Sunday, November 3, 2024

Giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng

Theo số liệu mới nhất của NHNN, tín dụng đến ngày 21/11 đã tăng 8,09%, dù đã có sự tăng trưởng nhưng vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu tăng 14% của cả năm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Trong đó yêu cầu: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, cần khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm nay kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

Theo số liệu mới nhất của NHNN, tín dụng đến ngày 21/11 đã tăng 8,09%, dù đã có sự tăng trưởng nhưng vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu tăng 14% của cả năm. Để kích thích nhu cầu tín dụng, khá nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói ưu đãi giảm lãi suất cho vay, cho cả khách hàng cũ và mới.

Giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng
 

Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp SHB, cho biết: “Từ nay tới hết năm, hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hiện hữu 2%, gồm cả cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp, nông thôn và dự án xanh”.

Ông Nguyễn Khánh Phúc, Giám đốc khối Khách hàng cá nhân ABBANK, nói: “Chúng tôi chủ động chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực tốt nhất giúp cá nhân, hộ kinh doanh nhanh chóng có được nguồn vốn. Gói tín dụng ngắn hạn 30 nghìn tỷ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa hộ kinh doanh, từ nay tới hết tháng 1, LS từ 6,5 đến 6,8%”.

Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện đã giảm khoảng 1,5 – 2%/năm so với cuối năm ngoái. nhưng tốc độ giảm này được nhận định là chưa tương xứng với mức giảm 3-4% của lãi suất huy động. Vì thế, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới.

Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), cho biết: “So với đầu năm 2023, mức lãi suất huy động đã giảm 3-4%, đây là động thái mức lãi suất huy động giảm khá mạnh. Tuy nhiên, nhìn vào mức lãi suất cho vay của các NHTM dù giảm nhưng chưa nhiều. Lãi suất theo quan điểm của tôi sẽ tiếp tục hạ. Như vậy, lãi suấ cho vay của các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm, thúc đẩy doanh nghiệp quay trở lại vay vốn ngân hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng”.

Cùng với nỗ lực giảm lãi suất, giới phân tích nhận định, tín dụng có thể tăng khoảng 2% mỗi tháng, từ nay tới cuối năm bởi hiện đang là cao điểm cho các đơn hàng cho năm mới.

Đầu năm nay VTVMoney đã ghi nhận rất nhiều trường hợp doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất đến 11-12% và là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp e ngại không dám vay. Nhưng nay rõ ràng mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể. Dù vậy, tín dụng vẫn tăng khá chậm.

Nguyên nhân đã được nhắc tới khá nhiều như là cầu tín dụng yếu, vì doanh nghiệp khó khăn về đầu ra nên giảm nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất. Còn với những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, họ có mong muốn gì?.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Uỷ viên TW Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Giám đốc Toyota Chi nhánh Vũng Tàu: Có thể dễ với người dễ nhưng lại khó với người khó. Những người khởi nghiệp thì cực kỳ khó tiếp cận, chỉ doanh nghiệp không nợ xấu, có doanh thu cao thì vẫn tiếp cận được.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Đối với doanh nghiệp có thể vay được, đủ điều kiện của Ngân hàng thì không thể giải ngân. Rất nhiều doanh nghiệp đang vướng ở quy hoạch, rất muốn vay, sẵn sàng vay, nhưng đã có quy hoạch đâu mà vay, đã có giấy chứng nhận đầu tư đâu mà vay.

Ông Phan Thế Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp Trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế: NHNN cần sát sao hơn với từng chi nhánh địa phương, lãi suất cần hạ thấp xuống và giãn nợ cho các doanh nghiệp có đầu tư dài hạn.

Ông Phạm Khắc Học, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần H- Holding: Tài sản đảm bảo nhưng có cơ chế kèm theo chứng minh, trong giai đoạn này, cũng mong các ngân hàng linh động hơn.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Uỷ viên TW Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Giám đốc Toyota Chi nhánh Vũng Tàu: Hầu như phải có thế chấp tài sản và bảo đảm đủ thì ngân hàng mới giải ngân cho, còn nếu không có, chắc chắn mình không tiếp cận được nguồn vốn như thế.

