Theo nhận định của các nhà quản lý chuyên môn, hợp đồng là mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nhà nông đang được hình thành ngày càng nhiều ở khu vực Tây Nguyên, tạo ra những giá trị sâu trong phát triển kinh tế. Nhất là khu vực lại có tiềm năng về nông nghiệp lớn, do đó cũng trở thành khu vực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực.

Trước đây khi người dân thường sử dụng các sản phẩm hoá học để bón, phun cho cây trồng. Sản phẩm đầu ra được doanh nghiệp bao tiêu thường bị bấp bênh, bị ép giá và không bền vững. Hiện nay, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành đẩy mạnh sản xuất bằng phương pháp hữu cơ đã tạo ra những giá trị khác biệt.

Sản phẩm hữu cơ được các doanh nghiệp săn đón

Nhiều doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau để được mua bán sản phẩm tiêu hữu cơ

Anh Nguyễn Văn Thiện thôn 1 xã Ia Ka huyện Chư Păh là một trong những người nông dân đi đầu ở địa phương áp dụng sản xuất cà phê, sầu riêng theo phương pháp hữu cơ. “Sản phẩm của gia đình tôi làm ra được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ. Có bao nhiêu mua bấy nhiêu, mà giá còn cao hơn 2 đến 3 ngàn đồng cho 1 kg cà phê. Bây giờ trong vùng đã có nhiều người nông dân làm hữu cơ, doanh nghiệp “tự dưng” lại có cả mấy chục héc ta làm cà phê sạch.”

Không chỉ anh Thiện, ông Huỳnh Mau ở xã Nam Yang huyện Đắk Đoa cũng áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho trang trại tổng hợp hơn 20 héc ta của mình. Biết được điều này, một doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra cho tiêu và sầu riêng cho từng năm. “Trang trại chúng tôi làm theo tiêu chuẩn của Union Control của Mỹ, do đó sản phẩm đầu ra được doanh nghiệp sẵn sàng săn đón với giá cao,” ông Huỳnh Mau chia sẻ.

Ngoài sự săn đón của các công ty xuất khẩu nông nghiệp ngoài khu vực, Tây Nguyên còn chứng kiến các doanh nghiệp tự làm sản phẩm hữu cơ như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cà phê Thu Hà, Tập đoàn An Thái.

Ông Thái Như Hiệp – đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho hay nhiều năm qua cũng đã tự mình liên kết với các hợp tác xã tạo ra vùng trồng sản phẩm hữu cơ cho chính mình. Ông Hiệp nói “chúng tôi hiểu rằng muốn làm ra sản phẩm tốt phải tạo vùng nguyên liệu được quy hoạch đạt chuẩn. Không chỉ đáp ứng về sản lượng xuất khẩu mà còn nâng cao chất lượng cà phê theo yêu cầu của các thị trường khắt khe nhất như Mỹ, EU và Nhật Bản”.

Sản phẩm hữu cơ được các doanh nghiệp săn đón

Cà phê sản xuất theo theo tiêu chuẩn hữu cơ được doanh nghiệp mua ngay từ đầu vụ với giá cao hơn thị trường

Nhận định về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, chị Nguyễn Hương – đại diện Công ty CP Nông nghiệp N&H ở tỉnh Đắk Lắk cũng cho hay “cạnh tranh rất khốc liệt, chúng tôi phải cho nhân viên đi từng vườn, từng nhà để ký hợp đồng, đảm bảo sản lượng sầu riêng cho hợp đồng xuất khẩu”.

Không chỉ riêng ngành hàng cà phê, mà hiện nay tiêu, sầu riêng, bơ, thanh long, mít khi được sản xuất theo hướng hữu cơ đều được các doanh nghiệp sẵn sàng chào đón, ký kết hợp đồng. Nông nghiệp hữu cơ đang tạo ra làn sóng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đưa sản phẩm đảm bảo an toàn lên một vị thế mới.