IBM nhận định, tại Việt Nam, Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) sẽ thúc đẩy hiệu suất cho các ngành chủ lực như ngân hàng, sản xuất, bán lẻ và và nông nghiệp.
Cập nhật các xu hướng công nghệ 2024, IBM nhấn mạnh, AI tiếp tục là chủ đề nóng khi “các doanh nghiệp chuyển từ “bổ sung thêm AI” sang “AI là ưu tiên hàng đầu” được xếp là xu hướng số 1.
Khảo sát của hãng này cho thấy, 75% CEO đều tin rằng AI tạo sinh sẽ giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Đánh giá AI là một trong những công nghệ mang tính bước ngoặt bậc nhất của thời đại, IBM dự báo, trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mức giá trị ấn tượng, lên đến 16 nghìn tỷ USD Mỹ vào năm 2030, góp phần thúc đẩy sự phát triển và giải quyết các thách thức cấp thiết liên quan đến vấn đề sức khỏe, sản xuất, thực phẩm, và biến đổi khí hậu.
Dẫn báo cáo Financial Services State of the Nation Survey 2023, IBM cho biết, Việt Nam dẫn đầu trong mối quan tâm đến AI tạo sinh, với 91% thể hiện sự nhiệt tình, cao nhất trong số các thị trường được khảo sát.
Bà Phạm Thị Thu Diệp – Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ và ông Nguyễn Tuấn Khang – Giám đốc khối phần mềm của IBM Việt Nam chia sẻ về những xu hướng công nghệ năm 2024
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Khang – Giám đốc khối phần mềm của IBM Việt Nam cho biết: “Trước đây các doanh nghiệp còn e dè, có nên dùng AI hay không, như chatbot nhiều doanh nghiệp cũng chưa dùng. Nhưng bây giờ thì không thể không dùng. Trong các cuộc gặp gỡ, các doanh nghiệp không hỏi AI là gì, có nên dùng hay không nữa mà hỏi sẽ làm gì và làm như thế nào”.
Cũng theo ông Khang, Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm thứ hai liên tiếp. Trong khi tỷ lệ áp dụng thanh toán số ở Đông Nam Á đã đạt 50% thì Việt Nam cũng đang áp dụng thanh toán số và là quốc gia phát triển nhanh nhất, tăng trưởng 19% vào năm 2022 và 2023. Cùng với sự phát triển này quy mô cho sự đầu tư cho AI cũng có sự phát triển ở Việt Nam.
“Theo thống kê 57% doanh nghiệp ở Việt Nam lo lắng về vấn đề an ninh bảo mật của dữ liệu. Trong đó có 45% lo lắng về tính riêng tư của dữ liệu. 61% các nhà lãnh đạo cho rằng các doanh nghiệp phải xây dựng được bản đồ dữ liệu cho doanh nghiệp của mình, để biết dữ liệu có nguồn gốc từ đâu ra, quan hệ các dữ liệu như thế nào. Mặc dù có nhiều rào cản như vậy nhưng người đứng đầu các doanh nghiệp vẫn khẳng định “chạy vẫn phải chạy”. Có 61% vẫn cho rằng, chúng ta vẫn phải phát triển AI, phát triển data (dữ liệu)”, ông Khang nói thêm.
Trả lời về các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng AI hiện nay, bà Phạm Thị Thu Diệp – Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ của IBM Việt Nam cho biết, hiện khoảng 70% khách hành của IBM hiện nay thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, fintech… Khoảng 30% đang được mở rộng ở mảng sản xuất và logistic.
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang đẩy mạnh ứng dụng AI trong nghiệp vụ
“Với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng, AI được quan tâm đầu tư nhiều hơn bởi phần quản lý khách hàng rất rộng. Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng nhiều cho mảng dịch vụ khách hàng như thay thế call center hay định hướng sản phẩm, cung cấp thông tin cho con người ra quyết định.Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi cũng hợp tác với hệ sinh thái của mình để cung cấp giải pháp ở độ rộng rãi hơn”.
Nói về chi phí đầu tư cho phát triển trí tuệ nhân tạo, vốn được coi là rào cản với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đại diện IBM cho biết, đầu tư cho AI thường khá tốn kém nhất là với những mô hình quy mô lớn, đòi hỏi sự tham gia của các công ty lớn. Tuy nhiên, khác với việc xây dựng “mô hình cơ sở” với chi phí rất cao, những module được phát triển dựa trên mô hình cơ sở cũng không phải quá “đắt”.
“Một module rất cơ bản như phân loại tài liệu hoặc tóm tắt văn bản thì không đòi hỏi phức tạp, thời gian phát triển độ 1, 2 tuần. Những module này có thể ứng dụng cho những tác vụ cụ thể ở nhiều doanh nghiệp và hoàn toàn có thể do những công ty fintech nhỏ tự làm được”, bà Diệp cho biết.
Ngoài xu hướng về doanh nghiệp coi AI là “ưu tiên hàng đầu”, IBM cũng cập nhật thêm các xu hướng khác là nhân lực có thể làm việc cùng AI sẽ thay thế nhân lực không có khả năng hợp tác với AI; dữ liệu không còn là vấn đề của khối công nghệ thông tin mà còn ảnh hưởng tới việc điều hành của các cấp lãnh đạo; xây dựng mô hình hoạt động cần linh hoạt để trụ vững; hệ sinh thái không chỉ là một phần của chiến lược mà chính là chiến lược.
Nguồn: vtv.vn