Những ngày tết đại gia đình sum họp, anh em, bạn bè quây quần bên nhau, đó cũng là dịp trẻ con có thời gian vui chơi bên nhau. Điều này thường đồng nghĩa với tranh giành, tranh cãi và không thể thiếu tiếng… khóc, thậm chí tiếng khóc ăn vạ của những đứa trẻ được nuông chiều.
Không chỉ riêng dịp tết, khi trẻ cùng chơi với nhau, tôi từng chứng kiến không ít lần trẻ con giành đồ chơi, khóc lóc… Với tôi, những việc nhỏ nhặt của trẻ thơ, nếu người lớn xen vào thì dễ rơi vào điều không hay, thiếu công bằng. Vì vậy, tôi chỉ can thiệp khi trẻ giành đồ chơi của người khác. Tôi muốn dạy trẻ bài học công bằng, văn minh ngay từ nhỏ.
Cả chục năm trước đây, và bây giờ cũng thế, nhà tôi luôn rộn tiếng nói cười của trẻ thơ. Sân nhà, phòng khách chính là sân chơi cho trẻ thơ đá bóng, ném bóng, xếp mô hình, vẽ, ăn bánh trái… Dịp cuối tuần càng nhộn nhịp hơn. Và những câu chuyện “trẻ thích đồ người khác” diễn ra tại nhà tôi cũng “kha khá”.
Tôi đã sai khi quát con
Lúc đứa con đầu lòng đang độ tuổi mầm non, một bạn đến chơi, đòi lấy đồ của con để chơi nhưng con không cho. Thấy bạn nhỏ đó cứ đòi và phụ huynh của bạn nhỏ ấy giữ im lặng, tôi đã quát, yêu cầu con đưa đồ chơi cho bạn mượn. Con đành phải đưa nhưng tỏ ra không hài lòng, buồn ra mặt.
Không phải chúng tôi không biết dạy con bài học chia sẻ, cùng nhau chơi chung nhưng vì một lý do nào đó, trong hoàn cảnh ấy, con không muốn cho bạn chơi. Ngược lại, tôi thường dạy con không được đòi đồ chơi của người khác nếu họ không đồng ý. Bài học vỡ lòng này chúng tôi dạy con từ nhỏ.
Kể từ hôm quát con, thấy mình đã sai nên tôi để con tự quyết định. Nếu những bạn nhỏ đến chơi, muốn chơi đồ chơi thì tôi không can thiệp, chỉ khuyên các bạn nhỏ nên làm gì, và người quyết định là các con chứ không phải cha mẹ.
Chiều con nên con đòi bằng được
Vợ chồng bạn hay đến nhà tôi chơi. Con của bạn trạc tuổi nhóc thứ hai nhà tôi. Con bạn đến hay đòi này đòi nọ, ba mẹ không chiều là con khóc toáng lên.
Có lúc bé muốn lấy đồ chơi của con tôi, chúng tôi cũng không phản đối gì vì đồ chơi ấy… tạm cho được. Có lần chúng tôi góp ý không nên chiều con, cứ chiều như vậy con hư thì vợ chồng bạn mới la và dạy con. Kể từ lần đó, bạn nhỏ không đòi gì nữa mỗi lần đến nhà tôi.
Dạy cho con biết cái gì thuộc về mình, cái gì của người khác
Những khi trẻ thơ “sum vầy”, nhất là những ngày tết, cha mẹ cần dạy con về sự công bằng. Dạy cho con biết cái gì thuộc về mình, cái gì của người khác. Muốn vậy, cha mẹ cần dạy con mỗi ngày. Đừng để tết bớt vui vì nuông chiều trẻ.
Chuyện những đứa trẻ đòi đồ chơi của người khác, thậm chí đòi bằng được, lỗi không phải từ đứa trẻ mà do nuông chiều của người lớn. Chính vì “con cháu mình là nhất” nên vô tình làm hư cháu. Thói quen này được “gieo” từ nhỏ ít nhiều đã gây ảnh hưởng về sau. Ông bà, cha mẹ cần giải thích cho con trẻ hiểu rõ. Nếu đứa trẻ đòi bằng được, cần phải nghiêm khắc với con. Đó mới là tình thương thực sự.