Mặc dù Bình Thuận đã có chỉ đạo kiên quyết, yêu cầu địa phương kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở H.Hàm Tân vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận.
Theo đó, tại H.Hàm Tân vẫn còn nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép, diễn ra trên phạm vi rộng, kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa xử lý triệt để khiến dư luận bức xúc. Trong khi đó, việc xử lý của cơ quan chức năng còn chậm và thiếu kiên quyết.
Cụ thể, chỉ tính riêng tại xã Sơn Mỹ, cá nhân ông Trần Văn Th đã khai thác trái phép với diện tích 5,44 ha, trong đó diện tích đất do ông này đứng tên là 2,28 ha, em vợ ông này đứng tên 1,6 ha.
Tại thôn 3, xã Sơn Mỹ có công ty do ông Trần Văn Th. làm chủ, tự ý chuyển mục đích đất nông nghiệp sang làm bãi chứa khoáng sản, thực chất là để tập kết cát trái phép. Riêng thửa đất số 250 (tờ bản đồ số 3) của ông Trần Văn Th. có diện tích 1,48 ha đã khai thác sâu khoảng 2m, khối lượng cát khai thác trái phép khoảng 22.000 m3.
Tại thửa đất số 478 (tờ bản đồ số 6) do chủ đất N.T sở hữu, ông Trần Văn Th. đã khai thác khoảng 7.000 m2, độ sâu khoảng 1,5 m.
Riêng cá nhân ông Nguyễn Hữu C. (xã Sơn Mỹ) đã khai thác cát trái phép trên diện tích 6,25 ha (người khác đứng tên chủ đất). Ông C. cũng tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp để thành lập nhiều bãi chứa vật liệu, thực chất là nơi tập kết khoáng sản trái phép.
Xử phạt cho có
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn tại cuộc họp do Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đăng chủ trì, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chính quyền địa phương đã mời các chủ đất bị khai thác trái phép lên làm việc thì họ nói đi chữa bệnh, đi làm ăn nơi khác nên không biết diện tích đất mình đứng tên bị khai thác cát trái phép là bao nhiêu.
Riêng trường hợp ông Trần Văn Th., khi được UBND xã Sơn Mỹ mời lên làm việc, ông này không hợp tác và không đến theo giấy mời nhưng chính quyền địa phương chưa tìm ra biện pháp xử lý .
Các cơ quan chuyên môn của tỉnh còn phát hiện, trong năm 2023, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 2 hồ sơ vi phạm là Công ty TNHH P.N do vợ ông Trần Văn Th. làm giám đốc và một vụ khác do em vợ ông Trần Văn Th. trực tiếp khai thác, hiện công an đang điều tra.
Đối với bãi cát của ông Nguyễn Hữu C. (gần khu vực khai thác trái phép), khi bị kiểm tra thì ông này trình ra hóa đơn để đối phó. Cơ quan chức năng cho rằng, có dấu hiệu dùng hóa đơn để hợp thức hóa số lượng khoáng sản trái phép.
Như vậy, chỉ tính riêng 2 trường hợp trên đã khai thác cát trái phép trên diện tích khoảng 11,6 ha ở xã Sơn Mỹ. Tuy nhiên, tính từ năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh và cả H.Hàm Tân mới xử phạt được 4 trường hợp vi phạm hành chính về khai thác khoáng sản trái phép, mức phạt cao nhất 35 triệu đồng. Có vụ chỉ phạt “cho có” là 2 triệu đồng, trong khi hiện trường khai thác khoáng sản trái phép quy mô rất lớn.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu cơ quan chức năng và H.Hàm Tân buộc công ty của ông Nguyễn Hữu C. phải trả lại hiện trạng đất ban đầu ở 2 bãi chứa khoáng sản trái phép.
Hiện nay, nhiều khu vực khai thác khoáng sản trái phép đã tạm ngưng nhưng UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu vẫn phải kiểm soát quyết liệt, đặc biệt phải rà soát lại các quyết định đã xử phạt hành chính, giao công an điều tra, kể cả nơi tiêu thụ khoáng sản trái phép và địa bàn giáp ranh giữa H.Hàm Tâm với các địa phương của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nguồn: thanhnien.vn