15.8 tới, chính sách visa mới của Việt Nam chính thức có hiệu lực. Các doanh nghiệp du lịch đang trông chờ những cú hích đột phá cho thị trường quốc tế trong những tháng cuối năm.
“Chúng tôi đã gửi hết thông tin tới các đối tác rồi. Đối tác của Lữ hành Saigontourist chủ yếu là các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu gồm Đức, Pháp, Áo… nên phải tới tháng 10 mới có khách. Khách hàng của chúng tôi rất hào hứng và vui mừng vì với chính sách mới, thời gian lưu trú của họ sẽ được kéo dài, chủ động hơn”, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, nói với Thanh Niên khi chỉ còn gần 1 tháng nữa, những quy định mới thông thoáng về xuất nhập cảnh sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo ông Yên, trước đây, Lữ hành Saigontourist có những đoàn khách đến VN đầu TP.HCM, sau đó ra Hà Nội, rồi qua Siem Reap (Campuchia) sẽ bay về luôn từ Campuchia vì nếu quay lại VN nhập cảnh sẽ phải làm visa lần nữa. Bây giờ, phía khách hàng đã điều chỉnh lại kế hoạch có thể trở về từ VN để mua vé máy bay khứ hồi, tiết kiệm chi phí hơn. Tương tự, các đoàn khách có lịch đi xuyên Việt từ bắc chí nam trước chỉ giới hạn trong thời gian 10 ngày, canh để không quá 15 ngày thì hiện nay đã có thể thoải mái ở lại VN lâu hơn, đi thêm nhiều tỉnh, thành hơn, đề nghị công ty xây dựng lại chương trình sản phẩm rộng rãi thời gian hơn.
Cũng đang tất bật triển khai các đơn vị điều chỉnh lại bộ sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu cùng chính sách mới, bà Phạm Phương Anh, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết ngay khi Quốc hội bấm nút thông qua các đề xuất nới chính sách thị thực, Du lịch Việt đã thông báo cho tất cả các đối tác quốc tế có sự hợp tác liên kết trước đây để có sự chuẩn bị xúc tiến kinh doanh. Giai đoạn này, công ty đang định hướng và có các hoạt động như tiếp xúc đàm phán với các đối tác mới hay thị trường phù hợp, thông qua các hoạt động trao đổi tiếp xúc để tiếp nhận các nhu cầu cụ thể, từ đó xây dựng các sản phẩm mới.
Cụ thể, Du lịch Việt đang lên kế hoạch khảo sát các tuyến điểm, thiết kế các sản phẩm tour dành cho du khách quốc tế có hành trình tour từ VN tới các quốc gia lân cận như: Lào, Campuchia… nâng thời gian lưu trú tại VN. Phía công ty nhận được sự phản hồi khá tích cực từ các thị trường xa như Canada, Mỹ… trong việc phối hợp xây dựng các bộ sản phẩm, đón các đoàn khách kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng với các khóa y học dân tộc và chữa bệnh tại khu vực phía nam. Những chương trình này có thời gian lưu trú tối thiểu là 3 tuần, trước đây thì khó nhưng giờ đã có thể xúc tiến đẩy mạnh nhờ dư địa từ quy định chính sách visa được mở rộng.
Hỗ trợ đào tạo DN vừa và nhỏ phục hồi du lịch
Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA) và Cục Du lịch quốc gia VN vừa tổ chức Hội thảo đào tạo về khả năng phục hồi điểm đến du lịch – kỹ năng tài chính và kỹ năng số cho DN vừa và nhỏ. Đây là dự án có tính nối tiếp do 2 đơn vị phối hợp tổ chức từ năm 2021 như một biện pháp đối phó với đại dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương.
Theo đó, các đơn vị sẽ tiếp tục hợp tác và trao quyền, trang bị cho các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực du lịch với kiến thức tài chính và kỹ năng kỹ thuật số. PATA đã phát triển các mô đun học tập trực tuyến về hai chủ đề này, mã nguồn mô đun sẽ sớm được mở trên nền tảng học tập trực tuyến của PATA bằng 6 ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Khmer, tiếng Việt, tiếng Bahasa Indonesia, tiếng Thái và tiếng Trung Quốc.
