(Tổ Quốc) – Chiều nay (21/12), tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tìm giải pháp để thể thao Việt Nam hiện thực hoá khát vọng châu lục, thế giới
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến chỉ đạo về việc tổng kết Nghị quyết 08 của BCH Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2030.
Sau khi có kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL khẩn trương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để hoàn thiện việc xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục TDTT nghiêm túc tiếp thu để xây dựng hoàn thiện dự thảo Chiến lược.
Bộ cũng đã yêu cầu Cục TDTT tập trung huy động tất cả các nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, về đích trước thời hạn. Từ đó sẽ đánh giá lại một cách toàn diện về sự phát triển của thể thao cho mọi người cũng như thể thao thành tích cao.
Trong đó có việc tìm kiếm giải pháp huy động các nguồn lực, xem xét nhiều góc độ để tập trung thực hiện Chiến lược một cách bài bản, khoa học nhằm góp phần cải thiện thành tích của thể thao thành tích cao trên đấu trường quốc tế.
Để chuẩn bị cho Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đã dành 2 buổi làm việc với Cục TDTT và các đơn vị liên quan để rà soát về công tác chuẩn bị.
“Nhấn mạnh ý nghĩa của Hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp để nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, hiện thực hoá khát vọng vươn tới đấu trường châu lục và thế giới, đáp ứng được lòng mong mỏi của người hâm mộ” – Bộ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ có những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm định vị được vị trí của thể thao Việt Nam trên bản đồ của thể thao đỉnh cao châu lục. Nhìn từ thực tiễn, Thể thao Việt Nam có thuận lợi, khó khăn gì để vươn tới tầm châu lục và thế giới.
Đây là bài toán không đơn giản và mong muốn từ nhận thức, đến hành động, toàn ngành hãy phát huy được hết sức mạnh trong bối cảnh nguồn lực còn khiêm tốn.
Bộ trưởng cũng cho biết, những ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu một cách đầy đủ nhất và sẽ được chắt lọc để ngành hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Chiến lược trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Tôi mong muốn Hội nghị sẽ diễn ra thực chất, hiệu quả để thực sự tìm ra các giải pháp thiết thực, qua đó góp sức để kiến tạo đưa thể thao Việt Nam đạt thành tích như kỳ vọng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Để biến giấc mơ thành sự thật thì điều đầu tiên là phải thức dậy
Qua ghi nhận 11 ý kiến (trong đó có 5 ý kiến trình bày trực tiếp tại Hội nghị), phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trước hết phải thống nhất quan điểm, giải bài toán thể thao thành tích cao không thể chỉ qua hội nghị này có thể xoay chuyển được tình hình. Bởi, mọi công việc phải có lộ trình, bước đi, nguồn lực và cách tổ chức.
Bộ trưởng cho biết, các ý kiến đều đồng tình về đánh giá và 6 nhóm nhiệm vụ của thể thao thành tích cao mà Cục TDTT đã trình bày trên cơ sở tiếp thu các ý kiến từ chuyên gia, cơ sở và thực tiễn khi nhìn từ SEA Games đến đấu trường Asiad.
“Không chỉ nhìn nhận được thành tích, mà các ý kiến tại hội nghị đã thẳng thắn phân tích có chiều sâu, sự phê bình rất quý báu cho ngành Thể thao” – Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, qua hội nghị đã giúp chúng ta thấy được những tồn tại đã nhiều năm chưa được giải quyết căn cơ, bài bản.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên, theo Bộ trưởng đó là việc ứng dụng các đề tài khoa học vào thể thao thời gian qua vẫn chưa được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn. “Chúng ta đã có những đề tài khoa học về thể thao chứ không phải không có, vấn đề là chúng ta ứng dụng nó như thế nào, việc này là điều rất đáng suy nghĩ” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề nguồn lực, dẫn chứng từ việc năm 2023, Nhà nước chi cho thể thao thành tích cao là 710 tỷ đồng, Bộ trưởng khẳng định đây là số tiền lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho ngành. Nếu so sánh với quốc gia trong khu vực, không ai có thể nói là chúng ta không quan tâm đầu tư cho thể thao, vấn đề là sử dụng nó như thế nào, phân bổ nguồn lực, tập trung mũi nhọn, chọn trọng tâm trọng điểm như thế nào? – đây là bài toán chúng ta phải thấy rõ.
“Chính vì vậy, sự phê bình đáng trân quý này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Bộ rất trân trọng tiếp thu những ý kiến xác đáng. Qua đây tôi cũng đề nghị những người làm ngành Thể thao nghiêm túc nhìn lại mình để có một quyết tâm, nỗ lực mới hướng đến những mục tiêu tốt hơn, cao hơn ” – Bộ trưởng một lần nữa khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, qua Hội nghị này, điều quan trọng là chúng ta đã có những ý kiến bàn sâu hơn để có một nhận thức đúng hơn. Bởi, nếu như nhận thức còn chệch choạc, chưa đồng bộ, thấu đáo thì hành động sẽ không bao giờ đúng. Chúng ta có những ước mơ lớn nhưng để biến giấc mơ thành sự thật thì điều đầu tiên là phải thức dậy, đó là quy luật.
“Đã đến lúc ngành Thể thao phải khơi gợi lại ý thức và lòng tự hào” nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cho rằng, điều quan trọng là chúng ta phải có niềm tin, khát vọng chiến thắng, từ đó mới có thể lấy ít địch nhiều, lấy yếu để thắng mạnh, phân tích điểm yếu của đối thủ.
Theo Bộ trưởng, những người làm quản lý, các HLV phải gieo cho các VĐV ước mơ, khát vọng màu cờ sắc áo Việt Nam, chiến thắng tâm lý “sợ hãi”, không bao giờ được chùn chân mỏi gối đúng như lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bức thư gửi đến các bộ toàn ngành VHTTDLtại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến ngành Văn hóa năm 2023.
“Đặc biệt, chúng ta không bao giờ được đổ lỗi cho cơ chế chỉ vì một chút nản lòng, không đạt được thành tích như mong muốn. Ngành Thể thao không được có câu chuyện này” – Bộ trưởng yêu cầu. Ngoài ra, đối với vấn đề nguồn lực đầu tư cho các trung tâm, Bộ trưởng đề nghị cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
“Đúng vai, thuộc bài” để tạo thành sức mạnh tổng hợp cho ngành Thể thao
Về vấn đề HLV, nhấn mạnh tinh thần muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh với các cơ chế đãi ngộ để tìm kiếm các HLV giỏi, ngược lại chúng ta cũng phải đề ra những chỉ tiêu, cam kết cụ thể khi ký hợp đồng với họ. Bên cạnh đó, ngành Thể thao cần tận dụng thế mạnh trong công tác hợp tác quốc tế của ngành đã được khẳng định trong thời gian qua để qua đó tìm kiếm thêm các nguồn lực trong đào tạo VĐV trong nước.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Hội nghị này mới chỉ bước mở đầu để tiếp thu, lắng nghe các ý kiến chuyên gia, cơ sở để sớm tham mưu trình Bộ, sớm trình Chính phủ ban hành Quy hoạch về thể thao cấp quốc gia, trên cơ sở đó hoàn chỉnh lại chiến lược.
Theo Bộ trưởng, mô hình tổ chức mỗi giai đoạn có thể khác nhau và điều cần làm là ngành Thể thao phải thích nghi để triển khai nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.
Theo đó, cần tập trung chấn chỉnh về công tác đào tạo, được tính toán từ cấp tỉnh, cấp ngành, chú ý quy trình tuyển chọn, đào tạo mang tính hệ thống.
“Trước đây, chúng ta vẫn thường lựa chọn VĐV thành tích cao thông qua thể thao phong trào, liệu điều đó bây giờ có còn phù hợp nữa hay không? Hay như ý kiến tại Hội nghị mà tôi vừa nghe đó là chúng ta có thể ứng dụng khoa học, phải chăng đó là gen, IQ?. Những người làm quản lý về thể thao cần phải nghiên cứu trả lời được câu hỏi này” – Bộ trưởng đặt vấn đề và cho rằng, yếu tố con người chính là nền tảng để chúng ta xây dựng khát vọng Olympic.
