện pháp chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 15 mà họ chỉ nhớ rằng đêm qua là 15 Âm lịch, là đêm rằm Trung thu.

Hà Nội trải qua 2 tháng giãn cách và không ít người đổ lỗi cho chính quyền không có những quyết định chống dịch quyết liệt. Tuy nhiên liệu họ có nghĩ rằng việc chống dịch không thế phó mặc cho chính quyền, các lực lượng chức năng, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu mà điều căn bản nhất lại nằm ở ý thức phòng và chống dịch của bản thân mỗi người?

Nhiều người lấy lý do sau 2 tháng giãn cách, việc ra ngoài cảm nhận không khí đêm Trung thu là nhu cầu chính đáng, là một cách để giảm stress, trầm cảm sau những tháng ngày tù túng chỉ quanh quẩn trong nhà. Nhưng liệu họ có nghĩ nếu trong đám đông đổ ra đường đêm qua có một ai đó là F0 chưa được phát hiện thì con đường chống dịch phía trước tiếp tục dài thêm và những tháng ngày phong tỏa, hạn chế đi lại sẽ bắt buộc phải áp dụng lại???

Cũng có người lý do rằng, Hà Nội đã hoàn thành việc tiêm phủ vaccine mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và có thể tạm yên tâm với dịch. Tuy nhiên, cần ý thức rằng việc tiêm vaccine chỉ giúp chúng ta hạn chế diễn biến nặng khi mắc Covid-19 chứ không phải hoàn toàn miễn nhiễm. Độ tiêm phủ mũi 1 cho người dân ở Hà Nội cũng mới chỉ được hoàn thành, cần có thời gian để cơ thể sinh miễn dịch.

Trong cuộc họp báo mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng người dân không được chủ quan bởi mặc dù hiện nay Thành phố đã tiêm vaccine mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế, trạng thái của Thành phố vẫn chưa thể trở lại “bình thường mới”, vì hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2.

Rất nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh. Việc hạn chế tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định 5K là điều kiện tiên quyết để chúng ta sớm khống chế được dịch bệnh – điều đó phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người.

Nói về việc tập trung đông người, gây tắc nghẽn tại một số tuyến đường trong đêm Trung thu tối 21/9 ở Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng đánh giá người dân đang chủ quan. Theo ông Phu nếu trong đám đông tối qua, có 1 ca F0 thì sẽ lây lan rất nhanh và khi đó ngành y tế sẽ rất khó thực hiện truy vết, vì không thể biết ai lây cho ai, ai tiếp xúc với ai, điều này rất nguy hiểm.

Theo thông tin mới nhất, sáng 22/9, Hà Nội vừa phát hiện 2 ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng tại quận Hà Đông. Điều này càng một lần nữa cho thấy tuyệt đối không được chủ quan bởi trong cộng đồng vẫn lẩn khuất những ca F0 chưa được phát hiện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong những phát biểu về công tác phòng chống dịch Covid-19 đều kêu gọi “mỗi người dân hãy là một chiến sĩ”. Thật khó tưởng tượng về kết quả của công cuộc chống dịch khi ý thức của những “chiến sĩ” không tuân thủ nguyên tắc chống dịch khi chen vai thích cánh trong đêm Trung thu tối qua tại Hà Nội.

Đồng nghiệp của tôi đã viết rất hay về sự kiện Trung thu đêm qua rằng: “Nếu trong biển người “chơi trăng” ở các phố trung tâm Hà Nội tối qua có một người mang virus SARS-CoV-2, đêm Trung thu sẽ thành đêm đại họa. Chúng ta chỉ có thể nín thở cầu cho điều đó không thành sự thật trong vài tuần tới, để thành phố có thể dần dần trở về trạng thái bình thường mới thay vì lại tăng cường mức độ giãn cách do xuất hiện thêm các ca bệnh trong cộng đồng”.

Vui nhưng phải luôn thường trực ý thức trong đầu rằng chúng ta đang sống trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chúng ta đang nỗ lực khống chế dịch để đưa cuộc sống sang giai đoạn “bình thường mới”. Chúng ta đang tìm cách thích ứng để kiểm soát và “sống chung với dịch” nhưng tuyệt đối không nên chủ quan “liều mình với dịch” bởi kẻ thù chúng ta đang đối mặt là vô hình và vũ khí tốt nhất để chống lại nó là ý thức tuân thủ.

“Vui thôi, đừng vui quá” là câu cửa miệng được nói nhiều trong thời điểm dịch dã này. Vui một cách có ý thức và mỗi người tự kiểm soát hành động của mình là cách hiệu quả nhất để giảm tải cho đội ngũ đang làm công tác chống dịch nơi tuyến đầu, giảm tải cho hệ thống y tế và các y bác sĩ và sớm đưa chúng ta tới giai đoạn “bình thường mới”./.

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img