PNO – Còn rất trẻ và là một GenZ thứ thiệt, nhưng Lê Quang Hoà không có vẻ của một người… trẻ tuổi.
Sở hữu một gương mặt cương nghị cùng phong thái của một cá tính kiên định, kỷ luật cao, có phần trầm lắng, dù tự nhận là người hướng ngoại, Hoà ngoài đời không khác lắm với hình ảnh rắn rỏi, tập trung cho những bước sải chân lặng thầm mà tốc độ trên đường chạy. Và cũng kiệm lời như lúc chạy, Hoà chỉ nói những thứ cần nói với dáng vẻ hiền lành mà nghiêm túc của một huấn luyện viên, công việc mà Hoà hiện đang đảm nhiệm tại cộng đồng chạy bộ AR Saigon, một nhánh trong hơn 80 cộng đồng chạy bộ mang tên AR trên toàn thế giới.
Những thành tích khó vượt qua với nhiều lần đứng hạng nhất các giải chạy Marathon danh giá cũng khiến Hoà trở thành thành viên của Biệt đội tốc độ nhằm mang tới nguồn cảm hứng và động lực tập luyện cho không chỉ AR Saigon mà còn của phong trào chạy bộ đang rất phát triển tại Việt Nam.
Nhưng đó chỉ mới là những ấn tượng ban đầu về Quang Hoà. Trong podcast Vì sao bạn chạy với chủ đề “Khi tốt hơn, mình có thể là động lực của người khác”, chàng trai này đã cho thấy mình sở hữu nhiều điều thú vị và “đẹp” hơn so cả ấn tượng ban đầu và những thành tích “khủng” trên đường chạy.
Phóng viên: Điều đầu tiên muốn hỏi đó là anh có biết tại sao khi đi học thì được gọi là “Hot boy” của trường Đại Học Kiến Trúc Đà Nẵng rồi sau đó là Hotboy Marathon và bây giờ được gọi luôn là “Hot coach” của AR Saigon?
Quang Hoà: Tôi nghĩ là mọi người thấy tôi tập luyện nhiều, mà học cũng được, lại là lớp trưởng rồi tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, cả ở Đà Nẵng và với AR Saigon trong khi vẫn thi đấu thể thao và được lên bục ở nhiều giải chạy nên gọi tôi như vậy thôi. Khi podcast Why you run lên sóng thì các anh chị bên dự án The Early Bird trêu tôi nên gọi luôn là “hot coach”.
Tôi còn đùa là ai chứ không phải tôi mà (cười). Thực sự thì tôi biết ơn những ghi nhận của mọi người và cảm ơn những cơ hội khiến tôi được lan toả, chia sẻ niềm yêu thích chạy bộ và những điều tôi đã làm được. Còn nếu được khen vẻ ngoài thì là do tôi được thừa hưởng từ bố mẹ. Có công sức của mẹ tôi nữa. Chị có thấy mũi tôi cao không? Mẹ bảo là do hồi còn bé, mẹ thường vuốt mũi tôi cho nó cao đấy.
* Ngoài tố chất và những điều được thừa hưởng từ bố mẹ, anh có nghĩ là chính việc bắt đầu chạy ngày nhỏ và chạy cho đến bây giờ đã là điều khiến anh “đẹp” hơn không?
– Ý chị là cái đẹp trong một nghĩa rộng hơn, không chỉ là thể chất, hay hình dáng bên ngoài hay cân nặng mà cái đẹp từ thể thao còn là ở tinh thần, ở ý chí và là cái mà chúng ta có thể điều tiết cảm xúc tốt hơn, ứng xử tốt hơn, nhẫn nại hơn, phải không? Tôi cũng nghĩ thể thao mang đến những vẻ đẹp như thế. Ngoài thể chất, là điều chắc chắn mà tập luyện sẽ mang đến thì khi có vận động, người ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn và cách suy nghĩ về mọi người xung quanh cũng sẽ vì thế mà đẹp hơn.
