Bài hát “Một thoáng Tây Hồ” ra đời năm 1984, ca ngợi vẻ đẹp của thắng cảnh Hồ Tây nổi tiếng thủ đô. “Mênh mông hồ sương thu tan trong gió/Bát ngát trăng buông một khoảng trời/Một khoảng trời, khoảng tình lắng sâu bao trong đục vơi đầy…”
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Trong suốt hơn 50 năm hoạt động âm nhạc, Phó Đức Phương như con tằm rút ruột nhả tơ cho cuộc đời bằng những ca khúc đậm đà chất liệu âm nhạc dân tộc, góp phần định hình dòng ca khúc đại chúng Việt Nam trong một giai đoạn cụ thể. Bên cạnh sáng tác, ông còn là người đặt nền móng bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc.
Phó Đức Phương là một nhạc sĩ có khá nhiều sáng tác về hồ như: “Hồ trên núi”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể”, “Phiên chợ lòng hồ”, “Nao nao Thác Bà”… Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, một điểm rất riêng của nhạc sĩ họ Phó là “bài hát nào liên quan tới sông hồ, nước nôi đều rất thành công”, từ “Một thoáng Tây Hồ”, “Hồ trên núi”… Chưa kể, nhạc của ông cũng đặc biệt khi đều dựa trên nền tảng âm nhạc truyền thống, mang những làn điệu dân ca, chèo, tuồng, ca trù… không thể lẫn với sáng tác của bất cứ ai.
Bài hát “Một thoáng Tây Hồ” ra đời năm 1984, ca ngợi vẻ đẹp của thắng cảnh Hồ Tây nổi tiếng thủ đô. “Mênh mông hồ sương thu tan trong gió/Bát ngát trăng buông một khoảng trời/Một khoảng trời, khoảng tình lắng sâu bao trong đục vơi đầy…”.
Trong mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc”, bài hát “Một thoáng Tây Hồ” của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã được nhiều bạn chọn viết lời bình.
Trong trái tim của bạn Trịnh Hồng Ngọc ở Tân Lập, Bá Thước, Thanh Hóa, một cô gái nhỏ xóm núi có biệt danh “Cỏ may”, thì Hà Nội là trái tim của cả nước, trái tim của triệu triệu người dân Việt Nam. Hà Nội như một huyền thoại với không chỉ biết bao chiến công của quân dân Thủ đô mà còn là nơi có những danh lam thắng cảnh mà một trong những nơi đó đã được Hồng Ngọc biết tới là Hồ Tây khi nghe ca khúc “Một thoáng Tây Hồ” của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Với Hồng Ngọc, bài hát lột tả được sự huyền diệu của Hà Nội, của Hồ Tây qua sự hòa quyện tinh tế giữa âm nhạc với sự sâu lắng bên trong con người tác giả. Từ khi Hà Nội được biết đến đã có không ít tác phẩm viết về Hà Nội, mỗi tác phẩm đều có một cái nhìn riêng, nhưng “Một thoáng Tây Hồ” không phải là một cái nhìn bình thường mà đã đem tới cho người nghe một cái gì đó hết sức Hà Nội.
Bạn Dương Thị Hường, sinh viên luật khóa 45 Đại học Quốc gia Hà Nội thì lại cho rằng: Nhạc sĩ Phó Đức Phương có một phong cách rất riêng và chính cái riêng ấy đã cuốn hút công chúng yêu nhạc. Về bài hát “Một thoáng Tây Hồ”, bạn Dương Thị Hường viết: “Một thoáng Tây Hồ” – ngay khi nghe cái tên của bài hát, ta sẽ dễ có cảm nhận: Tại sao chỉ là một thoáng mà không phải là nhiều thoáng hay cảm xúc đêm Tây Hồ… Đó là bởi chỉ với một từ ấy thôi, tác giả cũng có thể truyền tải được hết những gì muốn nói của mình.
Dương Thị Hường viết tiếp: “Tôi không dám chắc rằng nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ngồi bên bờ Hồ Tây, hay lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ khi viết bài hát bởi vì đôi khi có những gì đó thoảng qua rất mau nhưng lại để lại trong ta những ấn tượng khó phai. Nhưng có một điều tôi dám khẳng định là góc nhìn, góc quan sát Hồ Tây của nhạc sĩ khá rộng và bao quát: Hồ Tây của nhạc sĩ được nhìn cả trong quá khứ và hiện tại, vì vậy Hồ Tây thật mênh mông.
Người ta vẫn nói ở Hà Nội không nhìn thấy trăng, không nhìn thấy sương, thực ra họ đã nhầm. Chúng ta không thấy bởi chúng ta quá bận rộn với nhịp sống hiện đại mà bỏ quên những thú vui dân dã, bỏ quên mất vầng trăng, màn sương. Phải chăng cũng vì nhịp sống bận rộn ấy mà một số người đã quên đi quá khứ? Có lẽ đó cũng là điều mà nhạc sĩ Phó Đức Phương đã khéo léo đề cập tới khi nhắc đến “Thăng Long xưa” đến “dòng thơ thuở nào” với âm hưởng của làn điệu ca trù”.
Kết thúc bài cảm nhận của mình, bạn Dương Thị Hường viết: “Nếu có dịp bạn hãy ngắm Hồ Tây vào đêm và hát “Một thoáng Tây Hồ”, tôi tin bạn sẽ quên được mọi bận rộn lo toan của cuộc sống và sẽ khám phá ra vẻ đẹp tuyệt diệu của Hồ Tây trong bản hòa tấu của sóng và gió”.
Một thính giả ở Trảng Bàng, Tây Ninh, là bạn Vương Minh cảm nhận về “Một thoáng Tây Hồ” đã cho rằng: Nếu như ngày xưa nhà thơ Nguyễn Khuyến tài tình tả cảnh thu trong thơ ca thì hôm nay nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng không kém tài tả cảnh thu trong âm nhạc dù: một thoáng, không xuyên suốt cảnh thu, vì chủ đề chính của ca khúc không phải mùa thu. “Nhớ giọng thơ thuở nào/Vẫn đây bóng dương hồn thu thảo…”.
Đến đây, bạn Vương Minh bật ra câu hỏi: Theo bạn thì giọng thơ thuở nào là giọng thơ thuở nào? Và bạn đã tự trả lời: Phải chăng đấy chính là giọng thơ của thuở “Cha ông mang gươm đi mở cõi/Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”.
Không ở đất trời Hà Nội để đêm rằm ngắm trăng trên mặt nước Hồ Tây, nhưng với Vương Minh, như bạn kể rằng: Bạn sẽ tới một dòng sông lặng chảy của đất phương Nam, rồi hình dung trước mặt mình là sóng Tây Hồ rồi thầm khẽ nhịp bằng giọng ngân rung chậm rãi bài hát để chỉ “một thoáng” thôi mà mênh mang vô tận.
Nguồn: vov.vn