PNO – Kinh tế suy thoái ngay sau đại dịch, các nền tảng trực tuyến đang cắt giảm đơn hàng, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, ngành thời trang toàn cầu đang tuyệt vọng tìm kiếm giải pháp.
Những bước tiến không ngừng của AI (trí tuệ nhân tạo), sự phát triển chóng mặt và thay đổi từng ngày của các nền tảng mạng xã hội, yêu cầu ngày càng cao của thế hệ tiêu dùng mới… là những áp lực đang đặt trên vai các thương hiệu danh tiếng.
Thời trang đang dần chuyển dịch và chạm đến khía cạnh thực tiễn hơn, mang tính ứng dụng cao hơn |
Không quá khi nói cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra trong ngành thời trang toàn cầu. Nó đã không còn âm thầm mà bộc phát, không chỉ để cạnh tranh mà còn là vấn đề sống còn của thương hiệu. Đó là lý do gần đây ngành thời trang liên tục chứng kiến những cuộc chia tay của các giám đốc thương hiệu quen thuộc. Cũng chưa bao giờ trong lịch sử thời trang, vai trò của giám đốc sáng tạo thách thức, cần nhiều chuyên biệt đồng thời cũng có sự tương thích đến thế. Phải chăng kỷ nguyên toàn năng của một giám đốc sáng tạo mà Karl Lagerfeld là ngôi sao sáng nhất đang đến hồi quá vãng?
Tạm biết những ngôi sao thiết kế!
Tạm biệt những ngôi sao thiết kế được truyền thông săn đón, tung hô. Khi thành công, đúng hơn là lượt người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, không còn tỉ lệ thuận với số lượng sản phẩm bán ra là lúc tài năng, kiến thức cũng như kinh nghiệm tích lũy bắt đầu được đem ra đong đếm. Nghe có vẻ thực dụng nhưng suy cho cùng, để sống được và nổi bật giữa muôn vàn thương hiệu hoặc để giữ vững vị trí đã có, tất cả đều quy về một bài toán: bán được hàng.
Nhà thiết kế Charles de Vilmorin đã rời vị trí trưởng phòng thiết kế của Rochas sau 2 năm tại vị dù đã đạt được những thành công đáng chú ý |
Tháng Tư năm ngoái, nhà thiết kế 26 tuổi Charles de Vilmorin đã rời vị trí trưởng phòng thiết kế của Rochas sau 2 năm tại vị vì không chịu nổi sức ép của ngành dù trước đó, bộ sưu tập áo khoác bomber đã tạo không ít tiếng vang cho anh. Tương tự, mối lương duyên giữa Ludovic de Saint Sernin và nhà mốt Ann Demeulemeester chỉ kéo dài 6 tháng. Anthony Vaccarello cũng đã rời Saint Laurent, Demna nhanh chóng chia tay Balenciaga sau thời gian say nồng buổi ban đầu.
“Tất cả các nhà thiết kế mới nổi được mạng xã hội yêu mến, những người được đưa lên vị trí đứng đầu các nhãn hiệu trong 2 năm qua đều gãy gánh. Đó là lý do các thương hiệu trọng dụng các chuyên gia và mô hình sáng tạo bền vững hơn” – Patricia Lerat của PLC Consulting cho biết.
Điều này cũng giống như việc ai đó liên tục quảng bá bản thân trên mạng xã hội, ở nơi nào họ cũng xuất hiện như một gương mặt quan trọng. Nhưng chiếc bong bóng danh tiếng ấy sớm vỡ nếu họ không thực sự thông thạo lĩnh vực đang theo đuổi. Trong bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào, luôn có những người tài giỏi thực sự dù họ chẳng mấy khi hiện diện trên mạng xã hội hoặc trưng trổ kiến thức, tài năng. Đó mới là điều các thương hiệu cần.
“Tôi không muốn gây ấn tượng bằng vẻ ngoài, tôi chỉ muốn mọi người dành sự chú ý cho thiết kế” – nhà thiết kế Peter Do chia sẻ |
Thời của những nhà sáng tạo “giấu mặt”
Công việc của giám đốc sáng tạo tại một thương hiệu thời trang vô cùng quan trọng. Nó thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của thương hiệu. Họ không chỉ là những con người tài năng với bộ óc sáng tạo mạnh mẽ, có kinh nghiệm trong ngành, am hiểu về lịch sử, bản sắc của thương hiệu mà còn phải có khả năng điều hành đội ngũ thiết kế, biết cách giám sát các bộ sưu tập, khả năng làm việc điên cuồng để kịp thời hạn các mùa thời trang.
Song song đó là khả năng ngoại giao, làm việc với người nổi tiếng, hợp tác với nhiều bên… Họ còn là người phát ngôn chính và dẫn dắt truyền thông thương hiệu.
