Bán dưới giá bình ổn
Sáng qua 26.9, phiên “chợ dã chiến” tại phường thứ 2 ở Q.5 được tổ chức trên tuyến đường Tản Đà, đoạn đường từ An Điềm đến Võ Văn Kiệt (P.10, Q.5, TP.HCM). Chợ có 10 quầy hàng gồm rau củ quả, gia vị tươi, thực phẩm khô, trứng gia cầm, trái cây, hàng bách hóa, hải sản, gà quay, thịt heo, bò, gà, dầu ăn, bột, sữa và nhiều thực phẩm khô khác. Theo kế hoạch, chợ sẽ được tổ chức trong 3 ngày liên tiếp tại tuyến đường này. Trước đó, trên tuyến đường Trần Bình Trọng (P.3, Q.5), P.3 cũng tổ chức phiên chợ dã chiến phục vụ hơn 1.000 cư dân sống tại phường.
“Theo kế hoạch, sau P.3 và P.10, Q.5 sẽ mở tiếp các điểm chợ dã chiến phục vụ nhu cầu người dân tại Trung tâm văn hóa Q.5, P.6, P.7 và P.8”.
Bà Đào Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng phòng Kinh tế Q.5
|
Khảo sát cho thấy hàng hóa bán tại “chợ dã chiến” rẻ hơn ngày thường và tất nhiên là rẻ hơn nhiều so với mặt bằng giá cả các loại thực phẩm tươi sống trên thị trường hiện nay. Cụ thể, các mặt hàng rau củ quả dao động từ 18.000 – 30.000 đồng/kg. Trong đó, cà tím, củ cải trắng, su su, mướp, sả, hành tây… 18.000 – 20.000 đồng/kg, đa số các loại rau chỉ từ 24.000 – 25.000 đồng/kg. Trong khi giá các mặt hàng này trên các chợ online đều trên 30.000 đồng/kg. Tương tự, theo giá bình ổn chỉ 28.000 đồng/chục trứng gà và 35.000 đồng/chục trứng vịt, rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng tạp hóa ngoài khu vực dân cư là 35.000 đồng/chục trứng gà và trứng vịt 40.000 – 42.000 đồng/chục
Đặc biệt, các mặt hàng thủy hải sản của Công ty TNHH Tuấn Nguyễn cũng có giá rẻ đáng ngạc nhiên. Cụ thể, tôm càng 130.000 đồng/kg, tôm thẻ 135.000 đồng/kg, nghêu 60.000 đồng/kg, ốc mỡ 150.000 đồng/kg… Tại khu dân cư, hiện tôm càng giá 200.000 đồng/kg, tôm thẻ 210.000 đồng/kg, ốc mỡ 380.000 đồng/kg (cùng loại nhỏ). Ngày 25.9, tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP.Thủ Đức), ốc mỡ bằng kích cỡ ốc bán tại chợ dã chiến giá cũng hơn 320.000 đồng/kg, bắp cải 11.000 đồng/kg, xà lách, bầu bí, cà chua và một số loại rau cũng có giá dưới 30.000 đồng/kg. Khá nhiều mặt hàng tươi sống trong siêu thị cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt so với 3 tuần trước.
Ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch UBND P.10, Q.5, thông tin, P.10 là một trong những phường có độ phủ mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 gần 100% cho những người trong độ tuổi chích ngừa nên được chọn để mở chợ dã chiến, phục vụ cho khoảng 1.000 hộ dân thuộc vùng xanh.
Chợ dã chiến tại phường được tổ chức trong 3 ngày (26 – 28.9) với 5 quầy bán thực phẩm tươi sống dưới giá bình ổn do Phòng kinh tế quận phụ trách và 5 quầy thuộc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong quận, với cam kết bán dưới giá bình ổn.
Ông Thọ nói: “Phường tổ chức phát phiếu đi chợ cho người dân. Trung bình mỗi ngày phục vụ bán cho 350 hộ thuộc vùng xanh, thời gian phục vụ từ 8 – 12 giờ. Nhiều người dân rất hồ hởi khi mua được thủy hải sản tươi, giá rẻ. Chúng tôi cũng giải thích đây là giá quận hỗ trợ mua tận gốc bán tận ngọn, không lợi nhuận. Hàng từ các doanh nghiệp cũng có cam kết với quận, tham gia bán hàng hỗ trợ giá bình ổn cho người dân trong thời gian giãn cách”.
Mở thêm chợ, giá tự khắc xuống
Trong khi đó, tại khu vực tập kết – trung chuyển chợ đầu mối Thủ Đức, lượng trái cây về chợ khá ổn định. Tối 25 rạng sáng 26.9, có khoảng 210 tấn được nhập vào nhưng lượng hàng xuất khỏi khu vực chợ chỉ khoảng 95 tấn. “Đa số thương nhân tập kết và trung chuyển ngay ngoài khu vực chợ nên hàng rau củ không đưa vào chợ để “né” các yêu cầu về phòng chống dịch”, đại diện chợ đầu mối Thủ Đức giải thích.
Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cũng cho hay so với thời điểm những ngày đầu mới mở điểm tập kết – trung chuyển hàng hóa, lượng hàng rau củ quả và thủy hải sản về chợ đã tăng gấp 5 lần, trên dưới 100 tấn mỗi đêm. “Mức 100 tấn mỗi đêm với 10 ô tập kết hàng mà mỗi ô rộng 720 m2 là “kịch trần” rồi. Muốn lượng hàng hóa về nhiều hơn, phải mở thêm các ô tập kết mới. Điều này tùy thuộc vào diện tích của khu vực mở điểm tập kết và nguyên tắc phòng chống dịch bảo đảm an toàn tuyệt đối”, vị đại diện này nói.
Đại diện các chợ đầu mối đều khẳng định muốn đưa giá hàng hóa, lương thực thực phẩm tươi sống “hạ nhiệt” phải có chợ truyền thống tham gia mới tiêu thụ nổi. Hoặc nếu các quận huyện đều đồng loạt mở chợ dã chiến ngay trong khuôn viên chợ truyền thống thoáng, chắc chắn hàng hóa sẽ trở lại giá cả như ngày thường.
Theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, cơ sở để cho mở lại chợ truyền thống là người bán và người mua phải có “thẻ xanh”, tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19. Nếu các quận huyện “lọc” được lực lượng tiểu thương kinh doanh tại chợ đủ 2 mũi, cho mở lại sớm, hình thức tổ chức có thể tham khảo theo mô hình chợ dã chiến của Q.5, chắc chắn nguồn hàng về TP sẽ nhiều hơn, giá cả trong thời gian tới sẽ bình ổn trở lại sớm hơn.