Thursday, October 31, 2024

Ổn định kinh tế nhờ giữ nghề làm đầu lân

Nhờ giữ gìn và phát huy được nghề làm đầu lân truyền thống, nhiều hộ gia đình tại Thừa Thiên Huế có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế.

Nức danh nghề làm đầu lân xứ Huế

Thừa Thiên Huế được biết là địa phương có tiếng khắp cả nước về nghề làm đầu lân. Đây là nghề được nhiều gia đình ở Huế gìn giữ, duy trì hàng chục năm qua. Sản phẩm đầu lân của Huế được nhiều nơi ưa chuộng không chỉ bởi đa dạng về mẫu mã mà còn bởi chất lượng cao, đạt độ tinh xảo đến từng chi tiết.

Được biết, để làm ra được những đầu lân như vậy, đòi hỏi những người thợ ở Huế phải có đôi tay khéo léo và tính thẩm mỹ cao. Các công đoạn, từ khâu tạo khuôn hình, dán giấy, vẽ hoa văn đều yêu cầu sự chịu khó, kiên nhẫn của người thợ. Bên cạnh đó là sự phối hợp màu sắc, trang trí từ đầu đến đuôi lân để làm nổi bật sự thần thái, dũng mãnh, uy vũ của lân Huế…

Ổn định kinh tế nhờ giữ nghề làm đầu lân

Thừa Thiên Huế được biết là địa phương có tiếng khắp cả nước về nghề làm đầu lân.

Ngày nay, tuy có những biến đổi về mẫu mã để hợp với xu thế thị trường, nhưng lân Huế vẫn giữ được nét đặc trưng ở đôi mắt toát lên vẻ dữ tợn và bộ râu thể hiện sự uy quyền. Nét đẹp riêng có này chỉ có ở lân Huế, không lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Ngoài sản phẩm chính là đầu lân, các cơ sở cũng cung cấp thêm các mặt hàng đạo cụ đi kèm như trống, chum chọe, thanh la, bộ đồ ông địa, chú tễu,… qua đó giúp người làm nghề tăng thêm thu nhập.

Mặc dù là nghề có thương hiệu, nhưng cũng có khoảng thời gian, nghề làm đầu lân truyền thống ở Huế đứng trước nguy cơ mai một. Một phần do công việc này mang tính thời vụ, phần nữa là do nhu cầu xã hội chưa nhiều. Như giai đoạn dịch COVID-19, nhiều cơ sở phải tạm ngưng đóng cửa vì các hoạt động ít diễn ra, hàng không thể bán được. Tuy vậy, một vài năm trở lại đây, khi nhiều lễ hội được tổ chức hơn, nghề làm đầu lân dần tìm lại được chỗ đứng. Nhiều người làm đầu lân ở Huế phấn khởi vì “sống được” và “sống tốt” nhờ giữ được nghề.

Ổn định kinh tế nhờ giữ nghề

Có mặt tại cơ sở Bảo Anh Đường (5/9, Trần Hưng Đạo, TP Huế), một trong những nơi làm đầu lân lớn nhất xứ Huế những ngày này, lượng người ra vào tìm mua nhộn nhịp. Các nhân viên tại cơ sở cũng luôn tay vừa làm, vừa phục vụ khách đến tìm mua. Ông Trương Như Rem (chủ cơ sở Bảo Anh Đường) cho biết, xuất phát từ niềm đam mê mà đến nay đã gắn bó với nghề làm đầu lân hơn 20 năm. Hiện tại, gia đình ông Rem đã phát triển được cơ sở với 2 địa điểm chuyên sản xuất và cung ứng nhu cầu đầu lân.

Ổn định kinh tế nhờ giữ nghề làm đầu lân

Các cơ sở làm đầu lân tại Huế đông khách dịp Tết Trung thu.

“Tôi làm rất nhiều nghề nhưng sau này lại gắn bó với nghề làm đầu lân vì đam mê nghệ thuật và cũng bởi nghề mang lại thu nhập. Hiện tại, cơ sở của tôi cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Rất mừng là hiện nay có nhiều lễ hội được tổ chức, các hoạt động múa lân cũng diễn ra nhiều hơn nên nghề có cơ hội để phát triển. Hiện nhiều người cũng mong muốn theo học theo nghề này”, ông Trương Như Rem chia sẻ.

Tìm hiểu được biết, công việc làm đầu lân ở Huế diễn ra quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào dịp Tết Trung thu. Để kịp nguồn hàng phục vụ nhu cầu của khách dịp này, các cơ sở phải bắt tay vào làm từ sau Tết Nguyên đán. Những ngày cận kề, nhiều cơ sở phải thuê thêm nhân công làm thời vụ. Thời điểm này, đa số các cơ sở đã ngưng sản xuất để tập trung phân phối hàng ra thị trường.

Mặt hàng đầu lân các cơ sở tại Huế đa dạng về mẫu mã, chất lượng. Ngoài hai màu đỏ và vàng được người dùng thường chọn, những năm gần đây, các cơ sở làm đầu lân cũng chủ động đa dạng thêm màu sắc khác nhau để đáp ứng nhu cầu của khách. Giá thành các sản phẩm dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng nên có thể đáp ứng được cho nhiều đối tượng khách hàng. Đối với những sản phẩm được khách đặt làm riêng, có yêu cầu cao thì giá thành có thể lên đến vài chục triệu đồng.

Ổn định kinh tế nhờ giữ nghề làm đầu lân

Mặt hàng đầu lân và đạo cụ đi kèm của các cơ sở tại Huế đa dạng mẫu mã, chất lượng cao nên được nhiều khách hàng tin dùng.

Theo ghi nhận, năm nay, do mưa nhiều vào những ngày sát Tết Trung thu nên lượng người mua có giảm đôi chút, việc buôn bán của các cơ sở phần nào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay phần lớn hàng đã được khách đặt trước đi các tỉnh thành và đưa đến một số nước khác nên các cơ sở làm đầu lân cũng bớt phần lo lắng. Như tại cơ sở Bảo Anh Đường, hiện cơ sở này đã cung ứng ra thị trường hơn 80% sản lượng làm ra với hàng trăm đầu lân. Thời gian đỉnh điểm, doanh thu của cơ sở hơn 100 triệu đồng/ngày. Trong những ngày tới, nếu thời tiết thuận lợi thì khả năng cơ sở sẽ bán hết hàng.

Hiện nay, biểu diễn lân sư rồng ở Huế không chỉ diễn ra vào dịp Tết Trung thu hay Tết Nguyên đán mà còn xuất hiện trong nhiều hoạt động văn hóa, xã hội của địa phương. Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành nhiều sự quan tâm với việc tổ chức các sự kiện như: Ngày hội Lân Huế, lễ hội Quảng diễn Lân Sư Rồng… Các câu lạc bộ Lân Sư Rồng trên địa bàn cũng được duy trì và phát triển mạnh mẽ.

Đây không chỉ là hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc phục vụ người dân và du khách mà còn nhằm góp phần duy trì, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật múa dân gian đường phố của Việt Nam. Qua đó, cũng giúp những người gắn bó với nghề làm đầu lân ở Huế có được việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img