Sau nhiều năm nhường đất cho lòng hồ thủy điện để chuyển về khu tái định cư, đến nay hàng trăm hộ dân ở H.Đăk Hà (Kon Tum) vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là sổ đỏ).
Năm 2009, hàng trăm hộ dân tại TT.Đăk Hà và xã Đăk Mar (H.Đăk Hà, Kon Tum) đã di dời để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Plei Krông. Để người dân ổn định cuộc sống, tỉnh Kon Tum đã quy hoạch khu tái định cư tại thôn Pa Cheng (xã Đăk Long). Dự án được giao cho UBND H.Đăk Hà làm chủ đầu tư với kinh phí xây dựng 149 tỉ đồng.
Dự án được thi công từ năm 2009, dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng với mục tiêu đảm bảo đời sống cho 679 nhân khẩu/126 hộ dân. Đến năm 2015, dự án không hoàn thành nên UBND tỉnh Kon Tum cho gia hạn đến hết năm 2018. Tuy nhiên đến nay, có 35 hộ dân tại các xã Đăk Mar và TT.Đăk Hà không đến khu tái định cư sinh sống vì thiếu đất sản xuất và chưa nhận được các khoản hỗ trợ như mực tiêu của dự án. Không những vậy, hiện có 85/86 hộ dân đã chuyển đến sinh sống nhưng chưa được cấp sổ đỏ.
Bà Y Panh (43 tuổi, ở thôn Pa Cheng) cho hay gia đình bà đã chuyển đến khu tái định cư sinh sống nhiều năm nay. Mặc dù 5 sào đất canh tác cà phê của gia đình bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng diện tích nhà ở của gia đình bà thì vẫn chưa. Điều này khiến gia đình bà gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng để đầu tư vào rẫy cà phê. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, sớm cấp sổ đỏ cho bà con để mọi người yên tâm sinh sống, sản xuất”, bà Y Panh nói.
Không chỉ người dân tại khu tái định cư thôn Pa Cheng mà hàng chục hộ dân tại thôn Kon Trang Long Loi (TT.Đăk Hà) cũng chưa được cấp sổ đỏ. Theo ông A Manh (46 tuổi), năm 2004, gia đình ông cùng hàng trăm hộ dân khác chuyển từ khu vực gần lòng hồ lên thôn Kon Trang Long Loi sinh sống. Gia đình ông được UBND thị trấn hỗ trợ 400 m² đất và 7 triệu đồng để làm nhà sinh sống. Tuy nhiên, sau 19 năm, ông Manh cùng nhiều hộ dân khác vẫn chưa được cấp sổ đỏ đối với số đất đã được cấp.
“Không có sổ đỏ, người dân chúng tôi sống như người đi ở nhờ. Dân làng không thể mua bán, hay tặng nhà, đất lại cho con cái. Gia đình cũng chẳng thể thế chấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng đầu tư vào nương rẫy phát triển kinh tế”, ông Manh nói.
Theo ông Manh, trước kia gia đình ông có 3 sào đất trồng cà phê, mỗi năm thu nhập hơn 10 triệu đồng. Từ ngày nhường đất cho dự án thủy điện, vợ chồng ông chủ yếu đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Người dân trong thôn đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương mong muốn sớm được cấp sổ đỏ. Mặc dù cán bộ địa phương đã đến đo đạc, lấy ý kiến người dân nhưng đến nay vẫn chưa có hộ dân nào được cấp sổ đỏ.
Xin ý kiến UBND tỉnh
Ông Đặng Ngọc Tiến, Trưởng phòng TN-MT H.Đăk Hà, cho biết trong quý 1/2024 sẽ tổ chức đo đạc, thống kê đăng ký để quản lý, giao đất đối với 85 hộ dân ở thôn Pa Cheng (xã Đăk Long). Sau đó sẽ cấp GCNQSDĐ ở, đất sản xuất cho bà con. Nhưng do dự án đã kết thúc và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán hoàn thành, nên UBND huyện sẽ có văn bản báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh để tổ chức cấp sổ đỏ cho dân.
Với 25 hộ dân tại thôn Kon Trang Long Loi chưa được cấp sổ đỏ, theo ông Tiến, những hộ dân này thuộc trường hợp được UBND TT.Đăk Hà bố trí đất ở trái thẩm quyền từ năm 2004 nhưng mãi đến năm 2022, UBND thị trấn mới báo cáo, đề xuất với UBND huyện để xin ý kiến.
“Tại thời điểm bố trí đất trái thẩm quyền, UBND TT.Đăk Hà không tiến hành xác lập hồ sơ địa chính để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giao đất, cấp GCNQSDĐ cho bà con”, ông Tiến giải thích.
Cũng theo ông Tiến, hiện mới chỉ có 5/25 hộ dân tại thôn Kon Trang Long Loi đã được cấp sổ đỏ. Còn lại những hộ chưa được cấp thì có 19 trường hợp thuộc diện hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Do đó, địa phương chưa hướng dẫn người dân đăng ký đề nghị công nhận và cấp sổ đỏ. Những hộ này đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn nên không đủ khả năng tài chính nộp tiền sử dụng đất.
Nguồn: thanhnien.vn