Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố đang hết sức cố gắng tìm nguồn vắc xin, để đảm bảo mức độ phủ vắc xin, trong đó quan tâm ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong những ngành nghề phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.
“TP.Đà Nẵng là địa phương có lượng tiêm vắc xin cho người lao động chiếm số lượng đông đảo. Trong các khu công nghiệp hiện nay đạt tỷ lệ trên 80%. Hiện chỉ còn khoảng 10.000 người chưa tiêm nhưng từ nay đến giữa tháng 10 là tiêm đủ mũi 1 cho người lao động ở các khu công nghiệp. Tiếp đó là kế hoạch tiêm phủ vắc xin mũi thứ 2” – ông Nguyễn Văn Quảng nói.
Về các phương án chống dịch của Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng khẳng định thành phố hiện đảm bảo năng lực điều trị, không để F0 điều trị tại nhà, hạn chế thấp nhất tử vong với tỷ lệ dưới 1%, đồng thời duy trì kế hoạch xét nghiệm.
Đối với việc mở rộng sản xuất cho doanh nghiệp trong điều kiện đảm bảo, thành phố sẽ tập huấn cho doanh nghiệp các biện pháp phòng chống, kiểm soát công nhân bằng mã QR, chấm dứt quản lý thủ công như hiện nay.
“Quan trọng nhất là tạo cho người lao động thói quen chống dịch, nếu không thì có bao nhiêu phương án chủ trương cũng không có ý nghĩa”, ông Nguyễn Văn Quảng nói.
Sẽ nới lỏng giãn cách, hạ cấp độ chống dịch từ 1.10
Cũng tại hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, căn cứ hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hiện nay TP.Đà Nẵng đã đảm bảo các chỉ số được áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 1 (trạng thái bình thường mới).
Tuy nhiên thành phố dự kiến áp dụng biện pháp phòng chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 2 (theo Chỉ thị 19) từ ngày 1 đến 15.10 để đảm bảo đủ thời gian tạo kháng thể đối với người dân đã tiêm vắc xin mũi 1.
Sau đó, tùy tình hình thực tế TP.Đà Nẵng sẽ tiếp tục nới lỏng hay thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch.