Thursday, November 28, 2024

“Nàng công chúa” thức giấc

PNO – Dường như người ta đã quên mất châu Phi cũng có một nền thời trang cực kỳ ấn tượng và đậm nét văn hóa bản địa với nhiều nhà thiết kế tài năng.

Châu Phi luôn được xem là xưởng gia công thời trang giá rẻ toàn cầu, thậm chí là bãi rác thời trang lớn nhất thế giới. Dường như người ta đã quên mất châu Phi cũng có một nền thời trang cực kỳ ấn tượng và đậm nét văn hóa bản địa với nhiều nhà thiết kế tài năng. Bài viết này phần nào hé lộ chân dung thời trang châu Phi với sức mạnh nội tại từ văn hóa.

“Nàng công chúa” thức giấc
Màu sắc và hoa văn là những đặc trưng trong thời trang châu Phi

Sự phục hưng văn hoá của lục địa đen  

Thời trang châu Phi luôn được biết đến với cách sử dụng những gam màu nổi bật, táo bạo. Khi cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama mặc chiếc áo của nhà thiết kế người Nigeria – Maki Oh – trong chuyến công du châu Phi vào năm 2013, người ta cho rằng thế giới cuối cùng cũng đổ dồn sự chú ý vào lục địa này và xem đó như một đối thủ nặng ký đối với các ông lớn trong ngành thời trang tỉ USD.

Số liệu từ Euromonitor cho thấy thị trường may mặc và giày dép của châu Phi cận Sahara trị giá 31 tỉ USD. Các nhãn hiệu như Maki Oh cũng đã được Beyonce mặc gần đây. Trong khi đó, những thương hiệu khác như Jewel By Lisa, Ikiré Jones đang dần khẳng định vị thế thương hiệu quốc tế bên ngoài lục địa.

Tại triển lãm Thời trang châu Phi diễn ra vào tháng 4/2023 ở Bảo tàng Victoria và Albert (V&A) (London, Anh), người xem đã có dịp chứng kiến những khoảnh khắc tôn vinh “sự sáng tạo, độ lành nghề và tác động toàn cầu không thể cưỡng lại của thời trang châu Phi đương đại” qua lăng kính của 45 nhà thiết kế từ hơn 20 quốc gia châu Phi.

Hơn 250 món thời trang đã được trưng bày, bao gồm các thiết kế từ bộ sưu tập cá nhân của những nhà thiết kế là biểu tượng thời trang châu Phi vào giữa thế kỷ XX. Đó có thể là trang phục từ bộ sưu tập của tín đồ thời trang người Nigeria – Shade Thomas-Fahm; của Chris Seydou – “cha đẻ của thời trang châu Phi”; của Ghana Kofi Ansah – nhà cách tân vĩ đại của thời trang; của Alphadi – “nhà ảo thuật” thời trang… Bên cạnh đó, triển lãm cũng kể những câu chuyện đương thời thông qua trang phục của các nhà thiết kế đương đại như Imane Ayissi, Moshions, Thebe Magugu, Sindiso Khumalo…

“Nàng công chúa” thức giấc
Một mẫu thiết kế trong bộ sưu tập Chasing Evil đến từ thương hiệu IAMISIGO. IAMISIGO là một thương hiệu quần áo nữ của nhà thiết kế Bubu Ogisi, chuyên bảo tồn các kỹ thuật dệt may truyền thống. Bà làm việc với các cộng đồng thủ công nhỏ trên khắp lục địa đen với sứ mệnh tôn vinh các kỹ thuật lâu đời của họ

Dù thời trang là chủ đề chính của triển lãm nhưng nó đã hé lộ nhiều thứ hơn, gồm tinh thần, tâm hồn và văn hóa của người dân lục địa này. Bắt đầu ở cột mốc kỷ nguyên độc lập của châu Phi, kéo dài từ những năm 1950 đến giữa những năm 1990, triển lãm khám phá vai trò của thời trang đối với sự phục hưng văn hóa của châu Phi đồng thời đánh giá sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông xã hội, công nghệ và sức ảnh hưởng của người nổi tiếng đã quảng bá thời trang ra phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây.

Thời trang châu Phi ngày càng cởi mở với ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác, đặc biệt là phong cách phương Tây. Trong quá khứ, thời trang châu Phi bị gò bó chặt chẽ trong giới hạn của các quan niệm truyền thống về phong cách, cản trở mọi tiến bộ trong sáng tạo và thể hiện bản thân thông qua thời trang.

Ngày nay, thông qua sự pha trộn giữa các yếu tố đa văn hóa, thời trang châu Phi không chỉ tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của châu lục này mà còn thể hiện phong cách truyền thống của nhiều quốc gia khác. Cuộc cách mạng thời trang ở châu Phi đã mở đường cho sự thay đổi về văn hóa và xã hội, truyền cảm hứng cho sự chuyển đổi các chuẩn mực thời trang trên toàn thế giới.

Các nhà thiết kế gốc Kenya như Adele Dejak, Anthony Muli hay Ami Doshi “đang định hình lại diện mạo thời trang châu Phi”. Họ liên tục tạo ra những món trang sức và phụ kiện đẹp mắt, phá vỡ định kiến rằng thời trang châu Phi không phù hợp với ngành hàng xa xỉ phẩm. 

“Nàng công chúa” thức giấc
Thời trang châu Phi trên sàn diễn tại một sự kiện thời trang ở Cape Town

4 thành phố thời trang sôi động và có sức ảnh hưởng đến ngành thời trang thế giới, cũng như phản ánh sâu sắc diện mạo văn hóa qua thời trang tại châu Phi bao gồm: Lagos lộng lẫy, hào nhoáng, đang trở thành kinh đô thời trang của châu lục; Joburg gai góc và nhiều điểm nhấn; Nairobi siêu sáng tạo; Casablanca êm đềm, mơ mộng và đặc biệt.

Châu Phi – kinh đô mới của thời trang thế giới?

Làm thế nào để các kinh đô thời trang mới nổi tại châu Phi có thể cạnh tranh với các kinh đô lâu đời như Milan, New York và Paris? Nhà thiết kế Adebayo Oke-Lawal – nhà sáng lập thương hiệu thời trang đường phố phi giới tính Orange Culture – cho biết các sự kiện thường niên như Tuần lễ thời trang Lagos (ra mắt năm 2011) đã tạo cơ hội cho những tài năng đang phát triển giới thiệu tác phẩm của họ tới những thị trường lớn hơn.

Chính màn ra mắt ấn tượng của Oke-Lawal tại Tuần lễ thời trang Lagos đã giúp anh lọt vào danh sách đề cử 30 nhà thiết kế tài năng của giải LVMH 2014. “Châu Phi đang có những bước tiến lớn trong việc cung cấp dịch vụ bền vững cho ngành thời trang. Mọi người, bao gồm cả ngân hàng, sẵn sàng hỗ trợ các thương hiệu và nhà thiết kế trẻ.

Việc sản xuất cũng đã được cải thiện nhanh chóng khi các nhà máy dệt mọc lên khắp nơi” – Oke-Lawal nói. Tokini Peterside – nhà tư vấn chiến lược chuyên về các sản phẩm xa xỉ của châu Phi – cho biết: “Chúng tôi nổi tiếng là màu mè và khoa trương. Ở đây, bạn phải nổi bật. Nếu không, bạn sẽ chìm nghỉm giữa những thương hiệu nổi bật khác”.

“Nàng công chúa” thức giấc
Thời trang của các nhà thiết kế châu Phi tại Tuần lễ thời trang Lagos 2019

Trong khi đó, tại Nam Phi, nhà thiết kế Anisa Mpungwe – nhà sáng lập thương hiệu thời trang nữ Loin Cloth & Ashes – trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên giành được giải thưởng Tài năng mới của Tạp chí Elle vào năm 2008. “Quan điểm, những mâu thuẫn và thành công của tôi ảnh hưởng đến cách tôi hình dung về trang phục của mình. Tôi hiện đại, phóng khoáng nhưng vẫn không ngại quỳ gối chào hỏi những người lớn tuổi – một phong tục truyền thống của đất nước tôi. Và tôi kể câu chuyện tại Loin Cloth & Ashes theo cách tương tự” – Mpungwe nói.

Điểm đặc biệt nhất trong các thiết kế thời trang châu Phi là sự kết hợp tài tình giữa các kỹ thuật hay yếu tố truyền thống và hiện đại. Những người có sức ảnh hưởng khác trong ngành thời trang nhận ra đã đến lúc cần bảo vệ và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống bởi có như vậy mới tạo được bản sắc để cạnh tranh. Nhà thiết kế Yegwa Ukpo cùng vợ mở thương hiệu quần áo nam Stranger vào năm 2013.

Cửa hàng này không chỉ bán quần áo do các nhà thiết kế người Nigeria thử nghiệm mà còn có cả một xưởng nhuộm chàm truyền thống. Ukpo nói: “Chúng tôi cung cấp vải nhuộm và trong tương lai, chúng tôi muốn giới thiệu các xưởng dệt. Mục tiêu của tôi là tạo ra thứ gì đó hiện đại từ những món đồ thủ công của quá khứ. Đất nước này cần nhập khẩu ít hơn và sản xuất nhiều hơn. Đã đến lúc tự hào về “Made in Nigeria”, tạo việc làm bền vững và hỗ trợ nền kinh tế”.

Đập tan định kiến thời trang châu Phi không xa xỉ, Ami Doshi Shah và Adèle Dejak đã tạo ra những món phụ kiện tinh xảo, độc đáo được làm từ nguyên liệu địa phương. Anthony Mulli kết hợp chuỗi cườm Maasai với các xu hướng quốc tế theo mùa để tạo ra những chiếc túi bán chạy ở New York (Mỹ). Nhà thiết kế này tìm kiếm những người thợ thủ công, học hỏi kỹ năng và khuyến khích họ hiện đại hóa sản phẩm để phù hợp với thị hiếu đương đại, thay đổi nhận thức về thời trang châu Phi. Bằng cách này, anh khẳng định người Kenya đang đưa di sản văn hóa vào thời trang.

Một cách đầy tự hào, Mpungwe tin rằng châu Phi hoàn toàn có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế lẫy lừng khác, thậm chí còn tạo nên sự khác biệt nhờ nền văn hóa lâu đời tại mỗi quốc gia. Và với những gì người yêu thời trang đang chứng kiến, niềm tin của Mpungwe hoàn toàn có cơ sở. 

Nhã Ca

Ảnh: Internet

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img