Đồng thời, cần tập trung rà soát cơ sở vật chất, xác định thế mạnh của từng trung tâm, từng tỉnh để bố trí sắp xếp các đội tuyển tập luyện một cách phù hợp.
“Chúng ta có trong tay Viện khoa học thể dục thể thao với chức năng nghiên cứu cơ bản, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Thể dục thể thao. Phải phát huy các chuyên gia ở Viện này để tham mưu giúp Bộ quản lý trong lĩnh vực Thể thao dựa trên phương pháp, luận cứ khoa học” – Bộ trưởng nêu rõ.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã trao Bằng khen của Uỷ ban Olympic Việt Nam cho các tấm HCV tại Asian Games 19 của Đoàn Thể thao Việt Nam. Bộ trưởng cũng trao phần quà hỗ trợ cho gia đình VĐV Nguyễn Minh Triết (Thể dục dụng cụ) bị chấn thương nặng trong lúc tập luyện và đang điều trị tại bệnh viện.
Giải pháp thứ ba, Bộ trưởng cho rằng phải chọn được các môn thể thao trọng điểm để tính các VĐV trọng điểm, từ đó chọn nơi đào tạo với tinh thần từ sớm, từ xa. Rà soát lại các quy trình để không được giàn trải, tính toán kỹ lưỡng khả năng giành huy chương. Đây là giải pháp trọng tâm, đột phá.
Quan trọng hơn, phải đề cao trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài” để tạo thành sức mạnh tổng hợp cho ngành Thể thao. Riêng các trung tâm huấn luyện phải chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật, khắc phục triệt để những yếu kém hạn chế trong thời gian qua.
Về vấn đề thể chế, Bộ trưởng giao Cục TDTT tiếp tục rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện điểm nghẽn, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền. Nếu trong thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ sửa ngay. Nếu vượt thẩm quyền lãnh đạo Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, hoặc trình cấp có thẩm quyền sớm tháo gỡ cho ngành. Về việc này, Bộ trưởng khẳng định đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ tiến hành ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Theo Bộ trưởng, Hội nghị dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã mở ra được nhiều điều, giúp cho ngành Thể thao có thêm nhận thức, thêm trách nhiệm. “Lãnh đạo Cục TDTT phải thay đổi nhận thức chuyển từ quản lý Thể thao sang quản trị Thể thao. Sau Hội nghị, Cục cần hoàn thiện chiến lược, xây dựng kế hoạch ngắn hạn trong việc tổ chức thực hiện để nâng tầm Asiad, hướng đến Olympic. Tiếp đến là Chiến lược thể thao thành tích cao cho 2 bộ môn điền kinh và bóng đá” – Bộ trưởng yêu cầu./.
Đã đến lúc Thể thao Việt Nam tiếp tục cần có sự nhìn nhận mới
Báo cáo chung về thực trạng thành tích thể thao, nguồn lực VĐV; định hướng phát triển thể thao thành tích cao từ năm 2024-2030 và định hướng lựa chọn các môn thể thao trọng điểm, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, Thể thao Việt Nam, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao đã có sự tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á và bước đầu tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển thể thao thành tích cao của nước ta so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần đổi mới tư duy và cách làm thể thao thành tích cao.
Thực tiễn qua kỳ Olympic 2020, Asian Games 2018 và 2022 gần đây cũng chỉ ra rằng đã đến lúc Thể thao Việt Nam tiếp tục cần có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao và nếu chúng ta không thay đổi cách đầu tư thì rất khó hướng tới Asian Games (ASIAD) và Olympic trong giai đoạn tới.
Báo cáo do Cục trưởng Đặng Hà Việt trình bày cũng nêu rõ 6 nhiệm vụ và các nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện như nhóm giải pháp về xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao từ việc tuyển chọn, xác định VĐV; xác định phương thức đào tạo VĐV; xác định địa bàn đào tạo VĐV; lực lượng cán bộ, HLV và xác định giải pháp chuyên môn cho từng môn thể thao. Tiếp đến là nhóm giải pháp nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo; giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ, chăm sóc y tế, hồi phục và chế độ dinh dưỡng cho VĐV; nhóm giải pháp xã hội hóa thể thao thành tích cao; nhóm giải pháp bảo đảm nguồn lực tài chính…