New York vừa ban hành một luật mới khiến các dịch vụ chia sẻ lưu trú, tiêu biểu là Airbnb gần như bị bịt hết đường hoạt động.
Điều Luật số 18 của thành phố New York, còn gọi là Luât Đăng ký thuê nhà ngắn hạn, có hiệu lực từ ngày 5 tháng 9, đã thay đổi cách thức hoạt động của dịch vụ thuê nhà ngắn hạn trong thành phố này. Quy định mới yêu cầu các chủ nhà cho thuê ngắn hạn phải đăng ký với văn phòng Thực thi đặc biệt (OSE) để xin giấy phép, và chủ nhà phải có mặt trong thời gian lưu trú của khách. Mỗi một chủ nhà chỉ được cho tối đa 2 khách trọ, thời gian lưu trú giới hạn 30 ngày.
Tuy không cấm rõ ràng một công ty hay nền tảng nào, nhưng với quy định này, rõ ràng những dịch vụ như kiểu Airbnb gần như bị hết đường hoạt động.
Chính quyền địa phương đã thông qua điều luật này nhằm nỗ lực điều tiết thị trường thuê nhà ngắn hạn, vốn có nhiều chủ nhà không đáp ứng được các yêu cầu an toàn. Người dân địa phương và quan chức thành phố đã lên án các nền tảng chia sẻ căn hộ như Airbnb và Vrbo về vấn đề tiếng ồn, rác thải, và nguy hiểm cho hàng xóm lân cận, đồng thời góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt nhà ở tại New York.
Các quy định cũ cũng đã cố gắng ngăn cản người thuê ở dưới 30 ngày mà không có mặt chủ nhà, nhưng không yêu cầu chủ nhà phải đăng ký, nên điều luật cũ khó thực thi. Do đó, sau khi thảo luận với phía toà án, Điều luật mới đã được thông qua, theo đó áp đặt chủ nhà phải đăng ký với quan chức thành phố và xử phạt người vi phạm.
Kết quả là số lượng nhà ở trên Airbnb dự kiến sẽ giảm mạnh so với con số 1.500 hồi tháng 8. Ông Yedinsky, Giám đốc chính sách toàn cầu của Airbnb cho rằng: “Thành phố đã gửi một thông điệp rõ ràng tới hàng triệu du khách tiềm năng rằng sẽ có ít lựa chọn chỗ ở hơn khi họ đến thăm New York: bạn không được chào đón.”
Một số người cũng bày tỏ lo ngại về tác động của chính sách này đối với ngành du lịch và những doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc nhiều vào du khách.
Tuy nhiên, New York chỉ là một người tiên phong trong xu hướng “diệt” dịch vụ chia sẻ lưu trú kiểu Airbnb. Nhiều thành phố khác cũng đang thử nghiệm các phương pháp khác nhau để “xiết” việc chia sẻ/cho thuê ngắn hạn. Thành phố Dallas đã hạn chế cho thuê ngắn hạn ở một số khu vực nhất định để tránh sự bất ổn do số lượng du khách tăng lên.
Ở Canada, tỉnh Quebec và Memphis yêu cầu chủ nhà phải có giấy phép tương tự. Các thành phố như San Francisco, Paris và Amsterdam giới hạn số đêm được cho thuê mỗi năm lần lượt là 90, 120 và 30 ngày. Berlin đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với Airbnb vào năm 2016, nhưng hội đồng thành phố đã quyết định bãi bỏ luật này hai năm sau đó, đồng thời duy trì một số điều kiện nghiêm ngặt đối với dịch vụ cho chia sẻ lưu trú.
Ở châu Âu, các thành phố nổi tiếng khác sau một thời gian bị xáo trộn vì sự bùng nổ của dịch vụ kiểu Airbnb, đi kèm với đó là sự bùng nổ của khách du lịch đại chúng, thì đã bắt đầu áp đặt các quy định nhằm hạn chế tình trạng quá tải khách du lịch và những tác động tiêu cực của nó đối với người dân địa phương.
Venice có kế hoạch triển khai hệ thống khung thời gian và phí vào cửa để quản lý số lượng du khách vào thành phố, Amsterdam công bố kế hoạch cấm tàu du lịch vào thành phố, trong khi Pháp phát động chiến dịch toàn quốc nhằm quảng bá các điểm tham quan khác và giảm bớt áp lực quá tải khách ở những địa điểm truyền thống như Paris hay Mont-Saint-Michel. Mùa hè năm ngoái, Tây Ban Nha đã thúc đẩy giao thông sạch hơn bằng cách cung cấp vé miễn phí theo mùa cho các chuyến tàu ngoại ô và khu vực, nhằm nỗ lực giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và chi phí sinh hoạt.
Như vậy là, sau khi một mô hình tiêu biểu của kinh tế chia sẻ là gọi xe bị xiết ở nhiều nơi trên thế giới thì đến lượt một mô hình tiêu biểu nữa, dịch vụ chia sẻ phòng, bắt đầu cũng bị xiết.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn