Wednesday, January 15, 2025

Quảng Nam sạt lở, ngập lụt trên diện rộng

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Ngoài ra, hàng loạt thủy điện đồng loạt điều tiết xả lũ khiến nhiều khu vực ở vùng rốn lũ ngập sâu, gây chia cắt cục bộ. Người dân phải cấp tập dọn đồ chạy lũ.

Người dân đội mưa vá bờ sông Vu Gia

Ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 14.11, mưa lớn kéo dài cộng với hàng loạt thủy điện đồng loạt xả lũ đã khiến nhiều xã ở vùng rốn lũ H.Đại Lộc (Quảng Nam) bị ngập sâu, gây chia cắt cục bộ. Tại khu vực cầu Ba Khe (xã Đại Hồng) nước lũ gây ngập hơn 1 m khiến các xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Hưng bị chia cắt hoàn toàn. Tuyến QL14H qua cầu Khe Rinh (xã Phước Ninh) ngập 1 m và cầu Bến Đình (xã Quế Lâm, đều ở H.Nông Sơn) cũng ngập sâu gần 1 m khiến các phương tiện không thể qua lại.

Quảng Nam sạt lở, ngập lụt trên diện rộng

Mưa lũ gây chia cắt ở xã Phước Gia (H.Hiệp Đức)

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua cổng chào TT.Khâm Đức (Quảng Nam) xảy ra sạt lở đất từ ta luy dương xuống lòng đường. Tuyến QL14E đoạn qua Nhà máy thủy điện 4A (xã Phước Hòa, H.Phước Sơn) cũng xảy ra sạt lở đất. Địa phương đã huy động xe múc, xe ủi san gạt đất để tạm thời thông tuyến.

Hai cầu ngầm sông Trường và Nước Oa (xã Trà Tân, H.Bắc Trà My) trên QL40B sáng qua nước dâng cao, ở giữa cầu ngập hơn 1 m. Đây là đường độc đạo nên các xã Trà Giáp, Trà Bui, Trà Tân (H.Bắc Trà My) và H.Nam Trà My bị chia cắt. Trên QL14H qua cầu Khe Rinh, xã Phước Ninh ngập 1 m và cầu Bến Đình xã Quế Lâm, đều ở H.Nông Sơn, ngập 0,5 m, xe không thể đi qua. Đáng chú ý, tại xã Trà Bui có 3 nhà dân bị đất đá sạt vào phía sau nhà. Các lực lượng tại chỗ đã sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân (với 58 nhân khẩu) cùng tài sản trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Cũng tại xã Trà Bui, tuyến ĐH8 qua thôn 3 bị sạt lở lớn một số điểm phía ta luy dương gây ách tắc giao thông.

Quảng Nam sạt lở, ngập lụt trên diện rộng

Hàng trăm người dân vá bờ sông Vu Gia

Ngoài ra, tại TT.Ái Nghĩa (H.Đại Lộc) khu vực Bệnh viện đa khoa miền núi Bắc Quảng Nam sạt lở mái ta luy, đất đá tràn xuống gây sập bức tường một nhà dân và ảnh hưởng 12 hộ dân khác. Chính quyền địa phương đã di dời những hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Đáng chú ý, lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều vị trí dọc bờ sông Vu Gia, đoạn qua xã Đại Cường (H.Đại Lộc) bị sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, bờ sông Vu Gia đoạn qua thôn Khương Mỹ (xã Đại Cường) bị sạt lở gần 100 m, ngoạm sâu vào bờ từ 4 – 5 m. Nhiều vị trí sạt lở chỉ cách nhà dân khoảng hơn 100 m, nguy cơ mất an toàn về người và tài sản. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng chức năng cùng hàng trăm người dân tập trung vá và gia cố những vị trí bị sạt lở nghiêm trọng bằng cọc tre và bao tải cát.

“Tình trạng sạt lở khu vực bờ sông này xuất hiện từ năm ngoái nhưng vài ngày gần đây bắt đầu xâm thực mạnh, ăn sâu vào đất liền. Điều đáng nói, vị trí xảy ra sạt lở nằm ngay tuyến đường độc đạo vào thôn Khương Mỹ. Nếu tình trạng sạt lở cứ diễn biến phức tạp và không có biện pháp tu bổ, sửa chữa kè kịp thời thì gần 200 hộ dân thôn Khương Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị cô lập hoàn toàn”, ông Phan Phước Mơ, Chủ tịch UBND xã Đại Cường, nói.

Dọn đồ chạy lũ

Quảng Nam sạt lở, ngập lụt trên diện rộng

Người dân vùng rốn lũ H.Đại Lộc kê cao đồ chạy lũ

Ông Nguyễn Tới (50 tuổi, ở xã Đại Đồng, H.Đại Lộc) cho biết mưa lớn cộng với thủy điện đồng loạt xả lũ khiến nước sông Vu Gia dâng cao, tràn qua đường gây ngập sâu nhiều nơi. “Tôi và nhiều hộ dân đã kê cao đồ chạy lũ, đến nhà người thân ở tạm khi nào lũ rút thì về”, ông Tới nói.