Trong một ngày có vận động, tôi thấy mình nhiều năng lượng hơn, hoàn thành được nhiều việc và có thể vui tươi, chia sẻ năng lượng cho người khác. Sau một ngày làm việc, việc tập luyện cũng khiến mình quên đi mệt mỏi và trở lại được trạng thái ban đầu. Việc được đổ mồ hôi giúp cơ thể mình đào thải các chất độc, và các hormones hạnh phúc được sản sinh ra trong lúc tập luyện sẽ khiến mình phấn khích, năng động hơn. Khi buồn cũng vậy, cứ ra chạy thôi, nếu có một người bạn chạy cùng nữa thì nỗi buồn nó cũng sẽ qua đi. Chạy rồi gặp gỡ mọi người, lan toả được niềm vui chạy bộ sẽ thấy việc chạy không chỉ là chạy mà còn tạo ra được nhiều giá trị khác nữa cho cộng đồng.
* Những giá trị khác nữa cho cộng đồng, cụ thể ở đây là gì?
– Khi chạy và yêu thích việc chạy, mọi người sẽ có xu hướng chia sẻ và lan toả niềm vui đó. Như tại cộng đồng AR Saigon, mọi người sẽ tập luyện và thực hiện các chương trình cùng với nhau để hỗ trợ lẫn nhau và nhất là những người mới bắt đầu và những người phụ nữ chạy bộ. Bên cạnh đó, mọi người sẽ cùng góp sức cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Có khi là đóng góp số km mình chạy để các tổ chức, nhãn hàng, giải chạy nhằm chuyển số km thành thành tiền đóng góp vào các quỹ nhân đạo hoặc quỹ bảo vệ môi trường. Tôi đã rất ấn tượng với chương trình Run for The Ocean mà AR tổ chức tại Quy Nhơn vào năm 2019 nên nghĩ là hay về làm tại Đà Nẵng. Bắt đầu là tại bãi biển Phạm Văn Đồng và nhiều anh chị thấy hay nên mọi người đã cùng nhau hàng tuần lên Sơn Trà để dọn dẹp và thu gom rác trên đường chạy. Đến nay, hoạt động này vẫn được duy trì và còn được sự tham gia của các tổ chức khác nữa. Khi chạy, mọi người cũng sẽ cùng tập luyện và hỗ trợ nhau, để mọi người có thể chạy tốt hơn, biết cách giảm thiểu chấn thương và các nhóm chạy bộ hiện nay cũng đã được mở rộng hơn rất nhiều.
* Hành trình trở thành kỹ sư Xây dựng, huấn luyện viên, vận động viên phong trào cừ khôi – nguồn cảm hứng của nhiều người trên đường chạy – hẳn không hề dễ dàng. Có phải việc chạy tốc độ trước đây và chạy sức bền thành tích cao hiện nay đã trui rèn cho anh bản lĩnh và kỷ luật để đạt được những thành quả như thế? Và cũng khiến anh trưởng thành hơn những người đồng trang lứa?
– Từ lúc nhỏ, tôi đã bắt đầu lớn hơn những người đồng trang lứa rồi. Mình ra đời sớm, tiếp xúc môi trường ngoài xã hội nhiều hơn. Mình gặp bạn bè, gặp các anh chị lớn cũng nhiều, chứ không phải chỉ xoay quanh chuyện học. Điều đó cũng rèn luyện cho mình tính cách cũng khác với những người đồng trang lứa. Cũng là một phần trong nhiều vô vàn những điều mà chạy bộ đã mang lại cho tôi. Về tinh thần thì nhờ chạy bộ mà tôi có thể vượt qua được khó khăn nhất là khi phải đối mặt với những quyết định không dễ dàng từ khi còn nhỏ. Điều đó cũng giúp tôi vượt qua được những cái ngưỡng của chính mình. Và vượt ngưỡng cũng là điều mình phải rèn luyện.
* Nhân nói về chuyện vượt ngưỡng, anh nghĩ chuyện phải tập luyện để cơ thể chịu đựng với cơn đau mỗi khi thi đấu có giống với những sự vượt ngưỡng hoặc thoả hiệp trong đời sống mà có lúc chúng ta sẽ phải đối mặt?
