Nhiệm vụ của các hoạt náo viên (Oendan) là nâng cao tinh thần chiến đấu của đội thể thao và tạo ra bầu không khí “rực cháy” cho khán giả.
Không khí cổ vũ sôi động là điều đầu tiên tạo ra sự khác biệt khi chúng ta trực tiếp ra sân xem các trận thi đấu thể thao. Cả trăm năm qua, trong các trận thi đấu của các trường học ở Nhật Bản, luôn có mặt đội cổ vũ toàn nam giới, gọi là Oendan.
Động tác dứt khoát, tiếng hô vang thật to… chúng ta đang gặp gỡ các thành viên đội cổ vũ nam Oendan của Nhật Bản – vị trí đã có truyền thống 1 thế kỷ tại đất nước mặt trời mọc.
PGS. Kunihiro Seto – Đại học Tottori cho biết: “Đây là văn hóa giúp chúng tôi hiểu được điều mà người Nhật coi trọng trong 100 năm trước, cũng như niềm tin mà họ theo đuổi. Vì thế, tôi tin rằng đây là một phần của di sản văn hóa phi vật thể của Nhật Bản”.
Đội trưởng của nhóm hoạt náo viên này có vai trò rất quan trọng, họ sẽ mặc bộ đồng phục của học sinh, đánh trống taiko và thể hiện những động tác nhào lộn hoặc võ thuật. Những màn trình diễn của họ nhịp nhàng, sáng tạo và cũng rất mạnh mẽ, khí thế. Không phải ai cũng có thể đảm nhiệm vị trí này, vì riêng việc hoàn thiện cách vỗ tay hay hô vang cũng đòi hỏi rất nhiều giờ tập luyện.
Anh Motomichi Tanaka – Đại học Meiji: “Mục đích của các lớp đào tạo là thử thách vùng an toàn của chúng tôi, bởi vì chúng tôi phải có đủ sức để cỗ vũ cho tới những hiệp đấu cuối cùng, kể cả giữa mùa hè. Chúng tôi liên tục thách thức giới hạn của chính mình, xây dựng tâm lý không bao giờ bỏ cuộc và tin vào chiến thắng, ngay cả khi đội nhà bị dẫn trước 10 điểm, với hai pha lập công ở hiệp cuối. Để chuẩn bị cho điều này, chúng tôi luôn cố gắng hết sức trong quá trình tập luyện”.
Các đội cổ vũ Oendan như của anh Takana thường biểu diễn cùng với các ban nhạc kèn đồng và hoặc đội cổ vũ kiểu Mỹ gồm các hoạt náo viên nữ. Tuy nhiên, nếu như các đội khác liên tục gia tăng số lượng, thì các Oendan đang dần biến mất. Theo một khảo sát, khoảng 10 nhóm hoạt náo viên nam này đã tan rã trong 15 năm qua.
Ông Jun Tochimoto – Nhà vận động bảo tồn văn hóa “Oendan” cho biết: “Số lượng hoạt náo viên nam đang giảm mạnh. Một lý do có thể là cách bảo tồn khá cứng nhắc những truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Rèn luyện và cải thiện bản thân thông qua nghệ thuật “cổ vũ” – đây sẽ là trọng tâm trong chiến dịch của các nhà vận động bảo tồn văn hóa Oendan, với hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều sinh viên thử thách với vị trí hoạt náo viên này. Truyền thống văn hóa này cũng đang được thổi luồng sinh khí mới, với sự tham gia của các hoạt náo viên nữ.
Các thành viên của đội cổ vũ Oendan tin rằng bất kỳ ai cũng có thể trở thành “hoạt náo viên ngôi sao”, chỉ cần họ có quyết tâm thể hiện bản thân và sự kiên trì tập luyện.
Nguồn: vtv.vn