Quảng Nam sạt lở, ngập lụt trên diện rộng

Bức tường nhà dân ở TT.Ái Nghĩa bị đất, đá đánh sập

Ông Nguyễn Thành Liêm, Chủ tịch UBND xã Phước Gia (H.Hiệp Đức), cho hay địa bàn xã nguy cơ xảy ra nhiều điểm sạt lở, ngập lụt, chia cắt khi mưa lớn và lũ từ thượng nguồn đổ về, nhất là khi nhiều thủy điện bắt đầu xả lũ xuống hạ du. Địa phương cũng đã rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để có phương án phòng chống. Lực lượng xung kích được tăng cường để chốt chặn ở các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, vùng ngập sâu nhằm đảm bảo an toàn.

Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My (Quảng Nam), cho biết trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn, huyện đã cho học sinh toàn huyện được nghỉ học trong sáng 14.11. Tất cả các cuộc họp chưa cấp thiết của huyện và xã, thị trấn cũng được yêu cầu tạm dừng nhằm tập trung phòng chống mưa lũ.

Tại Thừa Thiên-Huế, mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường liên xã thuộc H.Phong Điền và H.Quảng Điền bị ngập lụt, ách tắc. Trong ngày 14.11, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu Phòng GD-ĐT H.Nam Đông cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Mưa lớn khiến một số đoạn ở tỉnh lộ 17, tỉnh lộ 6 ngập nặng, gây ách tắc giao thông…

Tại Quảng Trị, cơn mưa kéo dài từ đêm 13 rạng sáng 14.11 gây ngập lụt hàng trăm hộ dân, đặc biệt là tại H.Cam Lộ. Thống kê của huyện này cho hay, có khoảng 800 hộ dân ở các xã Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Hiếu, Cam Thành và TT.Cam Lộ (H.Cam Lộ) bị ngập lụt do mưa lũ. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập, xói lở… Ngành giáo dục H.Cam Lộ đã cho học sinh ở vùng bị ngập lụt nghỉ học. Tại H.Cam Lộ mưa lớn cuốn trôi 80 con bò của các hộ dân.

N.Phúc – B.N.Long – L.H.Nhân

Quảng Nam sạt lở, ngập lụt trên diện rộng

Cầu Sông Rin cũ (H.Sơn Hà, Quảng Ngãi) bị ngập sâu

Mưa lớn gây sạt lở, ngập cục bộ nhiều nơi ở Quảng Ngãi

Ngày 14.11, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi bị ngập, sạt lở do mưa lớn. Nước lũ gây ngập cầu Sông Rin cũ (nối 2 huyện Sơn Hà và Sơn Tây), cầu tràn Thạch Nham (nối 2 huyện Tư Nghĩa và Sơn Hà)…

Tuyến đường độc đạo để người dân thôn Ân Phú và xóm Tân Lập của thôn Ngọc Thạch (xã Tịnh An, TP.Quảng Ngãi) đi ra ngoài bị nước tràn qua, gây chia cắt cục bộ. Khu vực này có khoảng 350 hộ dân sinh sống.

Tại H.Sơn Tây có hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Trong đó, núi Bảy Màu (xã Sơn Tân) bị sạt lở khoảng 50 m³ khiến đất đá trôi ra đường. Các tuyến đường từ xã Sơn Mùa đi xã Sơn Liên, từ Trung tâm y tế H.Sơn Tây đi thôn Gò Lã (xã Sơn Dung), từ xóm Trường đi vào Trường tiểu học xã Sơn Dung… cũng bị sạt lở, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN H.Sơn Tây và các địa phương trong huyện đã cắm biển cảnh báo những nơi sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, không cho người dân qua lại để bảo vệ tính mạng và tài sản; huy động dân quân, đoàn viên, thanh niên cùng người dân khắc phục tạm thời.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Thanh Trung, Phó chủ tịch UBND H.Sơn Hà (Quảng Ngãi), cho biết Phòng GD-ĐT huyện đã thông báo cho hơn 20.000 học sinh nghỉ học trong ngày 14.11. Đến ngày 15.11, tùy diễn biến thời tiết tại từng địa phương, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Ông Võ Đoàn, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, cho biết hiện một số thủy điện đang vận hành theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa để cắt lũ. Vấn đề lo lắng nhất là sạt lở ở một số huyện miền núi như Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long và Sơn Tây. “Địa phương đang hết sức cảnh giác với sạt lở. Đến thời điểm hiện tại đã bị sạt lở cục bộ ở một số tuyến đường, đất đá trôi, lăn ra đường. Khi tạnh mưa, sẽ dọn dẹp, thông tuyến”, ông Đoàn nói.

Hải Phong

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img