Mới đây, Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam (Greenfeed) công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, nhà sản xuất thứ ăn chăn nuôi và sở hữu chuỗi thực phẩm thương hiệu G Kitchen, Mamachoice, WYN… báo cáo khoản thua lỗ hơn 19 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, dù trước đó công ty đã ghi nhận lãi sau thuế 2 năm liên tiếp với các con số 617 tỷ đồng năm 2021 và 416 tỷ đồng năm 2022.

Greenfeed Việt Nam khi “phú quý giật lùi”?

Greenfeed công bố kết quả kinh doanh thua lỗ hơn 19 tỷ đồng sau hai năm bội thu.

Tổng tài sản của công ty tính đến ngày 30/6 ước đạt 9.070 tỷ đồng, nợ phải trả vượt mức 5.500 tỷ đồng, hơn gấp rưỡi phần vốn chủ sở hữu (3.543 tỷ đồng). Nhưng trong đó, dư nợ trái phiếu lên tới 1.000 tỷ đồng, là khoản vay do công ty Tài chính Quốc tế – International Finance Corporation (IFC), một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới – World Bank Group cung cấp.

Có thể nói, giá đầu vào nguyên liệu tăng mạnh, trong khi đầu ra giảm đang là những thách thức lớn đối với không chỉ Greenfeed mà còn cả các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước năm 2023.

Với việc Việt Nam đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ bên ngoài, hàng năm chi khoảng 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu các loại. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chi phí sản xuất sản phẩm chăn nuôi bị đội lên, gần như không có giải pháp hạ nhiệt. Trong khi thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 70% giá thành và liên tục tăng trong suốt thời gian dài vừa qua. Hệ lụy là khi các doanh nghiệp trong nước mất khả năng sản xuất, thị trường thịt cho 100 triệu dân đang trở thành sân chơi của các doanh nghiệp ngoại và một phần sản lượng rất lớn từ nhập khẩu.

Theo báo cáo của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam (VFA), 2 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng cả chục lần. Việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến chi phí đầu vào tăng, trong khi thành phẩm bán ra lại thấp, nhưng mệt hơn cả là sức tiêu thụ rất chậm. Thịt sản xuất trong nước đã khó bán, lại càng thêm khó khi phải cạnh tranh với lượng thịt nhập khẩu về nhiều theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) với lợi thế về giá.

Với tình hình trên, không chỉ Greenfeed Việt Nam gặp khó mà hàng loạt những “ông lớn” trong ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng rơi vào cảnh bết bát. Từ mảng nông nghiệp của Hoà Phát báo lỗ kỷ lục cho đến lợi nhuận của BAF Việt Nam chạm đáy. Ngay cả tay chơi kỳ cựu trong ngành chăn nuôi Việt Nam như Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco cũng chật vật với một loạt những khó khăn.

Tuy nhiên, đó chỉ là những khó khăn chung trong ngành. Tình hình kinh doanh của GreenFeed ảm đạm và có dấu hiệu đi xuống có lẽ kể từ khi doanh nghiệp sở hữu chuỗi thực phẩm thương hiệu G Kitchen, Mamachoice, WYN… và sản xuất thức ăn chăn nuôi này phát hành lô trái phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng của công ty Tài chính Quốc tế – International Finance Corporation (IFC).

Greenfeed Việt Nam khi “phú quý giật lùi”?

Lô trái phiếu riêng lẻ gần 1.000 tỷ đồng phải chăng là nguyên nhân?

Cụ thể, đầu tháng 11/2021, GreenFeed thông báo đã hoàn tất đợt chào bán lô trái phiếu riêng lẻ GFVCH2128001, với giá trị 1.000 tỷ đồng, lãi suất cố định 6,53%/năm kỳ hạn 84 tháng (7 năm). Ngày đáo hạn là ngày 15/6/2028.

Lô trái phiếu này có tài sản bảo đảm bằng toàn bộ phần vốn góp của GreenFeed Việt Nam tại Công ty TNHH GreenFarm Asia và Công ty THHH LinkFarm; tất cả các quyền, quyền sở hữu, lợi ích và thu nhập liên quan ở hiện tại hoặc phát sinh trong tương lai, đối với và theo bất kỳ các khoản phải thu nội bộ giữa GreenFeed Việt Nam và Công ty TNHH GreenFarm Asia, Công ty THHH LinkFarm.

Ngay sau khi được IFC đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng, GreenFeed Việt Nam đã bắt tay vào việc mở rộng quy mô mảng kinh doanh chăn nuôi heo giống và heo thương phẩm, đồng thời mở rộng mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Khi đã “đầy hầu bao”, GreenFeed liên tiếp thực hiện thành công các thương vụ mua lại và hợp tác với các doanh nghiệp trong ngoài nước, điển hình là các thương vụ mua lại hoạt động kinh doanh và thương hiệu của LeBoucher, thương hiệu gà của Alain Glon Holding tại Việt Nam, đồng thời bước chân vào lĩnh vực kinh doanh trung tâm dữ liệu thông qua việc hợp tác với NTT Corporation, nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và viễn thông hàng đầu thế giới.

Việc mua lại là một động thái chiến lược của tập đoàn, nhằm nhanh chóng bổ sung chuỗi gà vào hệ sinh thái sản phẩm 3F: Feed-Farm-Food hay còn là hệ sinh thái “từ trang trại đến bàn ăn”. Sau khi thực hiện thương vụ M&A không được tiết lộ này, LeBoucher sẽ trở thành thương hiệu thứ 5 trong danh mục các thương hiệu thực phẩm đang phát triển của GreenFeed Việt Nam.

Greenfeed Việt Nam khi “phú quý giật lùi”?

Những khoản đầu tư mở rộng đang được Greenfeed kỳ vọng trong tương lai.

Trong khi đó, cú bắt tay với NTT Corporation là một nỗ lực để cải tiến sản phẩm và mở rộng phạm vi hoạt động, theo như đại diện của GreenFeed cho biết. Có vẻ tập đoàn này bắt đầu hành trình là một nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, chuyển mình và đa dạng hóa các danh mục kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như thức ăn chăn nuôi, trang trại, thực phẩm, công nghệ, v.v.

Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải cùng với những khó khăn nội tại của thị trường đã khiến tình hình kinh doanh của GreenFeed rơi vào tình trạng ảm đạm, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty rơi xuống mức -0,56%, con số này ở cùng kỳ năm 2022 là 5,10%.

Mặc dù vậy, GreenFeed vẫn được vinh danh là “doanh nghiệp xuất sắc châu Á”. Qua đó, công ty cũng trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực Nông nghiệp – Thực phẩm giành chiến thắng 5 lần ở các hạng mục này trong lễ trao giải APEA 2023 diễn ra vào ngày 05/10/2023 vừa qua. Công ty đang định vị trở thành một hệ thống thương hiệu ở cấp độ Tập đoàn từ mảng kinh doanh cho đến sản phẩm và được kỳ vọng có thể trở thành một động lực, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời gian tới.