Trên Facebook, bạn bè của Trương Văn Tùng, sinh viên năm 2 ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Sài Gòn trêu đùa nhau: “Trường mình ở đường nào mọi người nhớ không?”, “Ai nhớ đường đến trường chỉ cho tớ với”, “Tớ còn quên mất tên trường mình đây”… khiến ai cũng phì cười. Với Tùng cũng mong muốn được đi học trở lại.
Cảm thấy nhớ lớp, nhớ nhau lắm rồi…
Tùng cho biết: “Tụi em tếu táo vậy vì đã quá lâu rồi không ai được lên trường. Em thì về nhà ở tỉnh Bình Dương, cũng là một điểm nóng của dịch Covid-19 trong thời gian qua. Cứ chờ đợi 1 tháng, 2 tháng, lại 3 tháng và nay đã là tháng thứ 5 rồi. Chưa bao giờ tụi em lại nghỉ học ở nhà lâu đến thế. Đúng là đường đến trường sao mà… xa xôi quá. Em cũng như bạn bè mình, cảm thấy nhớ lớp, nhớ nhau lắm rồi”.
Theo Tùng, những ngày ở nhà học trực tuyến, vẫn được gặp thầy cô, bạn bè nhưng chỉ qua màn hình nên chưa “thỏa”. “Lâu quá rồi em không được cùng bạn ngồi uống ly cà phê trước cổng trường hay bá vai bá cổ nhau trêu đùa chuyện gì đó. Ở nhà quanh quẩn từ bếp ra sân, từ sân ra cổng ngõ… buồn tay buồn chân lắm. Ước gì sau 30.9 dịch được kiểm soát, hết giãn cách xã hội để tụi em được đi học trở lại”, Tùng bày tỏ.
Cô sinh viên Cẩm Tiên vẫn đang đi chống dịch
|
Trần Thị Cẩm Tiên, sinh viên năm 2 Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, những ngày này vẫn đang là tình nguyện viên chống dịch ở Q.Phú Nhuận. Tiên đã ròng rã tham gia lấy mẫu xét nghiệm và hỗ trợ các công tác chống dịch suốt gần 4 tháng qua. Cẩm Tiên chia sẻ: “Hàng ngày em làm việc và học trực tuyến nên không có cảm giác buồn chán. Tuy nhiên, nghĩ đến việc được đi học trở lại, được gặp gỡ bạn bè thầy cô trực tiếp chứ không phải qua zoom, em cảm thấy háo hức và mong chờ rất nhiều.
Mong được đi thực tập, tốt nghiệp đúng tiến độ
Trong khi đó, Nguyễn Duy Khiêm, sinh viên năm cuối ngành cơ điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì đang mong cho mau hết dịch để được đi thực tập. “Lúc trước khi giãn cách, em đã trúng tuyển vị trí thực tập có lương tại công ty Bosch của Đức ở Q.Tân Bình. Bây giờ chỉ mong sau 30.9 hết giãn cách để em có thể đi thực tập và học nốt mấy môn còn lại. Hiện em chuẩn bị được tiêm vắc xin mũi 2 nên cũng khá an tâm. Hy vọng là sinh viên tụi em sẽ được tiêm hết để sớm đi học trở lại”, Duy Khiêm cho hay.
Duy Khiêm mong hết giãn cách để đi thực tập
|
Tương tự, Nguyễn Văn Trí, sinh viên năm cuối ngành tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến, cũng đang đợi hết giãn cách để đi thực tập tốt nghiệp. “Nghỉ lâu quá em cũng khá sốt ruột. Em chỉ mong mình có thể hoàn thành chương trình học đúng hạn, để tốt nghiệp và đi làm không bị quá trễ so với dự kiến”, Trí chia sẻ.
Đối với Dương Hoà Bảo Trân, lúc đầu nghĩ giãn cách thì ở nhà với ba mẹ cũng đâu có gì chán. Tuy nhiên chờ mãi vẫn chưa được đi học lại, cô nữ sinh này bắt đầu thấy buồn. Bảo Trân kể: “Bình thường đi học là có biết bao bạn bè trò chuyện cười đùa, vậy mà suốt thời gian qua em chỉ có cái điện thoại làm bạn. Nên em bèn tập nấu ăn và tập cả thể dục để quyết tâm ngày đi học trở lại sẽ… không bị tăng cân”.
Dương Hoà Bảo Trân mong được đi học trở lại để rủ bạn bè đi ăn những món mình yêu thích
|
Trân lo lắng không biết tình hình này liệu tháng 10 đã được đi học lại chưa, vì dịch còn chưa hết, và nhiều bạn còn ở quê. “Tuy nhiên, em đã lên kế hoạch sẵn với bạn là ngày đầu tiên đi học lại sẽ cùng nhau đi ăn bánh canh cua ở Tô Hiến Thành, sau đó ăn tàu hũ nước đường ở Bùi Viện. Đồng thời, em sẽ đi ăn bún bò ở ngay gần nhà với… anh người yêu”, Trân cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoàn, giảng viên Khoa Kế toán – Kiểm toán Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng giảng viên và sinh viên chỉ được đi học trở lại khi hết giãn cách và đại dịch đã được kiểm soát. “Vấn đề an toàn cho giảng viên, sinh viên và cộng đồng vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Nếu việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên sẽ mang lại những nguy cơ khó lường thì thành phố có thể ưu tiên mở cửa cho những ngành nghề thiết yếu khác trước, vì hiện nay việc dạy trực tuyến vẫn tạm thời ổn định. Dĩ nhiên lúc này thì cả thầy và trò đều mong mỏi ngày dịch được kiểm soát. Nghĩ đến việc thầy trò được trở lại trường trong an toàn, tôi cảm thấy thật hạnh phúc”, tiến sĩ Hoàn chia sẻ.