Trước việc nhiều mặt hàng nông sản như trái cây, rau củ trong nước đang ế, còn rau củ quả Trung Quốc xuất khẩu vào nước ta vẫn ồ ạt, nhiều bạn đọc đề nghị các ngành chức năng tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước.
Như Thanh Niên đã đưa tin, theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản tháng 8 giảm rất mạnh, tới 19,2% so với tháng 7 và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, nhập khẩu rau quả đã tăng tới 16,4% trong 8 tháng qua và bộ này đã đưa rau quả vào danh sách “nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu”.
Điều đáng nói, theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, trong khi “hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam, Trung Quốc (TQ) qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn đang diễn ra thuận lợi với trung bình khoảng 400 xe hàng mỗi ngày” thì ở chiều ngược lại, từ giữa tháng 8 đến nay, nhiều trái cây, nông sản Việt không thể xuất khẩu sang TQ qua các cửa khẩu biên giới giáp tỉnh Vân Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng rau củ TQ nhập khẩu với khối lượng lớn cho thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước rất lớn, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt. Trong khi đó sản xuất trong nước, đặc biệt là ở các tỉnh phía nam, gặp khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ nên có nơi rau củ bị ùn ứ, bỏ thối trên đồng.
Các quy định kiểm soát, phong tỏa phòng dịch Covid-19 khiến lưu thông, cung ứng rau từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bị đứt gãy. Nhiều chợ đầu mối tại TP.HCM ngừng hoạt động, nguồn cung trung chuyển từ phía nam ra bắc bị chia cắt vô tình tạo ra cơ hội và lợi thế cho hàng TQ tràn vào chiếm lĩnh thị trường ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Quá nghịch lý !
Bức xúc trước việc nông sản Việt Nam gặp khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ, bạn đọc (BĐ) Trần Phong đặt câu hỏi: “Tại sao ta để nghịch lý hàng ngàn tấn rau củ phải đổ bỏ ngoài đồng mà lại đi nhập hàng ngoại về bán, trong khi chất lượng hàng ngoại này lại thua xa hàng trong nước? Không ai yêu cầu cấm nhập, chỉ cần tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản trong nước được lưu thông thì sẽ đánh bật được hàng TQ”.
Tôi là người nội trợ, khi mua rau củ quả tôi luôn chọn hàng Việt Nam, vì sao? Rau củ quả Việt Nam tươi ngon hơn, an toàn hơn. Hơn nữa, mua nông sản Việt Nam là giúp cho nông dân Việt Nam, cũng chính là gia đình tôi, họ hàng tôi, bạn bè tôi ở quê!
Thanh Lan
Chặn hàng của mình qua, mình thì mở cửa cho họ vào ồ ạt. Giao thương gần như chỉ có một chiều là không ổn. Cần phải có sự điều chỉnh.
Sam Bud
Tại sao hàng hóa nhập khẩu lại được di chuyển trót lọt vào thị trường, trong khi hàng nội địa lại không lưu thông được, phải chịu hư hỏng, thiệt hại? Đề nghị T.Ư vào cuộc làm rõ trách nhiệm này.
thieu nguyen
Nhiều nơi nặng về giãn cách, ngăn chặn để tách F0 mà không nghĩ nhiều về các giải pháp lưu thông hàng hóa tiêu dùng. Để vùng sản xuất thì ùn ứ, nơi cần tiêu thụ thì khan hiếm, đắt đỏ. Có nơi, ngay trong một tỉnh còn khó lưu thông hàng hóa, thì nói gì đến vùng miền.
Lương Quang Nhật
|
Đây cũng là bức xúc chung của nhiều BĐ. BĐ lela thắc mắc: “Rau củ từ tỉnh này sang tỉnh kia khó khăn, mà sao rau củ TQ đi đâu cũng được? Không lẽ lỗi này do người tiêu thụ?”. “Rau củ trong nước không lưu thông được vì thiếu giấy đi đường, còn rau củ TQ thì thừa giấy đi đường?”, BĐ linh dao nêu vấn đề.
“Hãy thương lấy người nông dân. Họ đã quá vất vả để làm ra hạt lúa, cân rau…, và đó là nguồn thu nhập chính. Đừng để họ phải đổ bỏ thành quả một nắng hai sương của mình một cách oan uổng”, BĐ Hoàng Giao viết.
Xem lại chuỗi phân phối, lưu thông
Với mong muốn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Việt Nam ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, BĐ Lộc Nguyễn góp ý: “Nông sản trong nước thừa sức để đáp ứng nhu cầu nội địa. Nhưng chuỗi phân phối quá kém làm cho nơi sản xuất ùn ứ, không tiêu thụ được, trong khi chỗ không sản xuất được đang rất cần mà không có để mua. Xin nhắc lại là các nhà quản lý hãy chú ý vào chuỗi phân phối trong nước, phải có giải pháp căn cơ để giải bài toán này”. Cùng quan điểm, BĐ Ngôn lưu ý: “Chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng đừng vì vậy mà làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa. Đây là bài toán đòi hỏi các ban ngành, các tỉnh thành phải giỏi để giải quyết tốt nhất”.
Trong khi đó, BĐ Trần Phong nhấn mạnh: “Đây là lúc người dân cần sự điều tiết hợp lý của các cấp quản lý để vực dậy nền sản xuất trong nước chứ không phải cho nhập về để đủ cung cấp cho thị trường là đã hoàn thành nhiệm vụ, để mặc hàng trong nước phải đổ bỏ hoặc bán được một phần với giá rất rẻ”. Còn BĐ The hoa lưu ý: “Nếu chúng ta có thông tin rõ ràng về các loại rau củ quả của Việt Nam và TQ thì chắc chắn phải trên 90% người Việt Nam sẽ lựa chọn hàng Việt Nam để mua. Nhiều người bán chỉ mong bán được nhiều hàng, nên hàng TQ họ cũng nói là hàng Việt Nam”.