Đây là nội dung được TS. Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh khi đề cập đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong những năm gần đây.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2023, nền kinh tế nước ta xuất siêu đạt 16,26 tỷ USD – con số lớn nhất từ trước đến nay so với cùng kỳ. Xuất siêu góp phần tạo cho cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam liên tục thặng dư.

Giá trị gia tăng lớn, xuất khẩu dịch vụ vẫn bị bỏ quên

Nền kinh tế nước ta tiếp tục ghi nhận xuất siêu hàng hoá sản phẩm

Nhấn mạnh xuất siêu là tốt, song nhìn đi cũng phải nhìn lại, với một nền kinh tế đang phát triển như nước ta, cần nhập khẩu nhiều thiết bị, công nghệ, dây chuyền, máy móc hiện đại mà thặng dư thương mại hàng hóa do khu vực FDI tạo ra quá nhiều cũng chưa phải là tín hiệu tốt. Hàng hóa xuất khẩu của khu vực FDI chủ yếu là gia công, xuất khẩu sức lao động trong khi khu vực trong nước chủ yếu xuất nguyên liệu thô hoặc hàng hóa qua chế biến, gia công thấp.

Với nhìn nhận như vậy, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta dành nhiều quan tâm cho xuất nhập khẩu hàng hoá mà chưa chú trọng đến xuất khẩu dịch vụ.

Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đạt 16,6 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu du lịch (khách quốc tế đến Việt Nam) chiếm 71%; còn con số nhập siêu dịch vụ là 11,9 tỷ USD. Năm 2020, nhập siêu dịch vụ tăng lên 12 tỷ.

Đến 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dịch vụ đạt 8,8 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu du lịch đạt 4,3 tỷ (chiếm hơn 48%), còn nhập khẩu dịch vụ (người Việt Nam ra nước ngoài) là 3 tỷ USD. Đến hết tháng 8, Việt Nam đón hơn 7,8 triệu khách quốc tế, gần như hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế của cả năm 2023.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, trong nhập siêu dịch vụ, nếu giảm được 1% sẽ góp phần làm GDP tăng 0,36 điểm phần trăm. Đây là một con số rất lớn. Trong khi Việt Nam có nhiều lợi thế về xuất khẩu dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với xuất khẩu hàng hóa.

Giá trị gia tăng lớn, xuất khẩu dịch vụ vẫn bị bỏ quên

Du lịch là lĩnh vực có nhiều lợi thế xuất siêu dịch vụ

Hiện nay, thế mạnh lớn nhất để xuất siêu dịch vụ nằm ở lĩnh vực du lịch. Dẫn số liệu thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, năm 2019 là năm ghi nhận nhập siêu dịch vụ ít nhất (xuất khẩu 20,422 tỷ USD và nhập khẩu là 21,348 tỷ USD) nhờ đón được trên 18 triệu lượt khách quốc tế. Con số này cho thấy vai trò lớn của khách quốc tế trong xuất khẩu du lịch của nước ta.

Trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế vừa qua, du lịch là lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn, nhiều chính sách kích cầu du lịch đã và đang có hiệu lực nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam kéo dài thời hạn visa từ 30 ngày lên 90 ngày và có giá trị nhập cảnh nhiều lần từ ngày 15/8/2023; mở rộng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân của nhiều nước.

Việt Nam là quốc gia có nhiều danh lam, thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ với nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc… là lựa chọn của nhiều khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch của Việt Nam chưa thực sự tốt, giá cả chưa cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực cũng như chậm thay đổi thích ứng với xu thế du lịch mới sau dịch bệnh COVID -19. Do đó, để xuất khẩu du lịch mang lại thêm giá trị gia tăng, cần có thêm các giải pháp hiệu quả hơn thu hút khách quốc tế.

Ngoài du lịch, xuất khẩu dịch vụ còn có thể tạo ra thêm nhiều giá trị ở các lĩnh vực khác như ngân hàng, dịch vụ vận tải và logicstic.