PNO – Vùng da ở chân mày rất mỏng, dễ bị ngứa, bong tróc, kích ứng vào mùa hanh khô do nhiều nguyên nhân.
Vùng da quanh chân mày mỏng hơn da ở các bộ phận khác trên cơ thể và có rất nhiều mạch máu. Điều này khiến da quanh mắt dễ bị kích ứng dẫn đến khô nứt nẻ hoặc bong tróc da.
Theo tiến sĩ, bác sĩ da liễu Norman Shedlo (Mỹ), các nguyên nhân phổ biến nhất gây khô vùng da quanh mắt là thời tiết khô và lạnh, tác dụng phụ từ sản phẩm chăm sóc da, chất gây dị ứng từ môi trường, viêm da tiếp xúc và giụi mắt quá nhiều.
Lão hóa: Khi bạn già đi, làn da trở nên dễ bị khô hơn, độ ẩm bị mất đi do nhiều lý do như nồng độ axit hyaluronic giảm, nguồn cung cấp chất dinh dưỡng giảm… Độ đàn hồi và độ dày của da thay đổi khiến da mất đi độ mịn màng.
Yếu tố môi trường: Môi trường sống cũng có thể gây khô vùng da quanh mắt. Khí hậu khô và thời tiết lạnh khiến da dễ bị khô hơn, làm giảm độ ẩm ở các lớp ngoài của da, dẫn đến khô da.
Viêm da tiếp xúc: Tình trạng này còn được gọi là bệnh chàm, phát triển khi da tiếp xúc với thứ gì đó gây ra phản ứng dị ứng. Các chất kích thích như sản phẩm dành cho tóc, đồ trang điểm, dụng cụ uốn mi, sữa rửa mặt, kem chống nắng, kem dưỡng ẩm, bụi, clo từ bể bơi.. có thể gây viêm da tiếp xúc trên vùng da quanh mắt của bạn.
Viêm da dị ứng: Những người mắc bệnh chàm cơ địa có làn da nhạy cảm do những bất thường ở lớp biểu bì và hệ miễn dịch. Điều này dẫn đến da khô và ngứa. Các yếu tố môi trường, di truyền và mẫn cảm với thực phẩm có thể gây ra bệnh chàm dị ứng.
Dấu hiệu khô vùng da quanh mắt gồm các triệu chứng như ngứa mí mắt, bong tróc da, rụng lông mi, lông mày, lông mi mọc sai hướng… Để hạn chế tình trạng da khô vùng mắt vào mùa hanh khô, bạn có thể bôi một lượng nhỏ vaseline lên mí mắt để giữ độ ẩm, giúp da mau lành và giữ nước. Nếu mi mắt bị đỏ và bị kích ứng, chườm lạnh cũng sẽ giúp giảm viêm, cho vài viên đá vào khăn rồi chườm lên mí mắt trong khoảng 10 phút, thực hiện 2-3 lần mỗi ngày.
Để kiểm soát tình trạng khô da quanh mắt, bạn hãy thay đổi thói quen trong lối sống như:
– Tránh dùng nước nóng để rửa mặt.
– Nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt không có mùi thơm và có đặc tính dịu nhẹ.
– Làm sạch vùng da quanh mắt chất tẩy rửa an toàn.
– Thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày.
– Tránh chạm vào mắt và mí mắt khi không cần thiết.
– Tuyệt đối không giụi mắt.
– Tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng mí mắt của bạn.
– Đeo kính bảo vệ để ngăn ánh nắng mặt trời, tia UV có hại tiếp xúc với mí mắt và vùng da mắt.
Thu Vân (theo SC)
Nguồn: phunuonline.com.vn