Ngoài các học phần trực tuyến, PATA sẽ cung cấp một chương trình đào tạo 2 ngày tại Campuchia, VN, Indonesia và Philippines. Ngày đầu tiên của khóa đào tạo sẽ tập trung vào kỹ năng tài chính và ngày thứ hai về kỹ năng kỹ thuật số.
“Cũng như các công ty lữ hành khác, chúng tôi đang rất trông chờ mốc thời gian tháng 8 để có những triển khai chi tiết về chính sách visa mới. Thực tế, việc thúc đẩy lượng khách quốc tế đến VN vẫn còn bị tác động bởi tình hình kinh tế thế giới, song, chính sách visa nhiều tiện lợi hơn là tiền đề để ngành du lịch đột phá lượng khách quốc tế đến VN, phát triển kinh tế du lịch”, bà Phạm Phương Anh nhìn nhận.
Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ cũng thông tin cả từ phía lữ hành (Công ty Vietravel) và hàng không (hãng bay Vietravel Airlines) của tập đoàn đồng loạt quảng bá, báo cho các đối tác về chính sách visa mới sắp có hiệu lực từ 15.8. Các đối tác quốc tế của Vietravel Corporation đều đánh giá cao sự thay đổi tích cực, đồng thời ghi nhận đây sẽ là tín hiệu tích cực cho VN trong mùa du lịch tới. Bên cạnh đó, họ cũng quan tâm nhiều hơn về những bộ sản phẩm du lịch mới mà VN đang định hướng phát triển. Họ muốn biết ngoài sự thay đổi về chính sách thì VN có sản phẩm gì mới mang tính đột phá, đẳng cấp hơn không. Từ đó lên kế hoạch cùng xây dựng chương trình tour và “gom” khách đến VN.
Thấp thỏm lo “trượt” mùa du lịch cuối năm
Phấn khởi đón chính sách mới, song các cơ sở du lịch vẫn đang thấp thỏm bởi sắp hết 3 tháng hè, qua mùa cao điểm du lịch nội địa. Nếu lượng khách quốc tế kịp phục hồi, sẽ lấp khoảng trống khách nội địa và khách Trung Quốc không đạt kỳ vọng.
Thực tế từ 15.3, khi Trung Quốc chính thức cho phép các đoàn khách đến VN du lịch, một số điểm đến “ruột” như Nha Trang, Đà Nẵng đã rất trông chờ sự đột phá từ thị trường này. Thời điểm đó, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch tại Nha Trang dù đang kiệt quệ cũng dốc hết sức lực để khôi phục hoạt động với niềm hy vọng dòng khách từ thị trường khổng lồ này. Thế nhưng sau nửa năm, VN mới đón được khoảng 557.000 lượt khách từ thị trường tỉ dân láng giềng, bằng 25% cùng kỳ năm 2019 (gần 2,5 triệu lượt). Riêng tại Khánh Hòa, trong tháng 6, tỉnh này chỉ đón được 16.510 khách Trung Quốc, bằng tỷ lệ rất nhỏ so với thời điểm trước dịch. Đó cũng là một phần lý do khiến tỷ lệ lấp đầy phòng của hệ thống khách sạn tại Nha Trang trước mùa cao điểm hè khá thấp, làn sóng rao bán khách sạn vì ế khách ở Đà Nẵng vẫn tiếp diễn, chưa dừng lại.
TP.HCM và Hội An vào top TP được yêu thích nhất châu Á năm 2023
Giải thưởng “World’s Best Awards” của tạp chí du lịch quốc tế nổi tiếng Travel+Leisure đã vinh danh Hội An và TP.HCM trong 15 TP được yêu thích nhất châu Á năm 2023, theo bình chọn của độc giả.
