Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ thúc đẩy sử dụng trí tuệ nhân tạo để đối phó với thông tin sai lệch qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ triển khai hệ thống phát hiện các thông tin sai lệch lan truyền trên Internet và các trang mạng xã hội dựa trên trí tuệ nhân tạo AI, đồng thời sẽ tổng hợp để phân tích ý định của người gửi và tác động của thông tin đến người nhận. Hệ thống này cũng được sử dụng để lưu giữ các thông tin quan trọng về an ninh kinh tế, đánh giá nguy cơ rò rỉ các thông tin nhạy cảm về chất bán dẫn và các công nghệ liên quan đến quốc phòng có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng sẽ nghiên cứu kết nối AI tạo sinh – AI có thể tạo ra nội dung/dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có, với dữ liệu lớn Big Data để phân tích các kịch bản về tình hình quốc tế.
Để triển khai hệ thống này, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đề xuất tăng ngân sách cho công tác phòng chống thông tin sai lệch lên 920 triệu Yen (khoảng 6,5 triệu USD) trong ngân sách năm 2024, gấp hơn 4 lần so với ngân sách của năm 2023.
Thông tin sai lệch có thể gây ra các tác động lớn, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các thông tin sai lệch về lãnh thổ hay các tin đồn về nước thải đã qua xử lý tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima gần đây có thể gây ra các vấn đề ngoại giao. Ngoài Nhật Bản, hiện nhiều nước khác cũng đang thực hiện các biện pháp để ngăn chặn thông tin sai lệch trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
Nguồn: vtv.vn