– Nếu như mình rơi vào trường hợp mình thấy đau và tới đó là mình dừng thì không bao giờ mình vượt qua cơn đau đó được. Nếu mình không muốn chịu đựng nó, mình dừng lại ngay thì mình sẽ không thể rèn cho cơ thể mình cơ chế để vượt qua. Và cơ thể sẽ không thể chịu đựng nổi cơn đau đó khi nó tới. Nếu mình dừng lúc đó thì nó cũng giống với sự bỏ cuộc hay thoả hiệp khi gặp khó khăn hay chướng ngại trong cuộc sống và công việc. Còn nếu mình vượt qua được thì mình sẽ qua được giới hạn và tiệm cận được mục tiêu mình đề ra.
*Còn điểm dừng thì sao? Có khi nào mình không phân biệt được ngưỡng và điểm dừng?
– Điểm dừng là lúc cơ thể mình phản đối còn ngưỡng là qua quá trình tập luyện mình sẽ nhận ra. Đôi khi nó sẽ trùng nhau hoặc sẽ khác nhau. Tuỳ vào quá trình tập luyện, mình tích luỹ, mình nhận biết ra cơ thể mình ở ngưỡng nào, điểm dừng nào mình có thể dừng. Cơ thể mình tự cảm nhận được điều đó. Kế hoạch tập luyện thì cũng như bậc thang. Bắt đầu mình sẽ đi lên và sẽ có một đoạn đi ngang, rồi lại đi lên và lại đi ngang, chứ không phải cứ lên dốc mãi, mà cứ zic-zac như vậy. Với một hình dung như vậy thì mình sẽ thấy những bậc thang dẫn chúng ta đi xa hơn và vững chắc hơn. Tập luyện cũng vậy, không phải là cứ tập thật nặng sau đó quá mệt, hoặc thấy chán lại ngưng, thật lâu sau mới quay trở lại. Điều đó sẽ không hiệu quả bằng việc giữ một nhịp độ đều đặn, phù hợp và nâng dần lên và vượt những giới hạn trước đó.
* Thành tích 2:33:35 cho 42km, đứng nhất tại 1 giải Marathon danh giá năm 2020 đang là kỷ lục của chính anh. Điều này có vẻ không chỉ đáng mơ ước mà còn rất khó để vượt qua?
– Tôi cũng đang đặt mục tiêu phá kỷ lục đó của chính mình. Điều đó cũng khó, vì còn cần đúng điểm rơi và phong độ. Tôi còn phải đầu tư tập luyện và cải thiện về dinh dưỡng nhiều hơn nữa. Cũng hy vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Tất nhiên, mình cố gắng tập lâu dài chứ không phải chạm cái ngưỡng đó thì mình nghỉ và tuột năng lượng thì rất đáng tiếc. Mình còn phải đạt được nhiều ngưỡng mới hơn. Và đó là mục tiêu để mình tiếp tục nỗ lực.
* Anh thường nghĩ gì khi chạy bộ, đặc biệt là khi phải chạy những chặng đường dài chuẩn bị cho kỳ Marathon 42km với mục tiêu giành giải?
– Lúc chạy bộ thường tôi chủ yếu nghĩ đến cái gì đó tích cực, cái gì đó làm cho mình vui hơn, làm mình cảm thấy hạnh phúc khi chạy, dù trời nắng hay trời mưa. Cho dù lúc đó mệt ơi là mệt, nhưng mình có thể tạo ra cái gì đó vui để quên cái mệt đi. Khi chạy, mình cũng có thể lắng nghe những âm thanh trên đường sá, tiếng mọi người nói cười và hoà mình vào thiên nhiên. Cũng có lúc, tập bài cường độ cao, đòi hỏi ngưỡng chịu đựng gấp đôi bình thường về tốc độ, sức bền và tinh thần, mình cũng sẽ dễ nản. Tôi vẫn nghĩ về việc sau khi hoàn thành bài này thì mình sẽ có gì tốt hơn. Tập trung vào điều đó thôi. Chạy bộ là thiền mà, mình không nói chuyện với ai cả, mình tự nói chuyện với mình và bình tâm lại. Việc tập luyện, quan sát chính mình, xác định những giới hạn của sự chịu đựng và biết khi nào là đến ngưỡng. đối với tôi là rất quan trọng trong tập luyện và cả trong đời sống. Chính bản thân mình sẽ hiểu mình đang ở đâu, mình cần tập gì, làm gì cho tốt hơn.
