Mưa lớn, nước suối dâng cao, các cô giáo ở vùng cao Quảng Trị được người dân cõng qua suối để đến trường. Trong hình ảnh được ghi lại, các cô giáo thì cười tươi, nhưng người khác nhìn ảnh thì thương đến rơi nước mắt…
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Niên, những hình ảnh này được ghi lại trên hành trình đến điểm trường ở bản Cát, Trỉa của giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Sơn (H.Hướng Hóa).
Theo cô giáo Trần Thị Kiều Oanh, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Sơn, người có nụ cười tươi trong bức ảnh, là một trong 4 người được cõng qua suối vào sáng thứ hai tuần này (ngày 13.11).
Theo cô Oanh, sáng hôm đó, cô và 3 đồng nghiệp quay trở lại trường dạy học. Trên đường đi, có nhiều điểm bị chia cắt nên các cô giáo buộc phải qua suối. Mưa lớn, nước dâng cao nhưng không còn lối đi nào khác nên người dân địa phương đã hỗ trợ các giáo viên băng qua suối.
Cô Oanh dạy cách trường hàng chục km nên vào mỗi sáng thứ hai thường dậy sớm chuẩn bị đồ đạc, lên đường đến trường để bắt đầu một tuần làm việc mới. Sau đó, cô sẽ cùng đồng nghiệp ở lại trường cho đến cuối tuần mới về nhà.
“Về mùa mưa, con đường đến trường của tôi và các đồng nghiệp trở nên gập ghềnh, khó khăn. Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi gặp tình huống như vậy. Khi các ngầm tràn bị ngập sâu, nước chảy xiết, thầy cô có khi còn phải vào nhà người dân xin tá túc, đợi khi nước rút mới tiếp tục lên đường”, cô Oanh chia sẻ.
Thầy Nguyễn Đình Sâm, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Sơn, cũng xác nhận những hình ảnh lan truyền là hình ảnh giáo viên của trường dạy ở 2 điểm trường Cát và Trỉa.
Đây là những điểm trường cách xa trung tâm, với 7 giáo viên đứng lớp và tổng số gần 90 học sinh. Trong đó, điểm trường Cát có 65 em, điểm trường Trỉa 23 em.
Theo thầy Sâm, nhà trường thường xuyên thông báo, quán triệt đến các giáo viên dạy ở điểm trường lẻ cập nhật diễn biến thời tiết, theo dõi mực nước sông suối để chủ động khi di chuyển, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân.
Hiệu trưởng cũng thấu hiểu với những khó khăn mà các thầy, cô giáo đang trải qua. “Vì niềm đam mê, trách nhiệm với học sinh nên thầy cô luôn nỗ lực, cố gắng để lên lớp dạy chữ cho học sinh vùng cao nơi đây”, thầy Sâm nói.
Nguồn: thanhnien.vn