Hiện nay trong tổng số các bãi rác đang hoạt động trên địa bàn TX.Kinh Môn (Hải Dương), tỷ lệ lấp đầy đã vào khoảng 80%, nguy cơ quá tải rác thải sinh hoạt đang hiện hữu.
Hàng chục bãi rác xử lý bằng chôn lấp tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường
Ngày 18.9, có mặt tại bãi rác khu Kinh Hạ (P.An Lưu, TX.Kinh Môn, Hải Dương) nằm ở bờ đê sông Kinh Thầy, PV Thanh Niên chứng kiến lượng rác thải chất cao như núi. Bãi rác này chứa đủ loại chất thải không chỉ rác thải sinh hoạt mà còn có rất nhiều túi ni lông đã qua sử dụng đang âm ỉ cháy, bốc khói nghi ngút.
Rác thải chưa qua xử lý được đóng bao tải vứt bỏ tại bãi rác nằm ngay cạnh lề đường. Các loại đồ sành, sứ, gốm, gạch vỡ cũng được người dân vứt bỏ ở bãi rác.
Bà Dương Thị Gái (trú tại khu dân cư Kinh Hạ, P.An Lưu) cho biết, đã hàng chục năm nay, gia đình bà phải chịu cảnh ô nhiễm do sinh sống gần bãi rác thải.
“Anh thấy đấy, nhà tôi cách bãi rác chỉ hơn 100 mét, gia đình tôi sinh sống ở đây đến nay đã 32 năm. Khoảng hơn 20 năm nay, rác thải của tất cả người dân P.An Lưu đều đổ về đây. Rác ở đây không được xử lý phân loại, người ta cứ chôn lấp, loại nào dễ cháy thì đốt. Ban ngày thì đỡ, nhưng buổi tối, mùi rất nặng bởi rác bị đốt nhiều. Có nhiều đêm, người ta còn chở hàng xe cao su phế liệu về đây đốt, người dân chúng tôi rất bức xúc”, bà Gái nói.
Vẫn theo bà Gái, gia đình bà và người dân trong khu dân cư Kinh Hạ đã nhiều lần có kiến nghị đến UBND P.An Lưu và UBND TX.Kinh Môn để có phương án giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của bãi rác nhưng chưa có phản hồi.
Cùng chung tâm trạng, bà Trần Thị Hải cũng là người dân sinh sống cách bãi rác khoảng 300 mét chia sẻ, những hôm trời nổi gió khói từ bãi rác bay vào bên trong khu dân cư, nhà nào cũng phải đóng cửa, trẻ em không dám cho ra bên ngoài. Bà Hải mong mỏi các cấp chính quyền quan tâm, xử lý triệt để việc ô nhiễm do hoạt động của bãi rác để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Không có nhà máy xử lý rác thải, tương lai sẽ quá tải
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng phòng TN-MT TX.Kinh Môn, cho biết, theo số liệu thống kê từ các xã phường, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý là gần 130 tấn/ngày.
Lượng rác thải khối lượng lớn phát sinh ở các phường An Lưu, Hiến Thành, An Phụ, An Sơn, Hiệp Sơn, Phú Thứ và Minh Tân. Việc xử lý rác thải trên toàn TX.Kinh Môn được thực hiện bằng hình thức chôn lấp, hiện nay chưa áp dụng các biện pháp xử lý khác.
Toàn TX.Kinh Môn có 60 bãi rác chôn lấp, trong đó có 2 bãi rác chôn lấp đã đóng cửa, dừng hoạt động. Hầu hết các bãi chôn lấp hiện nay có khoảng cách đến khu dân cư chưa đảm bảo, vị trí các bãi rác này đều nằm trên đất nông nghiệp hoặc cạnh nghĩa trang, gần kênh mương, địa bàn giáp ranh giữa các xã phường.
Việc phân loại rác cũng còn nhiều lúng túng, khó khăn, chưa có cách thức cụ thể trong thực hiện, chưa đồng bộ, phương tiện vận chuyển xử lý lạc hậu, lỗi thời.
Tình trạng này xảy ra do cơ sở hạ tầng, nguồn kinh phí và nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong quá trình phát triển xã hội. Việc quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn cho các quy định hiện hành và chưa có nhiều chính sách cụ thể để thu hút nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT tỉnh Hải Dương, thông tin hiện nay trong tổng số các bãi rác đang hoạt động trên địa bàn TX.Kinh Môn, tỷ lệ lấp đầy đã vào khoảng 80%, nguy cơ quá tải đang hiện hữu.
Tất cả các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn TX.Kinh Môn đều không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ từ rác, gây ra tình trạng ô nhiễm nước thải cục bộ tại khu vực xung quanh bãi chôn lấp, có thể tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.
Trong quá trình vận hành, đa số các bãi rác đều có hiện tượng đốt rác để giảm thiểu thể tích rác thải, việc làm này đã gây ô nhiễm cho các khu vực xung quanh.
Để khắc phục ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt, Sở TN-MT tỉnh Hải Dương đã hướng dẫn UBND TX.Kinh Môn chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hướng dẫn các xã phường quản lý, vận hành đúng kỹ thuật; không đốt rác; kiểm tra, xử lý nghiêm việc tập kết, đốt rác không đúng quy định; thực hiện phân loại rác đầu nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đến ngày 31.12.2024 phải thực hiện xong việc này.
Về mong mỏi của người dân có khu xử lý chất thải tập trung, ông Quang cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương, Sở TN-MT đã phối hợp với các sở ngành đề xuất thu hút đầu tư thêm dự án xử lý chất thải rắn phát điện, có công suất phù hợp. Định hướng đến năm 2030, cơ bản rác thải phát sinh trên địa bàn TX.Kinh Môn nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung được vận chuyển về nhà máy xử lý, sẽ xóa bỏ hoạt động xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Nguồn: thanhnien.vn