Liên quan đến học phí, Bộ GD-ĐT tiếp tục đưa ra đề xuất ban đầu, là đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện Nghị định 81 với khối đại học (ĐH) nhưng lùi lộ trình thực hiện một năm.
MỨC TRẦN HP NĂM HỌC 2023 – 2024 BẰNG NĂM HỌC 2022 – 2023
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đề xuất sửa đổi điểm a khoản 2 điều 11 NĐ 81. Theo đó, mức trần HP đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2023 – 2024 bằng mức trần HP năm học 2022 – 2023 tại NĐ 81. Theo quy định này khung HP sẽ lùi một năm so với NĐ 81. Nhịp lùi này sẽ kéo dài đến năm học 2026 – 2027.
Như thế, khối ngành có mức HP thấp nhất là khối ngành II (nghệ thuật), với 1,2 triệu đồng/tháng; mức thu năm ngoái của khối ngành này (là mức thu của năm học 2020 – 2021) là 1,17 triệu đồng/tháng. Các khối ngành I (khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên), khối ngành III (kinh doanh và quản lý, pháp luật) có mức thu là 1,25 triệu đồng/tháng; mức thu năm ngoái là 980.000 đồng/tháng và 1,17 triệu đồng/tháng. Khối ngành VI.1 (sức khỏe) là 1,85 triệu đồng/tháng, khối ngành VI.2 (y dược) là 2,45 triệu đồng/tháng; mức thu năm ngoái của các khối ngành này là 1,43 triệu đồng/tháng.
Tờ trình không đề xuất sửa đổi các điểm b, c, d của khoản 2 điều 11. Như vậy, các trường ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ được phép thu HP mức tối đa bằng 2 lần mức trần HP tại điểm a khoản 2 điều 11 (tương ứng với từng khối ngành và từng năm học); các trường ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì được phép thu cao gấp 2,5 lần so với các trường chưa tự chủ. Với chương trình đào tạo của trường ĐH công lập (chưa tự chủ) đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo thì nhà trường được tự xác định mức thu HP của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật do trường mình ban hành.
SINH VIÊN DIỆN MIỄN HOẶC GIẢM HP SẼ KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG
Đánh giá tác động của đề xuất trên, Bộ GD-ĐT cho rằng sinh viên (SV) khuyết tật, SV thuộc hộ nghèo, SV người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn sẽ không bị ảnh hưởng vì chính NĐ 81 quy định những SV này thuộc diện được miễn HP.
Ngoài ra, còn có nhiều diện SV cũng được miễn HP (theo NĐ 81) như SV học chuyên ngành Mác – Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; SV thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn HP theo quy định của Chính phủ; SV học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh (theo quy định của luật Giáo dục nghề nghiệp, luật Giáo dục ĐH).
Ngoài ra, NĐ 81 cũng quy định giảm 70% HP cho SV học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù: các ngành nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc… và một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. SV là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn bản đặc biệt khó khăn, xã KV3 vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo, cũng thuộc diện được giảm HP 70%.
ĐƯỜNG ĐI TRÚC TRẮC CỦA NGHỊ ĐỊNH 81
NĐ 81 được Chính phủ ban hành để áp dụng từ năm học 2021 – 2022 (từ tháng 9.2021). Tuy nhiên do dịch Covid-19, việc thực hiện NĐ 81 trong năm học 2021 – 2022 là không khả thi.
Ngày 20.12.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP chỉ đạo tiếp tục giữ mức HP của cơ sở giáo dục công lập năm học 2022 – 2023 ổn định so với năm học 2021 – 2022. Như vậy, lộ trình HP theo quy định tại NĐ 81 đến nay chưa được áp dụng. Theo Bộ GD-ĐT, nếu Chính phủ không có quy định khác thì mức HP năm học 2023 – 2024 sẽ áp dụng theo quy định tại NĐ 81. Nếu vậy, mức điều chỉnh khá cao so với mức HP năm học 2022 – 2023 (vì thực tế mức HP đã giữ ổn định, không tăng từ năm học 2021 – 2022 đến nay).
Vì thế, vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 81 đã được Bộ GD-ĐT đề xuất với Chính phủ từ sớm, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hồi tháng 4. Kết luận kỳ họp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 74/NQ-CP (ngày 7.5), trong đó yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB-XH và cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo NĐ 81 theo trình tự, thủ tục rút gọn để các địa phương và cơ sở GD-ĐT kịp thời có căn cứ quyết định mức thu HP năm học 2023 – 2024.
Ngày 10.5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp, nghe Bộ GD-ĐT báo cáo về vấn đề HP và sách giáo khoa năm học 2023 – 2024. Về vấn đề HP, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc tăng HP với cơ sở giáo dục công lập từ năm học tới, đồng thời cam kết không giảm ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục.
Thực hiện Nghị quyết 74, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ 81 theo hướng lùi lộ trình HP một năm so với lộ trình quy định tại NĐ 81 (mức HP năm học 2023 – 2024 bằng mức trần HP năm học 2022 – 2023 đã quy định tại NĐ 81). Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện và trình Chính phủ hai tờ trình (một tờ trình ngày 4.7, một tờ trình ngày 13.7).
Tuy nhiên, ngày 31.7 Văn phòng Chính phủ lại có Thông báo số 300/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 17.7 về dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ 81. Trong thông báo, Văn phòng Chính phủ cho biết kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà là chưa áp dụng lộ trình HP quy định tại NĐ 81, không tăng HP năm học 2023 – 2024.
Ngày 17.8, tại cuộc họp về tự chủ giáo dục ĐH, trong đó có nội dung liên quan điều chỉnh lộ trình HP của các cơ sở giáo dục công lập, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo không tăng HP năm học 2023 – 2024 đối với trường công lập khối mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; lùi lộ trình HP một năm so với lộ trình HP quy định tại NĐ 81 với trường ĐH công lập.
Vì thế, Bộ GD-ĐT đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ 81, kèm theo Tờ trình số 1418/TTr-BGDĐT gửi Chính phủ như đã nói ở trên.
Chính sách vay tín dụng SV
Bộ GD-ĐT cũng cho rằng chính sách tín dụng SV hiện nay và một số chính sách khác cũng sẽ góp phần giảm bớt khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục ĐH với SV trong trường hợp các trường ĐH tăng HP. Hiện nay, SV nghèo đã được vay mức tối đa 4 triệu đồng/SV/tháng. Mức trợ cấp xã hội đối với SV vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hiện nay là 140.000 đồng/tháng và cấp 12 tháng trong năm.
Nguồn: thanhnien.vn