Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Quốc tế Nam Giang được tỉnh Quảng Nam xem là cánh cửa giao thương vùng biên mậu tạo bước đột phá kết nối giao thương với các nước trong khu vực.
Thế nhưng sau 16 năm, giờ đây cả khu vực khu kinh tế miền biên viễn này chỉ là bãi đất trống với hệ thống đường nội bộ và vài ba công sở nằm lọt thỏm giữa bốn bề là rừng núi.
Nam Giang sau 16 năm
Hạ tầng giao thông xuống cấp không đủ lực để kết nối giao thương vùng biên mậu, KKT cửa khẩu Quốc tế Nam Giang giờ đây không còn dáng dấp là khu kinh tế tổng hợp, cửa ngõ quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kết nối Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan. Kéo theo sự bỏ ngỏ một không gian phát triển các ngành công nghiệp gắn với dịch vụ thương mại biên mậu, kết hợp phát triển đô thị, khu cụm dân cư dọc theo Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC).
Chi Cục trưởng Hải quan của khẩu Quốc tế Nam Giang, ông Nguyễn Hoàng cho biết mặc dù giao thông qua QL 14D không đảm bảo an toàn, nhưng lượng hàng hóa lưu thông qua Cửa khẩu ngày càng tăng.
Dự án QL 14D kết nối với cửa khẩu Quốc tế Nam Giang theo hình thức BOT trên tuyến đường hiện có, đã được Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất 2 phương án đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch với tổng mức đầu tư khoảng 2.640,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách hỗ trợ 1.914 tỷ đồng, tương đương 72,5% tổng mức đầu tư (nếu chỉ thu phí xe thông quan qua Cửa khẩu Nam Giang thì tăng lên 2.186 tỷ đồng, tương đương 82,8% tổng mức đầu tư) và phần còn lại nhà đầu tư thu phí hoàn vốn trong khoảng 20 năm.
Hoặc đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách hỗ trợ 310,4 tỷ đồng, tương đương 42,5% tổng mức đầu tư và phần còn lại nhà đầu tư thu phí hoàn vốn với xe tải thông quan qua Cửa khẩu Nam Giang trong khoảng 20 năm.
Cân nhắc phương án đầu tư QL 14D
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, qua nghiên cứu và đối chiếu theo qui định của pháp luật, các phương án do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất đều vướng mắc về pháp lý nên không thể triển khai.
Ngoài ra, theo ông Lê Trí Thanh, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia tương đương 72,5% tổng mức đầu tư, không phù hợp với quy định tại Điều 69 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư).
“Đặc biệt phương án tài chính chưa đảm bảo; trường hợp đầu tư với phương án 2 nêu trên thì tổng mức đầu tư thấp (730 tỷ đồng), công trình chỉ được cải tạo cục bộ, vốn nhà nước phải tham gia 42,5% nhưng thời gian nhà đầu tư thu phí kéo dài 20 năm, sẽ không hiệu quả. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị không thực hiện phương án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT”, ông Lê Trí Thanh nói.
Chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Thiều Việt Dũng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu đạt 57.909 tấn; trong đó xuất khẩu 8.235 tấn, tăng 37,25%; nhập khẩu 19.702 tấn, tăng 79%; quá cảnh 29.972 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 48,45 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ.
Để tháo điểm nghẽn trên tuyến QL 14D, ngày 26/7, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản đề xuất Bộ Giao thông – Vận tải về nghiên cứu các phương án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14D với tổng nguồn vốn 2.700 tỷ đồng. Theo Chủ tịch UBND Quảng Nam, việc đầu tư mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D là rất cần thiết và cấp bách, các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đều không thể thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy để tháo điểm nghẽn trên hệ thống giao thông huyết mạch kết nối giao thương qua cửa khẩu Quốc tế Nam Giang, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc có chủ trương dừng nghiên cứu đầu tư Dự án Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D theo hình thức PPP (BOT) để chuyển sang hình thức đầu tư công.
UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2020 – 2025 và 2026 – 2030 để mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D nhằm giải quyết nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương; trong trường hợp này kiến nghị đầu tư theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn I, từ nay đến năm 2025, đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỷ đồng.
Giai đoạn II, giai đoạn 2026-2030, đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo xe container vận tải đi lại thuận lợi, an toàn, với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nếu những kiến nghị của Quảng Nam được Chính phủ chấp thuận, điểm nghẽn giao thông QL 14D được khai mở sẽ tạo điều kiện để khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Nam Giang bứt phá, mở cánh cửa phía Tây giao thương với các nước trong khu vực trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây mới có hy vọng trở thành hiện thực.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn