Hòa nhạc “Tình hữu nghị xuyên biên giới” với sự tham gia của 10 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc độc đáo.
Dàn nhạc C asean Consonant bắt đầu hành trình âm nhạc của mình từ năm 2015 tại Thái Lan, đến nay đã trình diễn tại Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Indonesia. Điểm đến năm nay của dàn nhạc là Việt Nam.
Là một dàn hòa tấu âm nhạc truyền thống, C asean Consonant sử dụng âm nhạc như một phương tiện để dệt nên các di sản văn hóa khác nhau của các quốc gia ASEAN và từ đó, xây dựng các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác mạnh mẽ hơn.
Tại Việt Nam năm nay, C asean Consonant sẽ có chuỗi hoạt động với chủ đề “Tình hữu nghị xuyên biên giới” gồm giao lưu giữa các nghệ sĩ của dàn nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào sáng 14/10 và trình diễn hòa nhạc vào tối 15/10.
Ban tổ chức chương trình chia sẻ về buổi hòa nhac.
Tại buổi họp báo giới thiệu chương trình, bà Trần Ly Ly – Cục trưởng Cục Biểu diễn Nghệ Thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, bà rất vui khi dàn nhạc trình diễn ở Việt Nam lần này. Theo bà, buổi hòa nhạc C asean Consonant đã đem đến sự kết nối, bắt đầu từ âm nhạc, từ đó xích mọi người lại gần nhau hơn.
“Từ âm nhạc, chúng ta có cơ hội làm việc cùng nhau, đồng sức đồng lòng và làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn”, bà Trần Ly Ly nói, đồng thời bày tỏ mong muốn âm nhạc dân tộc của ASEAN có đủ sức lan tỏa mạnh mẽ ra toàn thế giới.
Đại diện cho các nghệ sĩ của dàn nhạc, ông Noor Leyzam – nhạc sĩ thuộc Trung tâm Văn hóa Quốc gia Malaysia chia sẻ về qua trình tham gia và những kỷ niệm cùng C asean Consonant. Ông cho biết sẽ đem đến chương trình loại đàn guitar truyền thống của Malaysia. Theo ông, biểu diễn trong buổi hòa nhạc này là cơ hội để anh đem âm nhạc và văn hóa truyền thống của Malaysia đến với khán giả Việt Nam.
Với vị trí đạo diễn âm nhạc của C asean Consonant, ông Anant Narkkong cho biết, yếu tố quan trọng trong chương trình hòa nhạc là sự hòa hợp của những phong cách biểu diễn và các nhạc cụ khác nhau của các quốc gia.
Ông bày tỏ sự mong muốn viết thêm “một trang lịch sử mới cho âm nhạc dân tộc truyền thống”, mong muốn trao cơ hội và tạo điều kiện cho các tài năng trẻ tái tạo và phát huy cho nền âm nhạc các nước ASEAN, qua đó kết nối con người lại với nhau.
Trong khi đó ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã đồng hành cùng với C asean những ngày đầu vì hiểu được sứ mệnh và tầm nhìn của C asean. Hằng năm, Học viện Âm nhạc Quốc gia tổ chức hàng trăm buổi hòa nhạc khác nhau, nhưng C asean Consonant còn hơn cả một buổi biểu diễn. Dàn nhạc và buổi hòa nhạc là nơi tôn vinh hòa bình, hợp tác, hữu nghị trong cộng đồng ASEAN. Ông rất mong mọi người có thể chia sẻ thông tin nhiều hơn và đến tham gia chương trình.
Tại buổi hòa nhạc tối 15/10, ngoài các tác phẩm của các nước thành viên ASEAN, có hai tác phẩm của Việt Nam được trình diễn là “Nhịp cầu quê hương” của tác giả Toàn Thắng và bài dân ca “Trống cơm”, đều do Lê Thùy Linh hòa âm phối khí.
Nguồn: vtv.vn