Các TP được đánh giá theo tiêu chí về điểm tham quan/thắng cảnh, văn hóa, ẩm thực, sự thân thiện, dịch vụ mua sắm, giá trị điểm đến. Năm nay, Hội An góp mặt ở vị trí thứ 13 và TP.HCM đứng ở vị trí thứ 14 trong danh sách này.
Cùng với đó, 3 khách sạn của VN cũng vinh dự góp mặt trong hạng mục 100 khách sạn được yêu thích nhất thế giới năm nay là: Capella Hanoi ở vị trí thứ 18, Regent Phu Quoc ở vị trí thứ 19 và The Reverie Saigon ở vị trí thứ 35.
Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, nhấn mạnh quan điểm chung của ngành du lịch là không phụ thuộc vào một nguồn khách. Tuy nhiên, đối với Nha Trang – Khánh Hòa và một số tỉnh, thành, chỉ riêng không khí sầm uất mà du khách Trung Quốc đem lại cũng đủ giúp địa phương hồi sinh. Rồi từ chú xích lô đến bác cắt tóc, chợ búa, nhà hàng, khách sạn…, mọi người, mọi nhà đều được hưởng lợi từ du lịch.
“Nha Trang may mắn thời gian qua đã kích hoạt được du lịch sôi động trở lại. Hệ thống khách sạn đang dần hồi sinh, đã có hiện tượng đầy phòng, không đáp ứng đủ nhu cầu của khách, đặc biệt là các khách sạn dọc bờ biển. Song, kết quả trên gần như hoàn toàn nhờ khách nội địa. Khách quốc tế giờ chỉ có khách Hàn, khách Trung Quốc rất ít. Nếu không nhanh chóng có những giải pháp kịp thời để có lượng khách quốc tế tốt nối tiếp vào mùa khách nội sắp kết thúc thì sẽ rất nguy hiểm”, ông Thành lo ngại.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, thực tế không chỉ VN mà nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với sự chững lại của khách du lịch Trung Quốc. Chính phủ nước này đang muốn đẩy mạnh khôi phục du lịch, thương mại, kinh tế trong nước nên sẽ có những rào cản hạn chế người dân xuất ngoại du lịch. Tuy vậy, số lượng ít ỏi du khách Trung Quốc du lịch nước ngoài vẫn đang ưu tiên Thái Lan, Malaysia, Singapore… nhiều hơn VN. Điều đó chứng tỏ các chính sách thông thoáng, cách làm linh hoạt, nhanh nhạy, công tác quảng bá của họ hiệu quả hơn của chúng ta. Cùng với đó, yếu tố sản phẩm hấp dẫn vẫn là quan trọng hàng đầu.
“Để lấp khoảng trống từ thị trường Trung Quốc, các nước từ thị trường Nam Á, Trung Đông, Ấn Độ, Úc và Bắc Mỹ đang có nhiều tiềm năng. Cần đẩy mạnh thêm nhiều chính sách cởi mở về visa, tạo thuận tiện đi lại cho họ, quan trọng nhất là xây dựng những dòng sản phẩm phù hợp nhu cầu và ra sức quảng bá, xúc tiến tới các thị trường trọng tâm trọng điểm để hút khách du lịch đến nước ta càng sớm càng tốt”, ông Nguyễn Văn Thành nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng nhìn nhận do các chính sách của VN được đưa ra đã trễ mất mùa du lịch của năm vừa rồi (mùa du lịch trong năm bắt đầu từ 1.10 năm trước đến 30.9 năm sau) nên sẽ rất khó để có được cú hích ngay trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm. Cùng với đó, các hãng bay, công ty du lịch đã nhận định có phần hơi lạc quan về thị trường Trung Quốc và kết quả đến nay đã không được như kỳ vọng. Thị trường Hàn Quốc tuy tăng trưởng rất mạnh về số lượng nhưng đa phần thông qua các công ty du lịch nước họ, theo các chuyến charter đến một vài điểm nhất định nên tổng quan ngành du lịch và dịch vụ vẫn chưa được hưởng lợi nhiều. Vì thế, từ nay đến cuối năm, VN cần những chính sách đặc biệt hơn, nhanh hơn, mạnh hơn, đánh vào các thị trường đang nhiều tiềm năng như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Mỹ để tạo ra đột phá thị trường du lịch quốc tế.
