Môi trường kinh doanh hiện nay đã vượt lên trên tiêu chí lợi nhuận và dòng tiền.
Thế giới đặt ra “tiêu chuẩn” mới cho xung lực tăng trưởng, như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng cân bằng có trách nhiệm.
TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội chia sẻ với DĐDN về những xung lực mới trong cải cách môi trường kinh doanh.
– Theo ông đâu là những xung lực mới trong tiến trình cải cách môi trường kinh doanh, thể chế để góp phần “giữ lửa” cho động lực tăng trưởng trong năm 2024?
Nhìn lại những xung lực cũ, như Nghị Quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nếu làm tốt thì đây đã là một sự đảm bảo hiệu quả cho việc cải cách thể chế, môi trường kinh doanh cho năm 2024.
Những “điểm nghẽn” trong môi trường kinh doanh thời gian qua, như phòng cháy chữa cháy, phát triển năng lượng mới, tiếp cận về vốn, đất đai… đã được phát hiện và đặt ra từ năm 2014.
Câu chuyện phía sau rà soát thì lại ít được quan tâm, đó là “ngoài sân trải thảm nhưng trong nhà lại gài đinh”, doanh nghiệp chỉ cảm nhận được sự thông thoáng khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp, còn đến khâu tiếp cận để khởi sự kinh doanh như đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng… thì bị vướng rất nhiều rào cản.
Về năng lực cạnh tranh, có những lĩnh vực “ta tự vượt ta”, đơn cử Việt Nam được đánh giá đứng thứ hai ASEAN về tiếp cận internet nhưng ứng dụng số và sử dụng công nghệ số còn thua kém các nước ở cả khu vực người dân và doanh nghiệp.
Như vậy, xung lực mới phải đến từ chuyển đổi số, kinh tế số, chính phủ số. Đây là điểm mấu chốt để chúng ta thay đổi thể chế và môi trường kinh doanh. Chỉ bằng “con đường” không giấy tờ, không tiếp xúc cán bộ công chức mới minh bạch, công khai, đặc biệt để “chống lại” tham nhũng và chi phí ngầm.
Bên cạnh đó, điểm yếu của chúng ta là đảm bảo quyền tài sản, tự chủ kinh doanh, công bằng…
Điều này không chỉ liên quan đến thực thi chính sách, mà còn đòi hỏi pháp luật phải được tôn trọng và nghiêm minh, thực hiện bằng hệ thống tư pháp hiệu lực, hiệu quả, có khả năng phán quyết bằng tư pháp.
Thực tế, ngành tư pháp đang đi sau các lĩnh vực khác trong cải cách, nếu không có sự bứt phá sẽ tạo cản trở cho kinh tế đối ngoại và đối nội trong cạnh tranh quốc tế.
Thế giới đang đòi hỏi một môi trường kinh doanh có trách nhiệm, công bằng, thân thiện… trong một môi trường kinh doanh mới. Vấn đề không chỉ là lợi nhuận và dòng tiền. Chúng ta đang “luẩn quẩn” với thanh khoản, dòng tiền, lợi nhuận, nâng cao năng suất…
Môi trường kinh doanh hiện nay đã vượt lên trên các tiêu chí này. Thế giới đang đặt ra “tiêu chuẩn” mới về môi trường kinh doanh, như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng cân bằng có trách nhiệm.
Trong bối cảnh đó, các chính sách của Chính phủ đòi hỏi phải rõ ràng, dự báo trước, tiên liệu rủi ro, đánh giá được các chi phí và lợi ích để các chính sách được ban hành thực sự chắc chắn, phổ quát.
– Lâu nay, chúng ta dựa vào bộ máy hành chính, chủ yếu là các bộ, ngành để thực hiện cải cách như vậy sẽ khó thực chất, ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Nếu cho rằng cơ quan thực hiện cải cách chỉ là cơ quan hành chính thì chưa hẳn đã đúng. Ở góc độ nào đó, tất cả các bên liên quan đều đã và đang tham gia vào quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nói chung, nâng cao môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh nói riêng.
Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023… đã cho thấy có rất nhiều bên liên quan phải chịu trách nhiệm trong việc thực hiện, không chỉ có cơ quan hành chính nhà nước mà bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình cải cách.
Tuy nhiên, Nghị quyết do Chính phủ ban hành nên về cơ bản vẫn tập trung trong cơ quan hành chính, và chúng ta đang nhìn nhận Nhà nước thực hiện.
– Vậy theo ông các sáng kiến và cải cách cần được thực hiện như thế nào?
Chúng ta phải thay đổi vai trò làm luật, không nên phụ thuộc vào dự thảo luật do cơ quan hành chính Nhà nước ban hành. Cụ thể, vai trò các Uỷ ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần nâng cao hơn, không chỉ phản biện hay giám sát luật. Chức năng làm luật của các Uỷ ban Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần tham gia ngày từ khâu dự thảo.
Ngoài ra, cũng cần nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp, như toà án, viện kiểm sát tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, có ý kiến phản biện văn bản luật pháp để quá trình thực thi luật pháp thống nhất với quá trình giải thích luật, bảo vệ pháp luật…
– Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn