Wednesday, January 15, 2025

Điều chỉnh tăng học phí, trường ĐH căn cứ vào đâu?

Trước mỗi kỳ tuyển sinh, các trường ĐH công bố lộ trình học phí dự kiến áp dụng trong suốt khóa học. Trên cơ sở này, người học có thể lựa chọn ngành và trường học phù hợp với điều kiện tài chính gia đình.

Tùy từng trường, lộ trình học phí (HP) qua từng năm học đang ở nhiều mức khác nhau. Vậy đâu là cơ sở để các trường tính toán lộ trình này?

MỖI TRƯỜNG MỖI CÁCH TÍNH TĂNG

Trường ĐH Y dược TP.HCM công bố áp dụng HP 41,8 – 77 triệu đồng/năm học cho sinh viên (SV) khóa trúng tuyển 2023. Lộ trình tăng HP dự kiến từng năm học với SV khóa này tối đa 10%. Các năm học trước đó trường cũng công bố tỷ lệ dự kiến ở mức này. Ở khóa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch áp dụng mức thu 31,6 – 55,2 triệu đồng/năm chưa gồm 2 học phần bắt buộc là giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng – an ninh. Với lộ trình những năm tiếp theo, trường thông báo đơn giá tín chỉ được điều chỉnh trượt giá nhưng theo quy định.

Điều chỉnh tăng học phí, trường ĐH căn cứ vào đâu?

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học và đóng học phí năm học 2023 – 2024

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trường ĐH Luật TP.HCM công bố lộ trình HP cụ thể từng năm cho khóa tuyển sinh 2023, trong đó mỗi năm học đều tăng. Cụ thể, các ngành có mức thu thấp nhất 31,25 triệu đồng/năm thì các năm tiếp theo tăng thêm từ 4 – 5,5 triệu đồng/năm. Ngành có mức thu trên 37 triệu đồng/năm, lộ trình tăng từ gần 5 đến gần 6 triệu đồng các năm tiếp theo. Các ngành và chương trình có HP 62,5 – 165 triệu đồng/năm, mức tăng nhiều nhất lên tới 10 – 20 triệu đồng/năm. Như vậy, tỷ lệ tăng mỗi năm dao động trong khoảng trên dưới 10% tùy ngành và chương trình.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM hiện thu từ 13 – 26,4 triệu đồng/năm với SV chương trình đại trà khóa 2022 và 2023. Riêng chương trình chất lượng cao, HP các ngành ở mức 60 triệu đồng/năm. Theo quy định của trường này, HP chương trình chất lượng cao giữ ổn định trong toàn khóa học, chương trình đại trà điều chỉnh tăng theo quy định của Chính phủ.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng công bố lộ trình tăng HP từng năm với khóa trúng tuyển năm nay. SV chương trình tiêu chuẩn HP trung bình dự kiến 3 năm học giữ cùng mức 30 triệu đồng/năm và tăng thêm 1,5 triệu đồng vào năm cuối cùng. Các chương trình còn lại không tăng HP 3 năm đầu và tăng ở năm cuối từ 80 lên 84 triệu đồng (tiên tiến, dạy bằng tiếng Anh) và 60 lên 63 triệu đồng (chương trình định hướng Nhật Bản).

Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM thu HP mỗi năm học gồm 4 học kỳ, mức thu bình quân 18 – 20 triệu đồng/học kỳ. Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc truyền thông trường này, cho biết: “Tùy theo từng năm học cụ thể, HP có thể giữ ổn định hoặc tăng nhưng điều chỉnh trong phạm vi tối đa 6%”.

Điều chỉnh tăng học phí, trường ĐH căn cứ vào đâu?

Phụ huynh và thí sinh trúng tuyển chờ làm thủ tục nhập học

ĐÀO NGỌC THẠCH

TRƯỜNG CAM KẾT MỘT MỨC THU TOÀN KHÓA HỌC

Ngược lại, có những trường áp dụng một mức HP ổn định suốt toàn khóa học.

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, chương trình đào tạo của trường hiện nay kéo dài 3 năm rưỡi. Học phí trường xây dựng không thay đổi cho từng khóa học, cụ thể: 28 triệu đồng/năm (khóa 2021), 29 triệu đồng/năm (khóa 2022) và 30 triệu đồng/năm (khóa 2023). “Trường công bố mức HP và cam kết giữ nguyên trong suốt khóa học. Điều này cần thiết để người học có sự tính toán, chủ động về tài chính khi theo học tại trường”, ông Sơn chia sẻ.

