Friday, November 29, 2024

Bồi hồi, xúc động với ca khúc “Bên tượng đài Bác Hồ”

“Bên tượng đài Bác Hồ” là một trong những bài hát viết về Bác Hồ được nhiều người yêu thích. Sự thành công này có lẽ khởi nguồn từ tình cảm của nhạc sĩ từ những lần ông được gặp Bác.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tên khai sinh là Lê Văn Gắt, ông sinh ngày 13/3/1936 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ông nguyên là Ủy viên Ban thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa III, Phó Tổng thư ký Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh (1981), nguyên Phân viện trưởng Phân viện Âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tốt nghiệp khoa sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) năm 1962 Chuyên ngành sáng tác và sưu tầm nghiên cứu, sau đó về nhận công tác ở Đoàn Ca múa nhạc miền Nam.

Năm 1967, ông công tác tại phòng chỉ đạo Văn công thuộc Vụ Âm nhạc và múa, theo dõi chỉ đạo hoạt động của Đoàn ca múa nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên.

Năm 1970, Lư Nhất Vũ trở về chiến trường miền Nam Việt Nam, công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng, hoạt động ở chiến trường miền Tây Nam bộ.

Sau năm 1975, ông công tác ở cơ quan Văn nghệ Giải phóng, sau đó là Viện Nghiên cứu Âm nhạc (sau này là Viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP.HCM) cho đến khi nghỉ hưu.

 

Bài hát “Bên tượng đài Bác Hồ” được ông sáng tác năm 1978, lời bài hát do nhà thơ Lê Giang (vợ ông) viết. Đây là một trong những bài hát viết về Bác Hồ được nhiều người yêu thích. Sự thành công này có lẽ khởi nguồn từ tình cảm của nhạc sĩ từ những lần ông được gặp Bác.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ từng kể: So với nhiều nhạc sĩ đồng trang lứa, ông có may mắn được nhiều lần gặp Bác và lần nào cũng để lại những kỷ niệm mà suốt đời ông không thể nào quên. Lần đầu tiên là vào tháng 8/1956. Khi ấy, ông và một số học sinh con em miền Nam tập trung theo học tại trường Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội đang đánh bóng chuyền thì bất ngờ ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác vào thông báo tập trung vào gặp một đồng chí lãnh đạo của Trung ương. Vì đang là giờ nghỉ, tụ tập chơi thể thao nên rất ít người mặc quần áo đàng hoàng. Tuy nhiên, khi được gặp Bác, ai cũng mừng, quên hết cả khoảng cách.

Một lần khác, khi ấy ông và nhạc sĩ Triều Dâng đã về Đoàn Ca múa nhạc miền Nam. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ còn phụ trách công tác hậu đài. Khi nhận tin chuẩn bị sân khấu cho một buổi biểu diễn phục vụ công tác đối ngoại, mọi người cẩn thận đến sắp xếp từ 8h sáng. Đến trưa, Bác bất ngờ xuất hiện, bảo mọi người cùng ăn bánh mì với Bác. Cũng rất tự nhiên và vui vẻ, Người bước lên, thử sân khấu bằng mấy điệu nhảy rất đẹp khiến ai cũng ngạc nhiên…

Năm 1997, bài hát “Bên tượng đài Bác Hồ” đã được chọn cho mục đố vui âm nhạc của chương trình ca nhạc theo yêu cầu thính giả.

“Tháng 5 năm 1997, kỷ niệm 107 năm ngày sinh nhật Bác Hồ muôn vàn kính yêu, nhân dân cả nước hướng về Người với tấm lòng thành kính thiêng liêng. Nhiều bản nhạc, bài thơ đã ra đời, được hát lên, trong đó có tác phẩm “Bên tượng đài Bác Hồ” (Lư nhất Vũ – Lê Giang)”. Bạn Hoàng Phú Nghĩa ở xóm 7 – Thiên Hương – Thủy Nguyên – Hải Phòng đã mở đầu thư tham dự đố vui tháng 5 của mình như thế. Bạn Nghĩa viết tiếp: “Từng dòng nhạc mượt mà trầm ấm tuôn chảy theo mạch cảm xúc của bài thơ. Nhạc sĩ và nhà thơ đã gửi gắm vào đó tình cảm của những người con Nam Bộ đối với Bác”.

Từ đội quản lý điện lực cao thế Hà Giang, bạn Nguyễn Thị Nguyệt Anh đã gửi về ca nhạc theo yêu cầu thính giả những tình cảm của mình với bài hát “Bên tượng đài Bác Hồ”, bạn viết: “Bác Hồ – vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh Bác là tất cả những gì đẹp nhất, thiêng liêng, cao quý nhất. Có biết bao nhà văn, nhà thơ viết về Bác. Đối với các nhạc sĩ hình ảnh Bác đã được ghi lại với những cảm xúc và tình cảm sâu lắng, trân trọng nhất. Cho dù Bác đã đi xa nhưng Bác vẫn sống trong lòng cả dân tộc. “Bên tượng đài Bác Hồ” là tấm lòng thành kính nhất của hai tác giả Lư Nhất Vũ – Lê Giang và đồng bào Miền Nam nói riêng, cũng như đồng bào cả nước nói chung tưởng nhớ tới Bác. Bên cạnh những bài hát như “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Vào lăng viếng Bác”… thì bài hát “Bên tượng đài Bác Hồ” là một bài hát rất hay đã để lại trong lòng người nghe cảm xúc sâu lắng – đó là tình cảm thành kính nhất, trân trọng nhất đối với Bác Hồ”.

Bạn Nguyễn Thị Chính ở số 165 tổ 12, phường Trần Phú, thị xã Hà Giang viết: “Mỗi lần nghe bài hát tôi lại thấy bồi hồi xúc động, lại trào dâng nỗi nhớ về Bác. Không gì có thể nói hết về Bác. Thời gian và năm tháng trôi đi nhưng những cảm xúc sâu lắng, những tình cảm thành kính nhất, trân trọng nhất đối với Bác trong những ca khúc như “Bên tượng đài Bác Hồ” sẽ còn lại mãi”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img