Lời giải “sai sách” của ông Cua

Năm 2019, gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”. Lập tức trên thị trường xuất hiện hàng loạt gạo ST25 giả. Để dẹp “nạn” gạo giả, doanh nghiệp Hồ Quang Trí của ông Cua liền in hình ông lên bao bì, đồng thời gắn mã QR để xác thực hàng thật.

Theo lời của đại diện doanh nghiệp Hồ Quang Trí, người mua chỉ cần dùng điện thoại thông minh có kết nối internet, quét mã QR trên bao bì này là ra mã số độc nhất cho từng sản phẩm “thật”.

Tưởng chừng hàng giả hết đất sống. Nhưng kết quả là chỉ sau vài ngày, thị trường lập tức xuất hiện ST25 giả có bao bì… y chang. Giả vẫn còn nguyên giả.

Thoạt nhìn thì giải pháp gắn mã QR để xác minh hàng thật/giả của ông Cua là rất đúng. Trong thời đại ngày nay, hầu như ai cũng có điện thoại thông minh nối internet và việc quét mã để biết hàng thật cũng rất đơn giản và nhanh chóng. Về lý thuyết, như thế thì hàng giả sẽ dễ dàng bị phát hiện và “ế hàng”.

Nhưng thực tế cho thấy, cách làm này của ông không hiệu quả, thậm chí lại còn phản tác dụng. Vì cách này có vẻ sai tâm lý, sai thói quen của khách hàng tiềm năng. Dân marketing gọi là, “sai insight” khách hàng.

Lời giải “sai sách” của ông Cua

Đầu tiên, có thể thấy là gạo ST25 giả chủ yếu sẽ được bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ ngoài đường, tiệm tạp hóa, các tiểu thương, một phần nữa bán online. Và chắc chắn là gạo giả không vào được các chuỗi lớn, có uy tín như siêu thị.

Những người mua gạo ở các cửa hàng ngoài đường, tiệm tạp hóa thường là “các bà, các mẹ”, tức là những người phụ nữ khá có tuổi. Những người này thì lại ít quen thuộc với mã QR, có mã họ cũng chẳng quét. Thành thử hàng thật không có cơ hội được “lên tiếng”, chứng thực.

Thêm vào đó, việc in hình ông Cua lên bao bì thực ra lại phản tác dụng. Bởi hàng giả cũng thừa sức in hình của ông lên bao bì của mình. Thêm vào đó, “các bà, các mẹ” nhìn thấy hình ông Cua lại càng tin tưởng đó là hàng thật. Như chính ông Cua thừa nhận: “Tuy trên mỗi túi gạo của doanh nghiệp tôi đều có mã QR code để quét kiểm tra gạo thật giả nhưng người tiêu dùng ít quan tâm, chỉ thấy trên bao bì có in hình tôi nên an tâm chọn”. Việc này vô hình trung lại càng tiếp tay cho hàng giả.

Còn những người quen thuộc và chịu khó quét mã QR thường là những người trẻ, thành thị. Những người này thì họ thường có thói quen mua sắm ở trong siêu thị. Ở trong đó, không cần phải quét mã QR họ cũng mua được hàng thật.

Như vậy, mã QR trong trường hợp này có vẻ không hiệu quả cho việc ngăn người tiêu dùng mua phải hàng giả. Tuy nhiên, mã QR đó vẫn có tác dụng chứng thực hàng thật trong một số trường hợp cần chứng thực, kiện cáo sau này. Bởi vậy, ngoài mã QR đã in trên bao bì, có lẽ ông Cua cần phải nghĩ thêm giải pháp nữa, nhắm trúng hơn vào tập khách hàng tiềm năng của mình để bảo vệ uy tín “gạo ngon nhất thế giới” của mình.