Đề án quản lý CTR các vùng nông thôn được triển khai tại Quảng Nam đã góp phần hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện đề án quản lý chất thải rắn nông thôn
Đề án quản lý CTR các vùng nông thôn được triển khai tại Quảng Nam đã góp phần hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Đề án quản lý CTR trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là đề án CTR 1662) được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 6.2020.
Tuy nhiên, dù đã triển khai hơn một năm qua nhưng nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, kết quả triển khai còn chậm, nhất là việc tìm kiếm, quy hoạch, đầu tư xây dựng khu xử lý CTR và mời gọi các nhà đầu tư để xử lý CTR cho địa phương mình.
Theo thông tin từ Sở TN-MT, hiện nay mới chỉ có 4 huyện là Núi Thành, Đại Lộc, Hội An và Bắc Trà My xúc tiến thực hiện dự án xử lý CTR. Ngoại trừ dự án xử lý CTR Bắc Quảng Nam đã triển khai thi công, đảm bảo hoàn thành và vận hành vào năm 2022, dự án nhà máy xử lý CTR Hội An do năng lực hạn chế của nhà đầu tư nên phải gia hạn tiến độ thực hiện, hai dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đề xuất chủ trương đầu tư.
Các huyện đồng bằng và trung du khác vẫn chưa xúc tiến hoặc còn vướng mắc trong quá trình xác định khu xử lý. Đối với 7 địa phương khu vực miền núi, đã có các khu xử lý với quy mô nhỏ, cần phải nâng cấp, mở rộng một số hạng mục chính để đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Tiến độ này đang rất chậm so với yêu cầu, sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đặt ra trong đề án CTR 1662, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố về CTR sinh hoạt tại các địa phương khi các khu xử lý cấp tỉnh đóng cửa.
Theo Sở TN-MT, công tác triển khai các khu xử lý CTR theo Đề án CTR 1662 đang gặp khó khăn trong việc vận động tuyên truyền người dân khu vực đồng thuận. Ở một số địa phương, vị trí quy hoạch trùng lắp hoặc chưa đảm bảo khoảng cách đến một số dự án khác được địa phương phê duyệt.
Nhà đầu tư đến làm việc nhưng không thiết tha với dự án đầu tư do khó khăn trong việc hoàn vốn cùng như sinh lợi, tính rủi ro cao. Việc lựa chọn công nghệ xử lý CTR sinh hoạt còn lúng túng; hầu hết địa phương đều đề xuất công nghệ cũ, lạc hậu là chôn lấp hợp vệ sinh.
Tại hội nghị tổng kết đề án CTR nông thôn đến năm 2020, đẩy mạnh thực hiện đề án CTR 1662 được UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên nguồn lực, từ nay đến ngày 31.12.2022 phải có 1 khu xử lý CTR cho địa phương mình.
Đồng thời chỉ đạo vận hành xử lý CTR trên địa bàn đảm bảo an toàn về môi trường; tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư dự án xử lý CTR để chủ động giải quyết lượng CTR phát sinh trên địa bàn. Đối với các khu xử lý CTR tập trung đã có quy hoạch, các địa phương tuyệt đối không phê duyệt các dự án khác chồng lấn; ưu tiên bố trí kinh phí cắm mốc, bồi thường giải phóng mặt bằng; tuyên truyền vận động nhân dân biết, nắm rõ thông tin dự án và cơ chế hỗ trợ để người dân khu vực đồng thuận.
Ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam cho hay, đề án đã được nêu rõ là ngân sách tỉnh chỉ đầu tư kinh phí ban đầu để triển khai, các địa phương phải sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ duy trì hoạt động thường xuyên.
Tuy nhiên, do tình hình khó khăn về tài chính của các địa phương thực hiện đề án, thu phí từ nhân dân chưa đúng, đủ ở một số nơi, việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường chưa phù hợp dẫn đến nhiều tồn tại.
Công tác quản lý nguồn thu từ cộng đồng còn hạn chế nên đến nay số tiền các địa phương nợ công ty lên đến khoảng 9 tỷ đồng. Ngoài ra, tâm lý người dân lo ngại ô nhiễm môi trường khiến tình hình an ninh trật tự tại một số bãi rác có thời điểm diễn biến phức tạp, người dân tụ tập ngăn chặn việc đưa rác vào khu xử lý dẫn đến tình trạng ứ đọng rác trong cộng đồng.