Visa, sản phẩm và quảng bá
Phân tích kỹ hơn về các thị trường tiềm năng, ông Nguyễn Quốc Kỳ chỉ rõ: Nhật Bản có tính chất nghỉ đông, nghỉ lễ tết Dương lịch nên sẽ rất có triển vọng cho mùa du lịch cuối năm của VN. Tuy nhiên, vừa qua lượng khách Nhật đến VN chưa tốt, chủ yếu là do chúng ta chưa tiến hành bất kỳ công tác truyền thông nào tới thị trường này. Trong những lần xúc tiến mới đây của Vietravel, khi nhắc tới VN, người Nhật gần như chỉ biết 2 thông tin là VN chống dịch tốt và mới nới lỏng chính sách visa. Tương tự, thị trường Ấn Độ đã được các hãng hàng không nỗ lực mở đường bay, doanh nghiệp (DN) du lịch tiếp cận nhưng về phía Chính phủ vẫn chưa có ký kết chính sách nào chính thức để thực sự thúc đẩy liên kết du lịch giữa 2 quốc gia.
“Cuộc cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt vì bức tranh kinh tế toàn cầu còn khá ảm đạm. Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, giờ muốn bứt tốc thì buộc phải có những chính sách vượt trội, đặc biệt. Visa cần mở rộng thêm diện đơn phương miễn thị thực; Công tác xúc tiến, quảng bá cần làm những chương trình tầm quốc gia; Hệ thống sản phẩm cũng phải được rà soát, cải thiện, làm mới độc đáo. Không thể muốn nhanh đón nhiều khách nhưng chính sách, hành động lại cứ từ từ, làng nhàng được”, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation nhấn mạnh.
Với riêng công tác xúc tiến, quảng bá, ông Nguyễn Hữu Y Yên cho rằng ngành du lịch cần phải đa dạng phương thức, tổng lực làm nhiều loại chương trình. Đơn cử, về phía các công ty lữ hành thì chủ động liên hệ trực tiếp các đối tác cũ, tham gia các hội chợ quốc tế, chương trình xúc tiến, tổ chức các hội thảo giới thiệu quảng bá, kết hợp nhiều đơn vị… Đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin chính sách giá cả dịch vụ, sản phẩm trực tiếp cho các đối tác để có được sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Bên cạnh đó, hiện nay xu hướng đối tượng khách lẻ đang tăng lên sau dịch bệnh. Từ trước đến nay, việc cung ứng các dịch vụ cho khách lẻ thường thông qua OTA (các nền tảng kết nối du lịch trực tuyến như Booking, Agoda, Traveloka…) nhưng chi phí rất cao, khoảng 30 – 40%. Do đó, các đơn vị dịch vụ lẻ tại VN ở các điểm đến như nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú… phải có công cụ quảng bá trên nền tảng nhiều mạng xã hội để lượng khách lẻ có thể book trực tiếp tới đơn vị mình (B2C).
“Cục Du lịch quốc gia đã có sẵn nhiều thước phim, clip, hình ảnh quảng bá du lịch. Các đơn vị dịch vụ có thể tải từ kho dữ liệu này về, gắn logo đơn vị này lên rồi quảng bá đồng loạt hình ảnh điểm đến VN. Cả ngàn, cả vạn đơn vị cùng sử dụng một kho dữ liệu, cùng chung tay quảng bá thì mức độ lan tỏa sẽ rất tốt. Cần rất đa dạng phương thức truyền thông, quảng bá, không thể chỉ trông chờ những cách làm truyền thống như trước đây”, ông Yên đề xuất.
Nguồn: thanhnien.vn