Sunday, November 24, 2024

Việt Nam là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa

(Tạp chí Du lịch) – Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo đánh giá về kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; định hướng và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Giai đoạn 2018 – 2022 đóng góp ước đạt 1.059 triệu tỷ đồng

Việt Nam là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cho biết, trong chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chiến lược 1755), với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật. Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm triển khai Chiến lược 1755, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Giai đoạn 2018 – 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7-2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.

So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng ngành công nghiệp văn hóa đã có những đóng góp tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, làm thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã đóng góp vào công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian. Điều này góp phần xác định mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam cũng có đóng góp tích cực vào bảo vệ phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO. Việt Nam cũng lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023 sau các năm 2019, 2020, 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa – một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa đối với cộng đồng quốc tế. Những kết quả nổi bật nêu trên có được từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai nhiệm vụ của các bộ, ngành địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược 1755.

Việt Nam là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa

Vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra. Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa. Thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện. Nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu và yếu; chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích, thu hút nhân lực vào lĩnh vực này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, hiện chưa có chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thống kê về ngành công nghiệp văn hóa chỉ ở mức báo cáo phục vụ công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan; chưa thực hiện toàn diện và đầy đủ, kéo theo chưa đề xuất được giải pháp phát triển kịp thời và sát thực tế. Nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có. Một số bộ phận doanh nghiệp và nhân dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, tác động trực tiếp đến những người làm sáng tạo, gây cản trở cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ.

Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, khó khăn được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ ra, là do ngành công nghiệp văn hóa có phạm trù lớn, nhiều lĩnh vực chưa được cụ thể hóa, nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia quản lý, do vậy chưa có giải pháp phát triển tổng thể. Các ngành công nghiệp văn hóa dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài; nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa chưa đưa vào được hết các giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm…

Việt Nam là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa

Định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới

Thông qua báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số mục tiêu trọng tâm nhằm tìm ra những giải pháp, sáng kiến để thúc đẩy nhanh sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo hướng hiệu quả, bền vững và hội nhập. Theo đó, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền. Nâng cao giá trị của các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thế sẵn có của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước.

Về giải pháp phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, khơi thông nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Phát triển công nghiệp và dịch vụ văn hóa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị, thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới; thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…”.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cần tập trung xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các trường, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác với các đối tác quốc tế. Bổ sung chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thường xuyên, chủ động phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Gia Khôi

 

 

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img