Wednesday, November 27, 2024

Hàng xa xỉ “ngủ đông”

PNO – Không chỉ tầng lớp trung lưu mà cả tầng lớp nhiều tiền cũng đang “thắt lưng buộc bụng” đối với chi tiêu cho các món hàng cao cấp.

 

Suy thoái kinh tế đã và đang tác động sâu rộng đến từng ngõ ngách. Không chỉ tầng lớp trung lưu mà cả tầng lớp nhiều tiền cũng đang “thắt lưng buộc bụng” đối với chi tiêu cho các món hàng cao cấp.

Hàng xa xỉ “ngủ đông”
Ngành hàng xa xỉ đã tạm biệt những năm tháng hoàng kim

Todd Vogt – Giám đốc điều hành một công ty khai thác mỏ người Canada – đã ra về tay không sau khi ghé qua các cửa hàng Louis Vuitton và Rolex ở West End, khu mua sắm cao cấp tại London (Anh) trong tuần này. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đó. Nền kinh tế trì trệ hậu đại dịch và suy thoái kinh tế đã tác động đến việc chi tiêu hàng hóa xa xỉ của vợ chồng ông.

“Vợ tôi thích túi xách của các hãng như Louis Vuitton còn tôi thì thích đồng hồ” – Vogt nói và chia sẻ thêm: “Thế nhưng, vật giá đã tăng. Với tình hình trước mắt và triển vọng kinh tế dài hạn, chúng tôi sẽ hạn chế các khoản chi cho hàng xa xỉ”.

Đây không phải là trường hợp duy nhất. Nhân viên bán hàng tại các cửa hàng xa xỉ thừa nhận người mua đã trở nên thận trọng hơn sau 3 năm bùng nổ chi tiêu hàng xa xỉ trên toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng đang chững lại

Hậu COVID-19, ngành công nghiệp xa xỉ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kỷ lục khi người tiêu dùng mua sắm thỏa mãn bản thân một cách “điên cuồng” sau thời gian ở yên trong nhà. Giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô mua túi hiệu và rượu sâm panh Dom Pérignon. Thuật ngữ “mua sắm trả thù” là mô tả xác thực nhất cho những gì đã diễn ra sau dịch. Thế nhưng, thời kỳ hoàng kim không kéo dài. Một loạt vấn đề ập đến (kinh tế, chiến tranh, thiên tai…) đã đẩy nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhen nhóm phục hồi đến bờ chênh vênh. 

Hàng xa xỉ “ngủ đông”
Khung cảnh đìu hiu tại một cửa hàng Gucci ở Hồng Kông (Trung Quốc)

Kering mới đây đã phát đi cảnh báo, Gucci – thương hiệu đình đám nhất của tập đoàn – suy giảm lợi nhuận trong năm nay. Cảnh báo còn nêu rõ sẽ không có dấu hiệu phục hồi nào vào năm 2024. Nhà mốt xa xỉ đến từ Ý từng đón đầu những xu hướng mới nhất, tiếp cận khách hàng thuộc thế hệ Z đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các đối thủ khi không chỉ đối mặt với tình trạng suy thoái toàn cầu mà còn phải gánh gồng những bất ổn nội bộ.

Tình hình của LVMH – gã khổng lồ xa xỉ với 75 nhãn hiệu từ Dior, Bvlgari, Moet Hennessy… đến Louis Vuitton – cũng khiến các nhà đầu tư thất vọng khi thông báo mức tăng trưởng trong quý III chỉ đạt 9%, thấp hơn kỳ vọng và giảm mạnh so với mức tăng 17% của quý II. Hermès là thương hiệu duy nhất đứng ngoài làn sóng này nhờ mô hình kinh doanh linh hoạt. 

Dấu hiệu đầu tiên của sự suy thoái xuất hiện khoảng 1 năm trước, khi người dân Mỹ hạn chế chi tiêu cho các món ăn bình dân. Theo Financial Times, doanh số bán hàng tại Mỹ, thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp xa xỉ, tăng 2% sau khi chững lại trong quý II do những khách hàng trung thành cắt giảm các thú vui. Châu Âu tiếp bước với tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại ở mức 7% so với 19% do người mua thắt lưng buộc bụng.
Tại Trung Quốc, bối cảnh kinh tế vĩ mô không chắc chắn và tỉ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên đã làm tiêu tan hy vọng phục hồi. Họ vẫn vung tiền mua túi xách và giày dép sau lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhưng không nhiều như mong đợi.