Một người vừa có năng lực thực hiện công việc sau ánh đèn sàn diễn vừa có khả năng tỏa sáng, thu hút truyền thông là điều không hề dễ dàng. Nếu buộc phải lựa chọn, dĩ nhiên điều các thương hiệu cần ở một giám đốc sáng tạo là khả năng tập trung vào sản phẩm và điều hành đội ngũ thiết kế. Đó là yếu tố cơ bản và cốt lõi để tồn tại.
Dường như kỷ nguyên toàn năng của một giám đốc sáng tạo mà Karl Lagerfeld là ngôi sao sáng nhất đang đến hồi quá vãng |
“Giám đốc sáng tạo phải có cái nhìn mới mẻ về văn hóa và cuộc sống, diễn giải nó theo hàng ngàn cách. Họ cũng phải biết cách quảng bá, có đội ngũ phù hợp với nhịp độ luôn căng thẳng trước áp lực cho ra mắt các bộ sưu tập, liên tục làm những sản phẩm sáng tạo. Thực tế cho thấy giám đốc sáng tạo không thể tự làm mọi thứ vừa nêu” – Stefano Martinetto – một chuyên gia thời trang – nhận định.
Bên cạnh đó, còn phải đề cập đến sự chuyển dịch mạnh mẽ của ngành thời trang. Khái niệm xa xỉ đang được định nghĩa lại, thầm lặng hơn, tinh tế hơn. Xa xỉ được biểu hiện qua hình khối, đường cắt và chất liệu. Mặt khác, thời trang cũng dần chuyển dịch và chạm đến khía cạnh thực tiễn hơn, mang tính ứng dụng cao hơn. Do đó, những thứ bay bổng, phô trương đã không còn phù hợp. Các thương hiệu cần sự đa dạng ở nhiều khâu, từ nhân lực đến mô hình kinh doanh, bao gồm cả việc hợp tác với những thương hiệu khác.
Ludovic de Saint Sernin thời còn “mặn nồng” với nhà mốt Ann Demeulemeester |
“Các thương hiệu là những cỗ máy rất lớn, được tổ chức chặt chẽ giữa các bộ phận, từ nghiên cứu và phát triển đến cung ứng, sáng tạo, vận hành…. Những thương hiệu cần một người có thể đáp ứng và hòa nhập vào tổ chức nhanh chóng” – Nathalie Dufour – Giám đốc thương hiệu Andam – cho biết.
Sau giai đoạn vàng tăng trưởng toàn cầu, mọi thứ đang tăng trưởng chậm lại, kể cả ngành xa xỉ. Kinh tế suy thoái ngay sau đại dịch, các nền tảng trực tuyến đang cắt giảm đơn hàng, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, ngành thời trang toàn cầu đang tuyệt vọng tìm kiếm giải pháp. Điều gì sẽ mang lại lợi nhuận hơn? Chắc chắn là những tài năng có phong cách và tiếng nói vững chắc thay vì chỉ là những bong bóng được tô hồng nhờ mạng xã hội.
Tập đoàn Kering đã chọn Matthieu Blazy – người có nhiều năm kinh nghiệm tại Raf Simons, Maison Margiela, Celine và Calvin Klein – cho Bottega Veneta; Chanel chọn Virginie Viard – người phụ tá suốt 25 năm của Karl Lagerfeld; Gucci chọn Sabato De Sarno – nhà thiết kế có gần 20 năm làm việc tại Prada, Dolce & Gabbana, Valentino. Bản thân các nhà thiết kế cũng kín đáo hơn, thậm chí có xu hướng lánh truyền thông và mạng xã hội bởi họ hiểu chỉ cần một phát ngôn không đúng thời điểm, công sức của cả tập thể sẽ đổ sông đổ biển.
Virginie Viard – người phụ tá suốt 25 năm của Karl Lagerfeld – đã trở thành người đứng sau chương mới của Chanel |
Demna Gvasalia – Giám đốc sáng tạo của Balenciaga – giữ kín mọi hoạt động sau quảng cáo gây tranh cãi. Nhà thiết kế đã tập trung lại vào công việc và từ bỏ những cách thức tổ chức show gây chú ý. Tương tự, John Galliano – người định hướng thương hiệu Maison Margiela từ năm 2015 – cũng hiếm khi xuất hiện sau phát ngôn bị lên án. Peter Do – tài năng thiết kế vừa được chọn cho thương hiệu Helmut Lang – luôn xuất hiện với chiếc khẩu trang che kín mặt. Anh từng phát biểu: “Tôi không muốn gây ấn tượng bằng vẻ ngoài, tôi chỉ muốn mọi người dành sự chú ý cho thiết kế”.
Thư Hiên
Ảnh: Internet
Nguồn: phunuonline.com.vn