Sáng 1.10, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH và ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cùng đoàn đến giám sát việc chi hỗ trợ đợt 3 trên địa bàn Q.Phú Nhuận và Q.5.
Lãnh đạo Q.Phú Nhuận cho biết, với gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3, địa phương dự kiến sẽ hỗ trợ cho 128.936 trường hợp theo hình thức cuốn chiếu.
Còn tại Q.5 sẽ thực hiện chi hỗ trợ cho 61.977 người của 28.000 hộ, việc chi hỗ trợ được thực hiện bằng hình thức trực tiếp cho người dân.
Đoàn giám sát việc chi hỗ trợ đợt 3 cho người dân khó khăn tại Q.Phú Nhuận
|
Qua kiểm tra thực tế chi trả của các địa phương, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá TP.HCM đã triển khai tích cực song song các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của HĐND TP.HCM. Rút kinh nghiệm từ những gói hỗ trợ trước đó, việc hỗ trợ lần này đã thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch. Qua đó, góp phần chia sẻ phần nào khó khăn với người dân.
P.4, Q.5 chi hỗ trợ trực tiếp cho người dân khó khăn trên địa bàn
|
Lực lượng lao động tại TP.HCM đang phân tán
Trao đổi với báo chí bên lề buổi giám sát, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng lưu ý đến công tác an sinh, nhất là lao động – việc làm của TP.HCM trong thời gian tới.
Theo ông Dũng, việc dịch chuyển lao động của TP.HCM rất đáng quan tâm.
“Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của Bộ LĐ-TB-XH hiện nay. Bộ LĐ-TB-XH rà soát các giải pháp để động viên, kết nối, không để đứt gãy chuỗi lao động. Tại TP.HCM, khi mở rộng việc sản xuất, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, nguồn cung lao động từng bước phục hồi, tuy nhiên, lực lượng người lao động đang phân tán, một số còn ở TP.HCM, còn một số thì trở về quê”, ông Dũng nói.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị chính quyền TP.HCM cần có những giải pháp căn cơ, đồng thời cũng đề xuất 5 nhóm biện pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, chính quyền và doanh nghiệp cần có sự phối hợp để hỗ trợ ổn định cho người lao động chỗ ăn, chỗ ở.
Thứ hai, cần tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ cho người lao động để họ an tâm, vững lòng ở lại.
Thứ ba, cần thực hiện các chính sách đồng bộ, hỗ trợ gia đình của người lao động, ví dụ, hỗ trợ con em họ học tập ổn định.
Thứ tư, thời gian tới, TP.HCM từng bước nới lỏng các hoạt động các hoạt động, cơ sở sản xuất, “mở cửa” để tạo ra việc làm, giữ chân người lao động.
Thứ năm, cần có sự phối hợp giữa các tỉnh/thành khác cùng với chính quyền TP để động viên người lao động quay trở lại.
Trước đó, theo đánh giá của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, khi hết giãn cách xã hội, các doanh nghiệp TP sẽ gặp khó khăn để tìm kiếm, đào tạo nguồn lao động, nhất là vì một lượng lớn người lao động đã trở về quê tránh dịch.
Ông Lê Minh Tấn cho hay, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM rà soát nhu cầu của doanh nghiệp dựa trên từng lĩnh vực, ngành nghề. Qua đó, kết nối với người lao động, đặc biệt quan tâm đến nhóm người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các phòng LĐ-TB-XH cấp quận, huyện và TP.Thủ Đức cập nhật nhu cầu của doanh nghiệp nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, TP.HCM có hơn 4,7 triệu lao động, trong đó, có hơn 3,2 triệu lao động làm công ăn lương. Đồng thời, có 286.336 doanh nghiệp hoạt động và 465.348 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người lao động, hàng triệu người phải nghỉ việc, hoãn việc. Rất đông người lao động đã rời khỏi thị trường, về quê tránh dịch.
TP.HCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và một khu công nghệ cao. Chỉ tính riêng thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP, đã có khoảng 31.000 lao động đã về quê, nhất là trở về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu…
|