Saturday, January 11, 2025

Quân khu 7 cảnh báo 2 chiêu trò giả danh quân đội lừa đảo

Chỉ trong 7 tháng, Cục Chính trị Quân khu 7 ghi nhận 64 vụ việc mạo danh, giả danh quân đội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cục Chính trị Quân khu 7 vừa có văn bản đề nghị Ban Tuyên giáo, Sở TT-TT và các cơ quan báo chí 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn đóng quân phối hợp cảnh báo các phương thức, thủ đoạn mạo danh, giả danh quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo đánh giá của Cục Chính trị Quân khu 7, thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong cả nước nói chung và trên địa bàn có dấu hiệu gia tăng, ngày càng hoạt động tinh vi hơn.

Nhiều cơ quan chức năng, báo chí trung ương và địa phương đã tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa các phương thức, thủ đoạn lừa đảo. Tuy nhiên, từ tháng 5.2023 đến nay, trên địa bàn Quân khu 7 vẫn phát hiện 64 vụ việc giả danh, mạo danh cán bộ, nhân viên trong quân đội thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, được người dân trình báo cơ quan chức năng.

Cụ thể, có 23 vụ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, 21 vụ ở Lâm Đồng, 6 vụ ở Tây Ninh, 6 vụ ở Bình Thuận, 4 vụ ở Bình Dương, 3 vụ ở Bà Rịa – Vũng Tàu và 1 vụ ở TP.HCM. Tổng số tiền bị chiếm đoạt của 7 vụ việc hơn 1 tỉ đồng, các vụ việc còn lại được người dân cảnh giác, kịp thời phát hiện bất thường nên không bị thiệt hại.

Nguyên nhân của những vụ việc này chủ yếu do người dân thiếu cảnh giác, tin tưởng chuyển khoản đặt hàng, giao hàng khi chưa xác thực thông tin. Mặt khác, một phần vì ham lợi nhuận cao, chấp nhận giao dịch với đối tượng lạ, ứng tiền nhập các loại hàng hóa mà cửa hàng của mình không kinh doanh, dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản.

Mạo danh chỉ huy đơn vị lừa đảo người nhà chiến sĩ

Cục Chính trị Quân khu 7 nêu rõ 2 phương thức mà các đối tượng lừa đảo thường thực hiện để người dân nhận diện, cảnh giác.

Thứ nhất, đối tượng thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội (phổ biến nhất là ứng dụng Zalo và Mesenger) sử dụng hình ảnh mang mặc quân phục, hình ảnh phản ánh hoạt động thường ngày của bộ đội hoặc tự xưng là cán bộ đang công tác trong quân đội để tạo dựng niềm tin.

Sau đó, những người này chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh, cơ sở nấu ăn, công ty dịch vụ, cửa hàng vật liệu xây dựng, phân bón, cây trồng của nạn nhân để đặt tiệc, đặt mua các loại sản phâm.

Kế tiếp, các đối tượng chuyển khoản trước một số tiền để đặt cọc, tạo niềm tin rồi nhờ nạn nhân ứng tiền trước mua giúp một số loại hàng hóa mà cơ sở kinh doanh của nạn nhân không có. Khi nạn nhân không tìm được nguồn hàng để cung ứng, các đối tượng tung chiêu giới thiệu nguồn hàng với lợi nhuận hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân, rồi yêu cầu chuyển khoản đặt cọc.

Khi nạn nhân tin tưởng, chuyển tiền cọc thì các đối tượng này cắt liên hệ, không giao hàng hoặc giao hàng hóa không đúng, có giá trị thấp hơn so với thỏa thuận để chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn thứ 2 là các đối tượng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình có con, em đang tại ngũ. Sau đó, họ mạo danh là chỉ huy đơn vị của cán bộ, chiến sĩ liên hệ với gia đình để thông báo con, em của nạn nhân bị tai nạn hoặc vi phạm kỷ luật, cần chuyển khoản một số tiền gấp để tiến hành điều trị, khắc phục hậu quả, nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img