Tiến sĩ Nguyễn Chí Tăng, giảng viên Trường CĐ Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng có một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến trạng thái stress đối với học sinh (HS) phổ thông hiện nay. Đó là do môi trường bên ngoài, thời tiết thay đổi, môi trường học tập ồn ào, dịch bệnh đe dọa, đi lại khó khăn khi đến trường; các vấn đề về thể chất, sức khỏe, ốm đau, không đủ chất dinh dưỡng, mất ngủ kéo dài; mâu thuẫn trong gia đình, mất mát người thân…
Trong bối cảnh dịch bệnh này có thêm nhiều nguyên nhân dẫn đến stress như không đến trường, phải học trực tuyến cả ngày, lớp đông thầy cô không quan tâm hết, tốc độ đường truyền chậm và tắc nghẽn; ở nhà lâu ngày không được giao lưu, chơi đùa với bạn bè, gia đình khó khăn về kinh tế; ăn uống thiếu thốn, thiếu phương tiện học tập…
10 biện pháp cần làm để tránh stress cho học sinh
Theo các nhà tâm lý học, có 10 biện pháp có thể giúp HS giảm áp lực học tập, căng thẳng tránh được stress, đó là:
1 Cha mẹ, thầy cô và người lớn cần hiểu rõ đặc điểm, tâm lý của từng lứa tuổi HS phổ thông, từ cấp tiểu học cho đến cấp THPT.
2 Giao nhiệm vụ vừa sức, yêu cầu HS thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Thực hiện quy tắc học tập trực tuyến nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng như vào lớp học đúng giờ, trật tự, tắt micro khi đang học, khi muốn phát biểu thì giơ tay, thầy cô mời phát biểu mới bật micro, nhất là giờ giải lao phải ra khỏi lớp hoặc rời máy tính.
3 Không quá kỳ vọng và yêu cầu cao đối với HS, cần quan sát để tìm hiểu các năng khiếu, sở thích của từng em. Khen thưởng kịp thời khi có tiến bộ, động viên HS cố gắng hơn khi trả lời hay làm bài chưa đúng, để HS tránh tự ti, nhút nhát.
4 Thực hiện giáo dục phân hóa, tức là chú ý đến khả năng, đặc điểm, hoàn cảnh của HS nhằm phát hiện sự khác biệt nơi HS, thầy cô, cha mẹ cố gắng đáp ứng sự khác biệt đó để phát huy cao nhất khả năng của mỗi em.
5 Thường xuyên giao tiếp và thực hiện công bằng trong giao tiếp với HS. Thầy cô phải chú ý tạo cơ hội và khuyến khích tất cả HS trả lời, hay phát biểu ý kiến, tránh tập trung một số HS nào đó.
6 Ở nhà, cha mẹ có thể cho con tham gia làm việc nhà hợp lý, tránh tình trạng cha mẹ làm thay để con chỉ tập trung học tập. Bởi vì trong giai đoạn dịch bệnh, cha mẹ cũng phải ở nhà làm việc và con cái cũng biết chia sẻ việc nhà với cha mẹ.
7 Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, thân thiện với cha mẹ, thầy cô và người lớn xung quanh. Người lớn phải là người bạn, là chỗ dựa vững chắc, và là tấm gương cho HS.
8 Xây dựng mối quan hệ bạn bè lành mạnh, tốt đẹp để giúp nhau cùng học tập và rèn luyện. Đầu buổi học, thầy cô nên mở lớp sớm để HS có thể trao đổi, trò chuyện, hỏi han nhau.
9 Luôn tôn trọng và tin tưởng HS, con em mình. Tuy nhiên, dù các em học ở trường hay học ở nhà, cha mẹ luôn quan tâm theo sát việc học hành, sinh hoạt cũng như sức khỏe của con để cùng con vượt qua những khó khăn, trở ngại trong học tập và sinh hoạt.
10 Thực hiện khen thưởng và kỷ luật tích cực phù hợp với từng HS cụ thể, không so sánh HS này với HS khác.
Học sinh các cấp tiểu học, trung học cơ sở cần có sự hướng dẫn của phụ huyh khi học trực tuyến
|
Tăng sức đề kháng về tâm lý
Nghỉ học kéo dài, hạn chế vui chơi bên ngoài, nhiều gia đình với những lý do khác nhau, dường như chỉ biết cho con làm bạn với iPad, điện thoại. Điều này sẽ có ảnh hưởng với con trẻ.
Do dịch bệnh sẽ còn tiếp tục kéo dài, nên chúng ta phải xác định chung sống với dịch bệnh, nhưng phải an toàn, tuyệt đối không được chủ quan.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nước ta, giáo dục nói chung và HS nói riêng bị tổn thương rất lớn: nhiều em bị F0 phải điều trị và có em tử vong, hàng ngàn em bị mồ côi cha, mẹ; các em buộc phải ở nhà và học trực tuyến trong thời gian dài dẫn đến bị tổn thương sức khỏe, tinh thần.
Phải hành động ngay để hỗ trợ, trấn an tâm lý, tinh thần giúp các em vượt qua đại dịch là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, nếu không muốn thế hệ tương lai có những tổn thương. Ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước, chính quyền, nhà trường, cần có sự chung tay và đồng hành của bậc phụ huynh, thầy cô giáo và người lớn xung quanh.
Còn đối với HS, không thể ngồi chờ hết dịch rồi mới học mà cần học trực tuyến một cách chủ động, bài bản, có chất lượng để tiếp thu, khám phá kiến thức. Đây cũng là cơ hội làm quen với hình thức học tập phổ biến ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.