Thúc đẩy tín dụng không chỉ cần lãi suất thấp

Giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng
 

Theo kết quả kinh doanh quý 3, có ngân hàng tín dụng mới tăng 3-4%, nhưng cũng có 1 vài ngân hàng nhanh chân hơn, tăng 15 – 16%, tức là gấp đôi so với mức bình quân của hệ thống. Những ngân hàng đi trước này, họ có chiến lược thế nào để thúc đẩy tín dụng trong bối cảnh khó khăn chung

Tăng trưởng khá chậm trong 6 tháng đầu năm, nhưng bắt đầu được cải thiện từ quý 3, thời điểm lãi suất bắt cho vay bắt đầu hạ nhiệt và những gói tín dụng ưu đãi lần lượt được được tung ra.

Ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết: “Chìa khóa cốt lõi để việc tăng trưởng nhanh ở những ngành này, đó là chúng tôi chấp nhận những hình thức thế chấp khác ngoài bất động sản. Thí dụ như chúng tôi cũng tăng cường cho vay tín chấp, ngoài ra chúng tôi cũng chấp nhận những hình thức bảo lãnh khác như liên quan đến hợp đồng thi công, những hợp đồng mua bán hàng và những cái theo dòng tiền. Chính việc chúng tôi đa dạng như vậy đã tăng sức hút với nhu cầu vốn”.

Hết quý 3, ngân hàng Techcombank đã đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng hơn 11%, nằm trong nhóm ít nhà băng có tốc độ tăng tín dụng cao nhất hệ thống. Ngân hàng đã chủ động đa dạng hóa cách làm tín dụng, thiết kế những sản phẩm tín dụng theo chuỗi… để đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank, cho biết: “Chúng tôi làm tín dụng dựa trên sự am hiểu sâu về đặc thù của từng ngành, thành ra các giải pháp tín dụng mà Techcombank đưa ra cũng may đo cho từng ngành để đảm bảo cấu trúc tín dụng hay điều kiện mình đưa ra là phù hợp với khách hàng, không có chuyện đưa ra các điều kiện mà nó không phù hợp với tính chất ngành kinh doanh đấy, dẫn đến là khách hàng khó tiếp cận tín dụng.

Không hạ chuẩn cho vay để đảm bảo chất lượng tín dụng nhưng linh hoạt trong cho vay, tập trung hỗ trợ khách hàng bên cạnh chính sách ưu đãi lãi suất. Các ngân hàng thương mại cổ phần top đầu như Techcombank, ACB, HDBank… đều cho biết, khả năng cao sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được cấp.

Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nhận định: “Thường dịp cuối năm nhu cầu tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cũng như đi lại, du lịch và các hoạt động kinh tế của dịp Tết cổ truyền sẽ tăng trưởng. Tăng trưởng này cũng sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng. Nhưng để tăng trưởng tín dụng tốt đòi hỏi phải kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư, đó là các giải pháp đồng bộ của nền kinh tế và các bộ ngành”.

Số liệu cho thấy,trong gần 30 ngân hàng trên sàn thì tăng trưởng tín dụng đến hết quý 3 đã đạt gần 9%, tương đương mức tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Vào thời điểm này, rất nhiều ngân hàng đang xin NHNN cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Do đó, các chuyên gia dự báo, khả năng tăng đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tại 1 số NH là hoàn toàn có thể.

Rõ ràng là những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn mức bình quân chung đã có những hướng đi riêng, đặc biệt là biết “may đo” những gói tín dụng phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực. Cái khó không thể “bó” cái khôn, bó buộc sự linh hoạt trong cấp tín dụng. Việc khơi thông dòng vốn sẽ góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img