“Chúng tôi đề nghị công tác truyền thông cần được các địa phương thực hiện thường xuyên. Tại các hội nghị, hội thảo, cấp cơ sở nên lồng ghép triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng kết hợp với chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi đổ rác không đúng nơi quy định. Đồng thời tuyên truyền vận động thường xuyên, liên tục hơn nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân tham gia vệ sinh môi trường trong thời gian đến.
Phía công ty mong muốn các địa phương sớm bố trí ngân sách hỗ trợ các xã, thị trấn duy trì hoạt động thường xuyên của tổ thu gom rác thải và chi trả công tác thu gom vận chuyển rác thải, giải quyết dứt điểm công nợ còn tồn đọng trong thời gian qua” – ông Dũng nói.
Đề án CTR 1662 được xây dựng trên quan điểm CTR phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn. Ngoài ra, phải từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến, phân loại rác thải tại nguồn, khuyến khích tất cả thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTR.
Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng: “Phải xác định quản lý CTR là nhiệm vụ chính trị gắn liền với đời sống kinh tế xã hội của địa phương, nhân dân là chủ thể phát thải CTR cũng phải chịu trách nhiệm với lượng CTR thải ra.
Thời gian sắp tới, UBND cấp xã cần đẩy mạnh quản lý, theo dõi và giám sát chặt chẽ các vấn đề về CTR trên địa bàn theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Về phía Sở TN-MT cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh, các cấp chính quyền tăng cường quản lý CTR theo chiều sâu phù hợp với tính chất vùng miền, đặc thù vị trí địa lý, hiện trạng phát sinh, năng lực quản lý CTR của từng địa phương”.
Đại diện TP.Hội An cho hay, trong bối cảnh lượng rác thải ngày càng gia tăng từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì người dân, chủ doanh nghiệp phát thải cũng phải trả phí xử lý. Việc này sẽ phát huy trách nhiệm của các đối tượng phát thải, đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn có khối lượng xả thải lớn, chia sẻ trách nhiệm về việc bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Minh Lý – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, bài học về phân loại rác tại nguồn tỏ ra khá hữu hiệu, có vai trò đặc biệt quan trọng. “Hội An đã có nhiều nỗ lực về bảo vệ môi trường, là một trong số những địa phương tiên phong trong việc phân loại rác tại nguồn từ năm 2012. Tính trung bình, mỗi ngày Hội An phát thải ra khoảng 120 tấn rác cần xử lý. Hai năm nay, do dịch bệnh, rác thải có giảm song vẫn ở mức cao, khoảng 80 tấn mỗi ngày.
Nhờ tất cả xã phường đều triển khai phân loại rác tại nguồn, tỷ lệ rác thải được xử lý triệt để ở mức cao, ổn định. Hiện nay, tại một số khu vực nông thôn, tỷ lệ đô thị hóa thấp, thành phố đã có chủ trương phân cấp để xử lý thông qua việc vận động các hộ dân thực hiện các hố chôn lấp rác thải hữu cơ để giảm thiểu lượng rác tại khu dân cư, kết quả đạt được ban đầu rất đáng khích lệ” – ông Lý nói.
Hiện Sở TN-MT cũng đã thuê đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát, lập kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh, dự kiến sẽ hoàn thành và triển khai trong năm 2021. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình/đề án phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn cho phù hợp điều kiện tự nhiên kinh tế – xã hội, hiện trạng, năng lực quản lý CTR của địa phương mình.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng phát thải CTR.
Phải tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản về môi trường để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Các tổ chức chính trị – xã hội, Mặt trận, đoàn thể các cấp cho đến tổ dân phố, cộng đồng dân cư cũng cần đồng hành, tăng cường sự giám sát đối với việc tổ chức thực hiện và giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTR. Trường hợp để xảy ra ứ đọng rác thải trên địa bàn mình quản lý do thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và nhân dân trên địa bàn”.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.