Friday, January 3, 2025

Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Giao hòa – từ cung đình đến cổng chùa

Khi ngoài phố xá đang rộn ràng tết nhất, thì trong cung đình, tết cũng có những nghi lễ trang trọng mà nhà vua – thiên tử là trung tâm các cuộc lễ. Cha cố Giovanni Filippo de Marini thuật lại khá chi tiết trong bản báo cáo Sứ mệnh của những nhà truyền giáo Dòng Tên tại Nhật Bản, đặc biệt là nhiệm vụ tại Đàng Ngoài.

 

DƯỚI BÓNG LONG BÀO LỘNG LẪY

Ba tiếng đại bác vang lên khắp kinh thành vào sáng đầu năm. Nhà vua cởi long bào cũ và tắm gội thanh tẩy, khoác lên mình chiếc long bào mới, dung mạo phong thái đầy quyền uy. Vua được kiệu đến chính điện, nơi các hoàng thân quốc thích đang chờ diện kiến. Từ trên ngai vàng, ngài nhận những lời chúc năm mới, thứ tự là các hoàng tử, tùy theo cấp bậc là quan văn, quan võ. Rồi vua tiến về hậu cung để nhận lời chúc từ hoàng hậu và các phi tần. Cha cố Giovanni Filippo de Marini thuật lại như vậy về ngày đầu năm trong cung đình (có thể đã bỏ qua hoặc diễn nôm một số nghi lễ truyền thống nguyên đán trong cung đình phong kiến Việt Nam thời kỳ này).

Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Giao hòa - từ cung đình đến cổng chùa

Một buổi thiết triều của vua Lê ở Đàng Ngoài

Theo ông, đó là những nghi lễ thiêng liêng nhất dành tất cả sự tôn kính cho nhà vua, người đứng đầu một nước, dù trong hoàn cảnh quyền lực có thể bị can thiệp bởi một thế lực khác. Trong sáng đầu năm, qua một viên quan, nhà vua gửi lời chúc mừng năm mới đến chúa Trịnh (lúc này, Đàng Ngoài đang trong thời vua Lê, chúa Trịnh) và tới các viên quan tham dự buổi rước lớn.

Buổi lễ tế trời đất vào đầu năm được mô tả đầy uy nghiêm, trọng thể: “Khi mặt trời vừa lên, vua bắt đầu rời cung trên một chiếc kiệu vàng năm chục người khiêng. Nhà vua khoác trên mình một bộ long bào với những chi tiết đẹp chưa từng thấy, chói sáng cả một vùng. Đoàn quân theo sau, thuộc đủ mọi cấp bậc cũng rất đông đảo. Có thể thấy ở đây những bộ quan phục quyền quý, đẹp chưa từng thấy trong năm. Các quan tháp tùng vua ăn vận quyền quý, cưỡi trên mình voi, phủ những bộ áo choàng đẹp nhất. Những người cưỡi ngựa cũng ăn vận đẹp không kém gì đội cưỡi voi. Đội quân theo sau được trang bị vũ khí, mặc quân phục và đeo phù hiệu bằng lụa và nhung đủ màu sắc tạo một cảnh tượng tuyệt đẹp. Vũ khí trên tay họ được lau chùi bóng lộn, được trang trí bằng vàng bạc sáng lấp lánh, khiến nhà vua được bao quanh bởi vòm ánh sáng lộng lẫy”, cha Marini thuật lại (Trích lược từ cuốn Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam, Mario Sica biên soạn, Nhã Nam – NXB Thế giới, 2013).

Dù thực lực dưới tay chúa Trịnh, nhưng theo nghi thức thời bấy giờ được mô tả, thì nghi lễ tế trời và đất vẫn cho vua cử hành, cầu một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. “Nếu ngày đầu năm mới mà có mưa lớn thì được coi là điềm lành; nếu như mưa trong suốt thời gian làm lễ ngoài trời, khiến mọi người bị ướt nhiều sẽ càng nhận được nhiều điều tốt lành, bởi họ tin nước sẽ đem lại sự phì nhiêu cho đất đai của người đó, cũng như may mắn trong suốt cả năm”, theo Giovanni Filippo de Marini.

Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Giao hòa - từ cung đình đến cổng chùa

Chùa hay đền của người Đàng Ngoài

Mọi người sẽ vỗ tay reo hò nếu vua vừa rời cung mà trời đổ mưa lớn. Vua cũng sẽ ra dấu hiệu tiệc tùng vui vẻ khi mưa mang đến điềm lành, cho thấy thuận ý trời.

MỘT DỊP ĐỂ GIAO HÒA

Ngày xuân, người ta đến chùa cũng là để tìm sự thanh tịnh và cầu mong điều tốt lành cho một năm. Trong mắt một giáo sĩ, người đi chùa ngày tết ở Đàng Ngoài đa số cầu khấn, với “đồ cúng bái nhiều và phong phú còn hơn cả số tiền công đức để giúp đỡ các tăng ni”.

Những nghi thức từ cung đình đến trong dân chúng trong dịp tết cũng hướng tới lối tư duy nối kết, giao hòa thiên – địa – nhân, vốn là triết lý phổ quát của phương Đông.

Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Giao hòa - từ cung đình đến cổng chùa

Bàn thờ tổ tiên ở nhà Tổng đốc Hoàng Trọng Phu của tỉnh Hà Đông vào dịp tết, năm 1915

Trong tương quan con người với nhau, ngày tết là dịp để bỏ qua những vướng mắc và mâu thuẫn. “Đó là lý do mang đến sự bình an cho khắp vương quốc và sự bình yên trong các gia đình. Họ tận dụng năm mới như là cơ hội để chấm dứt thù hằn, ai vẫn còn những lời lẽ gay gắt hay thù hằn với người khác thì trong ngày cuối cùng của năm cũ, trước khi bắt đầu năm mới, họ tìm cách hòa giải với đối phương và cả hai đều làm lành. Người ta sẽ thấy không có ai trong ba ngày đầu tiên cau mày, nhăn mặt, hay miệt thị nhau bằng lời nói hay những cách khác; cũng bởi sự lo sợ rằng “kẻ nào không đón năm mới một cách tốt đẹp thì cả năm sẽ chẳng ra gì””, giáo sĩ người Ý viết.

Thế nên, khi mô tả các trò chơi trong lễ hội đầu năm mới, cha cố Giovanni Filippo de Marini cho thấy chúng đều có tính giao lưu cộng đồng, từ thi nấu cơm, thi chạy, ném lao, bắn tên, đấu kiếm gỗ cho đến đánh đu…

Một nghi lễ khác mà Giovanni Filippo de Marini ghi lại, đó chính là lễ chiêm bái các vị tiền hiền và anh hùng có công với nước vào đầu năm. “Trước hôm tổ chức đám rước long trọng của các nhà sư, một đội lính được điều đến đóng gần đó. Người ta chuẩn bị bàn thờ tại nhiều vị trí khác nhau để vinh danh các vị đại tướng đã hy sinh anh dũng trong các cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ…”.

Những con vật béo và đẹp được chọn để cúng tế. Vua cùng các vị sư cử hành nghi thức thiêng liêng trước một bàn thờ nghi ngút khói hương. Nhà vua thành kính vái lạy, cầu xin các anh linh bảo trợ đất nước được thái bình thịnh trị. “Khi những lời khấn nguyện chấm dứt, người ta có thể nghe thấy tiếng nổ vang của dàn pháo binh; cùng lúc đó đội lính đồng loạt bắn súng hỏa mai, nhanh tới mức bắn ba lần mà tưởng như chỉ một phát đạn duy nhất. Họ nói làm như thế để khiến toàn bộ kẻ thù phải khiếp sợ tiếng sấm rền vang, khiến chúng cân nhắc trước khi có ý định xâm phạm lãnh thổ nơi đây”, cha Marini viết. (còn tiếp)

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img