(Tổ Quốc) – Thể dục nghệ thuật là bộ môn nhiều tiềm năng tại Việt Nam nhưng chưa phát triển do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, cơ sở vật chất cùng nguồn nhân lực là hai trong số vấn đề được quan tâm.
(Tổ Quốc) – Thể dục nghệ thuật là bộ môn nhiều tiềm năng tại Việt Nam nhưng chưa phát triển do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, cơ sở vật chất cùng nguồn nhân lực là hai trong số vấn đề được quan tâm.
Tại giải Thể dục Nghệ thuật quốc gia năm 2023 diễn ra hồi cuối tháng 11 vừa qua, số đoàn tham dự giải chỉ dừng ở con số 4 gồm TP. HCM I và II, Hà Nội cùng Bình Dương với số lượng VĐV khá khiêm tốn chỉ dừng ở con số hơn 30 VĐV. Từ những con số trên cho thấy, bộ môn này đang thực sự thiếu cả chiều sâu lẫn chiều rộng về cả cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực.
“Thể dục nghệ thuật là môn khó phát triển vì có những đặc thù riêng. VĐV phải có những bộ thảm, sàn tập, dụng cụ, trang phục… dành riêng cho môn. Trình độ HLV cũng phải được đảm bảo để có thể đào tạo được những VĐV tốt nhất. Hiện chúng ta chỉ có một số ít HLV có trình độ như Phùng Lê Thi, Nguyễn Thu Hà… Do vậy, môn Thể dục nghệ thuật gần như chỉ phát triển ở những thành phố lớn, rất khó để phát triển ở các tỉnh nhỏ” – Bà Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật (Liên đoàn Thể dục Việt Nam) lí giải.
Thực tế, môn Thể dục nghệ thuật đòi hỏi khá lớn về mặt cơ sở vật chất khi sàn diễn phải đảm bảo đủ diện tích 12x12m và được làm từ các hạt xốp cứng trên một lớp gỗ dán, dưới được đỡ bởi lò xo hoặc các khối bọt. Ngoài ra, dụng cụ tập luyện, thi đấu của thể dục nghệ thuật gồm dây, vòng, bóng, chùy và lụa cũng có những yêu cầu riêng về mặt chất lượng nhằm đảm bảo tốt nhất cho VĐV.
Bên cạnh đó, việc tuyển chọn, đào tạo lực lượng VĐV trẻ cũng gặp không ít khó khăn. Các VĐV Thể dục nghệ thuật thường được tuyển chọn từ khi còn rất nhỏ và phải trải qua quá trình tập luyện nghiêm khắc rất lâu mới có thể bước ra sàn thi đấu. Bởi Thể dục nghệ thuật không chỉ yêu cầu cao về kĩ thuật, mà còn kết hợp các môn phụ trợ như ba lê, khiêu vũ hay thể dục nhịp điệu.
Đối với các VĐV của bộ môn nghệ thuật này, ngoài tố chất, còn cần có sự kiên trì, nỗ lực tập luyện để có thể đạt được những thành tích cao. Dù vậy, không phải VĐV nào cũng có đủ kiên trì để theo đuổi.
Bà Nguyễn Thu Hà, HLV Thể dục nghệ thuật cho biết: “Để đào tạo được 1 VĐV tham gia thi đấu cần mất ít nhất 4 năm và thường đào tạo từ các lứa VĐV còn rất nhỏ, từ 6 đến 7 tuổi là muộn nhất. Trong thời gian đào tạo sẽ có những khó khăn, yêu cầu cao về kĩ thuật cũng như thể hình. Nên có những VĐV không theo được và chuyển sang hướng khác và chúng tôi sẽ phải đi tuyển quân, đào tạo lại từ đầu. Điều này khiến số lượng VĐV dừng lại ở mức khiêm tốn”.
Đẩy mạnh các giải đấu phong trào
Theo đánh giá của Liên đoàn Thể dục Việt Nam, qua các năm, số lượng VĐV tham dự giải vô địch quốc gia đã có sự tăng trưởng. Điều này cho thấy các định hướng của ngành TDTT và Liên đoàn Thể dục Việt Nam đang mang lại kết quả tích cực.
Tại Đại hội đại biểu Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhiệm kỳ VI (2022-2027) diễn ra vào tháng 12/2022 vừa qua, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề cập là phát triển hệ thống các câu lạc bộ Thể dục, Khiêu vũ thể thao đến tất cả các địa phương trong cả nước, đồng thời cây dựng hệ thống thi đấu quốc gia ổn định, đa dạng, tạo cơ hội hiệu quả giúp các VĐV nâng cao trình độ tập luyện và thi đấu.
Bà Nguyễn Thị Lý cho biết, Liên đoàn Thể dục Việt Nam đang tập trung, đẩy mạnh công tác đào tạo HLV, trong tài Thể dục nghệ thuật. Trong thời gian qua, phía Liên đoàn đã mời các chuyên gia từ Liên đoàn Thể dục thế giới về Việt Nam thực hiện công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng HLV, trọng tài của Việt Nam.
Về công tác tuyển chọn lực lượng, Liên đoàn cũng đã triển khai kế hoạch mở rộng các giải đấu mang tính chất phong trào ở các tỉnh. Thông qua những giải đấu này, các tuyển trạch viên sẽ có thêm cơ hội kiểm tra, tuyển chọn lực lượng VĐV trẻ, chuẩn bị lứa kế cận cho ĐTQG.
Theo ông Nguyễn Trung Thiện, phụ trách môn Thể dục (Cục Thể dục thể thao) cho biết: “Định hướng của Liên đoàn Thể dục Việt Nam là mở rộng phong trào ra các tỉnh và tổ chức các lớp đào tạo với lực lượng HLV là những VĐV chuyên nghiệp đã nghỉ tập”.
Bên cạnh đó, ông Thiện cũng cho biết thêm, phía Liên đoàn sẽ kết hợp đào tạo chung giữa Thể dục nghệ thuật với các môn Thể dục dụng cụ, Aerobic… để tận dụng cơ sở vật chất tương đồng, giảm áp lực cho các địa phương trong việc phát triển phong trào.