Theo đề án tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Văn Hiến thu từ 700.000 đồng – 1 triệu đồng/tín chỉ. Ông Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, cho biết HP các ngành dao động từ 99 – 149 triệu đồng cho toàn khóa học. Trường cam kết không tăng HP trong suốt quá trình đào tạo áp dụng cho SV chỉ học 1 lần, không rớt môn hoặc học lại.

Tương tự, Trường ĐH Thái Bình Dương cũng nêu rõ chủ trương không tăng HP toàn khóa học trong đề án tuyển sinh 2023.

TRƯỜNG DỰ KIẾN THU HP TĂNG 30% SO VỚI NĂM TRƯỚC, VÌ SAO ?

Trong khi đó, mới đây Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dự kiến tăng mạnh HP năm học 2023 – 2024 với SV trúng tuyển khóa 2022 trở về trước, với mức tăng trên 30% so với HP thực tế đã thu của năm học 2022 – 2023.

Giải thích về việc này, đại diện trường cho biết đối với các khóa từ 2022 trở về trước, trường dự định thu từ 23,5 – 28,5 triệu đồng/năm. Mức này thấp hơn khóa 2023 trường đã thu dao động từ 26 – 32,5 triệu đồng. Như vậy, mức thu dự kiến năm học 2023 – 2024 của khóa 2022 trở về trước được tính tăng hơn 30% là so với mức thu của năm học 2020 – 2021 do 3 năm liên tiếp trường không tăng HP. Còn nếu so sánh với mức HP năm học 2022 – 2023 đã được Hội đồng trường phê duyệt (nhưng không thu) thì mức tăng bình quân chưa đến 15%. Với SV chương trình chất lượng cao, HP không thay đổi trong suốt khóa học.

Học phí có tác động tới CPI, nhưng tối đa 1,4 điểm phần trăm

Theo Bộ GD-ĐT, thực hiện yêu cầu của Chính phủ, mức HP năm học 2022 – 2023 của các trường ĐH công lập đã được giữ ổn định như năm học 2021 – 2022. Thời gian tính mức HP năm học 2022 – 2023 được kéo dài từ tháng 9.2022 đến hết tháng 8 năm nay. Vì thế, HP ĐH công lập không tác động đến chỉ số CPI trong suốt 8 tháng năm 2023.

HP năm học 2023 – 2024 được tính từ tháng 9. Theo ý kiến của Tổng cục Thống kê, nếu các địa phương đều áp dụng mức sàn HP năm 2023 – 2024 bằng mức sàn HP năm học 2022 – 2023 (mức mà Bộ GD-ĐT đề xuất trong tờ trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 81) thì sẽ tác động làm CPI bình quân cả nước năm 2023 tăng khoảng 1,4 điểm phần trăm. Bộ

GD-ĐT nhận định, trên thực tế mức độ ảnh hưởng đến CPI sẽ thấp hơn do mức HP giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tiếp tục giữ ổn định như năm học 2021 – 2022, 2022 – 2023.

Trong khi đó, nếu cho phép thực hiện Nghị định 81 với lộ trình lùi một năm thì các trường ĐH công lập được hỗ trợ, có nguồn thu bù đắp chi phí, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Việc này cũng đồng thời khuyến khích các trường ĐH công lập đẩy nhanh lộ trình tự chủ chi thường xuyên, gia tăng điều kiện để hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đầu tư cho con người phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục của khu vực và thế giới.

Quý Hiên

Trao đổi thêm với phóng viên vào chiều 18.9, tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết liên quan đến việc này, trường đã tổ chức đối thoại lắng nghe ý kiến SV và đang chờ văn bản chính thức quy định về HP năm học này để ra thông báo, trên tinh thần có những điều chỉnh tốt hơn cho người học.

Điều chỉnh tăng học phí, trường ĐH căn cứ vào đâu?

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực tập

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cơ sở xác định HP của các trường ĐH được áp dụng theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong nghị định này, ngoài việc quy định mức trần HP tối đa các trường được phép thu với cơ sở công lập, còn có quy định nguyên tắc xác định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Theo đó, giá dịch vụ này được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục đào tạo nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm.

Lãnh đạo phụ trách tài chính một trường ĐH tại TP.HCM cho biết: “Mức trần của năm học này tăng không quá 15% so với năm học trước đó. Các trường có thể xây dựng HP chung cho tất cả các khóa theo mức trần này nếu không có cam kết khác với người học ngay từ đầu khóa học. Việc có trường tăng HP năm học sau so với năm học trước vượt quá mức 15% là do trường áp dụng khung HP năm nay cho tất cả các khóa so với HP không tăng từ 3 năm trước. Nếu đã cam kết lộ trình HP lúc tuyển sinh, trường nên theo cam kết đó”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img