Hàng xa xỉ “ngủ đông”
Năm nay, mức tăng trưởng của Salvatore Ferragamo giảm gần 30%

Theo công ty tư vấn Bain, dẫn đầu bởi các tập đoàn niêm yết lớn như LVMH và Hermès, hàng xa xỉ đã tăng trưởng trung bình hơn 20% mỗi năm kể từ năm 2020, trong khi mức thấp kỷ lục là khoảng 6%. Theo bà Joëlle de Montgolfier – Phó chủ tịch điều hành bán lẻ và hàng xa xỉ tại Bain, kịch bản lạc quan trong năm nay sẽ là 8 – 10% hoặc 5% trong trường hợp bi quan hơn. Cổ phiếu hàng xa xỉ đã bị bán tháo trong những tháng gần đây do các nhà đầu tư lo lắng về triển vọng của lĩnh vực này.

Phân cực rõ nét

Theo Jean Danjou – nhà phân tích hàng xa xỉ tại Oddo, các danh mục “xa xỉ cứng” (đồ trang sức và đồng hồ) không tăng nhanh bằng các danh mục “xa xỉ mềm” (quần áo, mỹ phẩm và túi xách). Doanh số bán đồ trang sức có xu hướng đặc biệt tập trung vào Trung Quốc, nơi ngày càng có nhiều sự không chắc chắn về hướng đi của nền kinh tế.
Carole Madjo – nhà phân tích tại Barclays, London – cho biết: “Sự phân cực trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng xa xỉ vẫn tiếp tục. Những cái tên như Hermès hiện đang hoạt động tốt hơn trên thị trường nhờ mô hình kinh doanh linh hoạt hơn và cá nhân hóa khi tiếp cận người dùng thuộc giới siêu giàu”.

Hàng xa xỉ “ngủ đông”
Đây là cơ hội của những thương hiệu “xa xỉ thầm lặng” như Alaia, The Row…?

Không chỉ có Hermès, thương hiệu cashmere đến từ Ý – Brunello Cucinelli – cũng trụ vững trong bão suy thoái. Cổ phiếu của thương hiệu đã tăng 12% trong năm 2023, trong khi mức tăng là khoảng một nửa so với cùng kỳ. Ermenegildo Zegna, Prada cũng có mức tăng trưởng tương tự.

Vào tháng 4/2023, LVMH đã đạt mức vốn hóa thị trường 500 tỉ USD. Nhưng, kể từ đó, mức định giá của thương hiệu giảm khoảng 140 tỉ USD. Hiện tại, các nhà mốt xa xỉ đang phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Hermès và Kering đều đã cảnh báo những rủi ro đó trong tuần này – đặc biệt là tác động tiềm tàng đối với du lịch. LVMH đã cảnh báo vào tháng Bảy rằng “mùa đông” đang đến và nhắc lại thông điệp đó một lần nữa trong tháng này, rằng nhà mốt Dior sẽ không thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng 30% mỗi năm.

Các trung tâm thương mại cũng bắt đầu nhận thấy mô hình mua sắm đang dần thay đổi, họ dần điều chỉnh lượng hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu suy yếu. “Bất cứ món hàng nào được yêu thích chỉ vì logo hiện đều không bán được. Một số thương hiệu có số lượng giao dịch giảm 50 – 60% so với năm ngoái. Tôi đã hoàn toàn thoái vốn khỏi thương hiệu thiết kế” – chủ một trung tâm mua sắm xa xỉ hàng đầu ở Bắc Mỹ cho hay. Người này cho biết thêm: túi xách vẫn được tiêu thụ nhưng khách hàng đang tập trung vào những nhãn hiệu “dễ thở” hơn. Các nhà thiết kế cổ điển bao gồm Oscar de la Renta và các nhãn hiệu “xa xỉ thầm lặng” như The Row vẫn đang hoạt động tốt.

Hàng xa xỉ “ngủ đông”
Nhà thiết kế Phoebe Philo (phải) đã trở lại và ra mắt nhãn hiệu cùng tên được xem như tin vui đối với các tín đồ thời trang

Tại LVMH, một số thương hiệu “im lặng hơn” như Loro Piana, chuyên bán áo len cashmere không logo trị giá 2.900 euro hay nhãn hiệu Loewe được biết đến với những sáng tạo dưới thời Jonathan Anderson có doanh số vượt trội. Để tránh xa sự phô trương, Phoebe Philo – người đã nhận được sự yêu mến của các tín đồ thời trang nhờ những thiết kế hiện đại, đơn giản và không có logo tại Celine – vừa ra mắt thương hiệu riêng vào cuối tháng Mười, được hỗ trợ bởi LVMH. 
 

 

Thư Hiên

 

Ảnh: Internet

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img