Luật sư Phạm Hồng Điệp, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền khẳng định: tối ưu hoá nguồn lực tại các KCN trên trục cao tốc phía Đông sẽ tạo sức mạnh “cộng hưởng” cho các KCN thuộc tiểu vùng này.
Luật sư Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cũng khẳng định: để làm được điều đó không gì ngoài “liên kết”. Thực tiễn cho thấy, việc thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp trong cùng một khu công nghiệp hoặc với các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp khác là mô hình được thực hiện thành công ở nhiều nơi trên thế giới.
“Nút thắt” phát triển hạ tầng công nghiệp
Phân tích những nút thắt trong trong phát triển hạ tầng công nghiệp hiện nay, ông Phạm Hồng Điệp cho biết: Một trong những nút thắt quan trọng trong phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung hiện nay là chủ đầu tư hạ tầng KCN khó khăn khi tiếp cận với quỹ đất để phát triển hạ tầng công nghiệp.
Để lí giải, ông Điệp đưa ra cụ thể một số nguyên nhân chủ yếu như: Các tỉnh thành hiện thiếu chỉ tiêu phân bổ đất KCN. Thủ tục xin chuẩn bị đầu tư dự án hạ tầng KCN mất rất nhiều thời gian, trung bình từ 4 – 5 năm với 7 bước từ lập quy hoạch để xin chấp thuận chủ trương đầu tư cho tới thủ tục cấp phép xây dựng. Với “rừng” thủ tục pháp lý phục vụ công tác đầu tư xây dựng kéo dài phần nào ảnh hướng tới cơ hội đầu tư trong phát triển hạ tầng KCN.
Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết thêm: vướng mắc trong thủ tục đất đai như công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…cũng là những vấn đề “nóng” được các doanh nghiệp quan tâm. Mặc dù nhà đầu tư tình nguyện ứng trước kinh phí để nhà nước thực hiện công tác đền bù GPMB.
Tuy nhiên, với chính sách pháp luật đất đai thiếu sự chặt chẽ như hiện nay thì rủi ro hoàn toàn nhà đầu tư phải gánh chịu. Nhiều dự án KCN, nhà đầu tư đã thực hiện xong thủ tục GPMB, đầu tư hạ tầng nhưng lại chưa được ký hợp đồng thuê đất với nhà nước dẫn đến tình trạng dự án bỏ hoang gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, Chính phủ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế pháp luật. Dự kiến trong năm 2023, nhiều dự án luật quan trọng sẽ được Quốc hội thông qua, đơn cử như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi);… sẽ góp phần tạo môi trường pháp lý minh bạch tháo gỡ các dự án bất động sản như hiện nay. Đặc biệt là luật đất đai (sửa đổi) có hiệu lực góp phần tạo cơ chế thông thoáng để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với quỹ đất dự án.
Thiết lập cơ chế vận hành, điều phối và liên kết hợp tác hiệu quả
Với tiềm năng trở thành một khu vực kinh tế phát triển của 4 địa phương, VCCI đã đề xuất thí điểm mô hình liên kết 4 tỉnh Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh theo trục cao tốc phía Đông dựa trên các yếu tố về phát triển kinh tế và góc nhìn của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, để thiết lập cơ chế vận hành, điều phối và liên kết hợp tác hiệu quả giữa các KCN, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp trên trục cao tốc phía đông từ Hà Nội tới Hải Phòng rồi nối tiếp đến cửa khẩu Móng Cái cần thống nhất thành lập Hội đồng kết nối vùng KCN và giao VCCI giữ vai trò điều phối hoạt động kết nối. Cùng với đó, ông Điệp cũng đề xuất 3 định hướng tăng tính liên kết hợp tác hiệu quả giữa các KCN trong hành lang kinh tế trục cao tốc phía Đông.
Đầu tiên, nên thiết lập kênh hệ thống logistics cho các KCN khi tham gia vào Hội. Việc tạo ra một hệ thống logistics đồng nhất và hiệu quả sẽ phần nào tiết kiệm được chi phí logistics, tận dụng được chi phí vận chuyển đảm bảo sự liên kết liên tục và suôn sẻ giữa các KCN, đồng thời nâng cao hiệu suất hoạt động và cạnh tranh của toàn bộ khu vực. Hội có thể hợp tác với các đơn vị vận tải và các công ty logistics để xây dựng một hệ thống vận tải liên kết cho các KCN, đồng thời tối ưu hóa quy trình logistics về xây dựng và quản lý các cơ sở vận tải, đảm bảo sự kết nối giữa các KCN thông qua các loại hình giao thông và cung cấp các dịch vụ vận chuyển đa phương thức để đáp ứng đa dạng nhu cầu của các doanh nghiệp trong KCN hướng tới giảm chi phí logistics góp phần thúc đẩy phát triển bất động sản công nghiệp.
Cần hướng tới xây dựng một mạng lưới liên kết đa chiều, bao gồm các KCN, các doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và các tổ chức đối tác khác. Mạng lưới này sẽ tạo cơ hội cho việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các giải pháp thành công trong phát triển KCN. Thường niên tổ chức các sự kiện, hội thảo và diễn đàn chuyên đề về quản lý KCN, phát triển công nghiệp 4.0, công nghệ và chuyển đổi số, xử lý môi trường và năng lượng, các xu hướng mới trong ngành công nghiệp.
Đây sẽ là cơ hội để các thành viên trong mạng lưới cùng nhau học hỏi và tiếp cận với các thông tin mới nhất, những phương pháp tiên tiến nhất. Ngoài ra, Hội có thể thúc đẩy việc thiết lập các liên kết hợp tác giữa các KCN, khuyến khích sự kết hợp giữa các KCN có cùng ngành hoặc các mô hình hợp tác công nghiệp đặc biệt. Hội có thể sử dụng các công nghệ số và nền tảng trực tuyến để tạo một mạng lưới liên kết mở rộng, cho phép các thành viên tham gia truy cập thông tin và tài nguyên, tham gia vào diễn đàn trực tuyến, tạo ra các hoạt động hợp tác từ xa.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và hợp tác. Tổ chức các buổi gặp gỡ, hội thảo, diễn đàn đầu tư và triển lãm định kỳ. Các sự kiện này sẽ tạo cơ hội cho các chủ đầu tư và nhà đầu tư tiềm năng gặp gỡ, trao đổi thông tin và xây dựng mối quan hệ hợp tác. Hội có thể hỗ trợ việc thiết lập các liên kết hợp tác giữa các KCN để tăng cường cạnh tranh và khai thác tối đa tiềm năng của khu vực; giới thiệu các cơ hội hợp tác, kết nối các doanh nghiệp trong các KCN về các chương trình, quỹ hỗ trợ và cơ chế tài chính để khuyến khích đầu tư và hợp tác.
Nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về đầu tư, phát triển hạ tầng KCN, KCX các tỉnh trục cao tốc phía đông, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết, kết nối với nhau để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu; Tìm kiếm cơ chế liên kết phát triển hiệu quả các khu công nghiệp tại 4 tỉnh thành. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP Hải Phòng, UBND Tỉnh Quảng Ninh, UBND Tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Diễn đàn “Liên kết phát triển hạ tầng khu công nghiệp trục cao tốc phía đông”.
– Thời gian: 13h30-17h30 thứ 5 ngày 31/ 8/2023
– Địa điểm: Trung tâm hội nghị TP Hải Phòng, 18 Hoàng Diệu, Hải Phòng
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn