Theo ông Hồi, thanh toán điện tử trong trợ giúp xã hội là xu thế nhiều quốc gia đang áp dụng. Tại Việt Nam, trước khi có dịch Covid-19, việc chi trả các chính sách an sinh xã hội bằng tiền mặt vẫn phổ biến nhất. Ông Hồi chia sẻ: “Phần lớn người dân muốn nhận tiền mặt để được cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 làm hạn chế đi lại, nảy sinh những bất cập nếu trả tiền mặt; đồng thời, cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ để chi trả hỗ trợ”.
Ngoài TP.HCM triển khai phần mềm quản lý chi trả tiền hỗ trợ, theo Bộ LĐ-TB-XH, một số địa phương, đơn vị đã hỗ trợ người dân bằng hình thức online như Thừa Thiên-Huế, Sơn La, ngành bưu điện… Người dân có thể đăng ký, nộp hồ sơ online mà không cần phải mất nhiều thời gian đi lại. Còn cơ quan quản lý có thể theo dõi, xử lý hồ sơ, thông báo kết quả qua phần mềm trực tuyến. Người dân tiếp cận với chính sách nhanh hơn, thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa, việc chi trả online sẽ công bằng hơn, minh bạch hơn.
Theo ông Hồi, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong trợ giúp xã hội đã và đang được Bộ LĐ-TB-XH thí điểm tại một số địa phương. Nghị định 20 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội cũng khuyến khích việc đăng ký, xét duyệt điện tử và kết nối dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết, chi trả chính sách, quản lý đối tượng; xây dựng cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ; hướng dẫn quản lý đối tượng bảo trợ xã hội bằng hồ sơ, phần mềm hoặc cơ sở dữ liệu điện tử…
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB-XH đã có thông tư hướng dẫn các địa phương chi trả hỗ trợ thông qua tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán điện tử. Ông Hồi nhấn mạnh: “Các gói hỗ trợ Covid-19 sẽ còn triển khai trong thời gian tới, do vậy, các địa phương cần chi trả bằng phương thức điện tử. Bộ LĐ-TB-XH đang nghiên cứu phần mềm ứng dụng trong chi trả chính sách an sinh xã hội, gói hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, các tình huống cứu trợ khẩn cấp…”.
Theo ông Hồi, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thúc đẩy thanh toán điện tử. Trong dịch Covid-19, đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội ngày càng được mở rộng, đòi hỏi có công cụ hiện đại hơn để quản lý chính sách và đối tượng thụ hưởng.