* Vừa là một kỹ sư xây dựng vừa là một huấn luyện viên chạy bộ hướng dẫn, hỗ trợ cho rất nhiều nguời khi họ tìm tới, đồng thời còn là một người chạy đúng nghĩa với những kế hoạch tập luyện và thi đấu nhằm vượt qua các thành tích cá nhân, không chỉ cho bản thân mà còn để đại diện và truyền cảm hứng cho cộng đồng chạy bộ mà anh đang là thành viên chủ chốt, anh đã phải sắp xếp một ngày của mình như thế nào?
– Hằng ngày tôi sẽ thức dậy vào lúc 4g, 4g30 sẽ bắt đầu tập luyện, có những ngày là huấn luyện và cùng chạy với những người đang cần tôi hỗ trợ. Đến 6g30 tôi sẽ di chuyển xuống Bình Dương để 7g30 bắt đầu làm việc. Cuối ngày, khi quay về lại Sài Gòn, sẽ có những ngày tôi có lịch huấn luyện riêng, có ngày tôi sẽ tham gia cùng AR Saigon cho lịch tập định kỳ. Ngày khác tôi sẽ tự tập bài của mình. Rồi về nhà nấu ăn, tự học, lên lịch cho ngày mới rồi đi ngủ thôi. Hết thời gian rồi (cười).
* Có vẻ là anh không có nhiều thời gian riêng cho bản thân?
– Có nhiều người cũng hỏi là sao cuộc sống không có thú vui gì hết, nhàm chán vậy nhưng tôi thấy cũng vui mà. Tập luyện mỗi ngày với tôi là niềm vui. Và tôi nghĩ, mình đã làm được một số thứ thì mình cũng muốn người khác được như vậy. Nếu có thể hỗ trợ người khác và thấy họ tốt lên thì đó cũng là niềm vui. Tôi muốn sự nỗ lực của mình sẽ góp phần khiến người khác có thêm động lực để cố gắng. Tôi cũng thích tự nấu ăn, thích ăn món gì thì mình có thể tự nấu món đó rồi tự học và chuẩn bị lịch cho ngày mới. Đó là thời gian cho bản thân tôi rồi.
* Anh có muốn gửi gắm điều gì tới những người phụ nữ ngoài kia, những người đang bận rộn vì công việc, gia đình và những nỗi lo khác nên nghĩ rằng mình không thể tập luyện thể thao? Và cả với những người dù muốn chạy bộ nhưng lại nghĩ rằng mình có quá nhiều trở ngại để bắt đầu?
– Tôi nghĩ phụ nữ là những người luôn muốn chu toàn mọi việc và muốn tốt cho người khác, nhưng mình phải chăm sóc được cho bản thân, mình phải tốt, phải khoẻ thì mới có thể chăm sóc được cho gia đình. Tập luyện thể thao thì có thể bằng nhiều cách, không nhất thiết phải là chạy bộ.
Quan trọng là giữ cho mình vận động, đi bộ cũng được, tập những bộ môn khác cũng được. Miễn là có vận động, có tập luyện. Nếu chưa sẵn sàng để chạy thì có thể đi bộ, dậy sớm, đi bộ hoặc chạy bộ ngắm bình minh, lắng nghe những âm thanh của đời sống, cũng là một cách để bắt đầu ngày mới một cách nhẹ nhàng và nhiều năng lượng hơn.
Cũng có thể làm điều đó vào buổi tối, sau một ngày bận rộn, để cơ thể được nạp lại năng lượng, ngủ ngon hơn. Còn nếu muốn chạy bộ thì hiện nay, có rất nhiều cộng đồng và câu lạc bộ chạy bộ, ở khắp nơi. Thực sự ai cũng có thể chạy vì đó là cơ chế tự nhiên của con người. Chạy bộ cũng dễ dàng để mọi người tiếp cận. Nên nếu để gửi gắm điều gì thì tôi sẽ muốn nói rằng, bước chân khó nhất vẫn là bước chân từ cái giường tới đôi giày mà thôi. Và mọi người đều có thể thử và chọn cách thức phù hợp nhất cho mình.
* Cảm ơn anh. Tôi nghĩ tôi cũng phải chạy thôi!
Thương
Nguồn: phunuonline.com.vn