Sự kết hợp giữa 2 ‘chiến binh’ Lê Minh Đức và Lê Nguyễn Trung Kiên của 2 dòng robot sáng tạo và robot thi đấu đã tạo nên một chú chó robot cứu hộ với giải thưởng đặc biệt tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế – Intel ISEF 2023.
Mô hình chó robot cứu hộ đã thuyết phục 18 giám khảo của cuộc thi quốc tế danh giá không chỉ bởi tính năng mà còn ở tính nhân văn khi ứng dụng vào đời sống.
Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế – Intel ISEF diễn ra ở Mỹ vào tháng 5.2023, Lê Minh Đức, học sinh lớp 12 chuyên toán và Lê Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 12 chuyên tin, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), đã tự tin thể hiện tình yêu với nghiên cứu khoa học, đam mê sáng tạo. Mô hình robot bốn chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người (robot chó cứu hộ) trong vùng sạt lở là một trong 12 đề tài khoa học kỹ thuật vượt qua 1.200 đề tài dự thi đoạt giải đặc biệt ở hạng mục robot và máy tính.
LỠ MỘT LY KEM NHƯNG TÌM ĐƯỢC TRI KỶ
Học ở hai lớp chuyên khác nhau, chưa từng nói chuyện nhưng vô tình trong lần đi xuống căn tin ăn kem, khoảng thời gian đầu năm lớp 11, hai nam sinh này đã gặp nhau. Khi đó, Lê Minh Đức, nam sinh của lớp chuyên toán đi ngang qua CLB Nghiên cứu khoa học bắt gặp hình ảnh “chiến binh” của các cuộc thi robot thi đấu Lê Nguyễn Trung Kiên, lớp chuyên tin, đang tập trung cao độ để lập trình, điều khiển robot hóa giải nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện. Minh Đức thấy Trung Kiên cùng đam mê, cùng mục tiêu nghiên cứu nên đã “bỏ lỡ ly kem” để trở thành… tri kỷ từ phòng nghiên cứu, như lời Đức chia sẻ.
Từ đó trở đi, 2 nam sinh của 2 lớp chuyên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, gần như cùng ăn, cùng học, cùng nghiên cứu. Nói về ý tưởng để đi đến nghiên cứu và sáng tạo mô hình chó robot cứu hộ, Trung Kiên cho hay xuất phát từ sự cố sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế), bùn, đất, đá sụp đổ làm giao thông tê liệt, công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại khiến 30 người mất tích gây chấn động cả nước. “Chúng em đã nghĩ đến việc nghiên cứu ra một con robot bốn chân có thể di chuyển vào những vùng sạt lở, địa hình đồi núi khó khăn mà con người khó có thể tiếp cận để cứu hộ, cứu nạn kịp thời”, Kiên kể.
Từ ý tưởng, với thế mạnh của mình, Trung Kiên nghiên cứu thực tế địa hình, địa chất cùng những tính năng hóa giải nhiệm vụ. Còn Minh Đức triển khai mô hình lắp ráp, vận hành để cho ra đời chú chó robot có nhiệm vụ đi trinh sát với camera và mang vác đồ. Điểm mới của mô hình này là robot chân bẹt, có thể di chuyển trên bùn trong môi trường sạt lở.
CHÚ CHÓ ROBOT CÓ BÀN CHÂN BẸT
Để đi đến mô hình như ngày hôm nay, hai học sinh này cho biết đã phải “đập đi xây lại” hàng chục lần. Nghiên cứu thế mạnh và đặc trưng di chuyển từ động vật trên cạn cho đến động vật dưới nước để chế tạo bàn chân của chó robot, bằng khả năng tiếng Anh của mình, Trung Kiên đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu trên thế giới nhằm tối ưu khả năng di chuyển.
Chú chó robot cứu hộ đã được thiết kế bàn chân theo cấu tạo bàn chân vịt để có thể bơi dưới nước đồng thời với màng lưới có thể tăng diện tích tiếp xúc trên mặt bùn. Thế nhưng trong môi trường sạt lở bùn đất đá thì bàn chân phải đạt độ cứng tối ưu nhất đảm bảo cho quá trình di chuyển. Thế là Trung Kiên và Minh Đức đã thiết kế và lập mô hình màng lưới bàn chân một hệ thống treo lò xo dựa theo cấu trúc vảy của loài cá Pirarucu (tên khoa học Arapaima Gigas) được mệnh danh là loài cá có “áo chống đạn” ở Amazon. “Không những chú chó robot có thể di chuyển không bị chìm trong bề mặt bùn, đất nhão mà còn thể hiện khả năng “chống đạn”, khi chúng em dùng nhiều vật sắc nhọn để thử thách mà không hề bị tổn thương”, Trung Kiên chia sẻ.
Chú chó robot có bàn chân bẹt là điểm mới so với các mô hình robot tham dự tại cuộc thi Intel ISEF 2023.
Kiên và Đức cho biết trong thời gian tới, khi có điều kiện tiếp cận với công nghệ nhiều hơn, được đào tạo ở những bậc học cao hơn, sẽ phát triển robot với phiên bản mới và tính năng đa dạng, phong phú hơn.
Lê Minh Đức là một trong 14 Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2023 của do Thành đoàn TP.HCM bình chọn. Minh Đức không những tỏa sáng với những thành tích học tập, sáng tạo nghiên cứu khoa học nổi bật, đáng nể mà còn là tấm gương truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác về sự nỗ lực cùng những việc làm bình dị.
Lan tỏa tình yêu và đam mê nghiên cứu khoa học
Trở về từ cuộc thi, với giải thưởng đặc biệt bởi tính năng mới và tính nhân văn của đề tài nghiên cứu, sáng tạo, hai học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: “Không có gì ngoài đam mê và nuôi dưỡng tình yêu với nghiên cứu khoa học”.
“Nếu mà không có đam mê thì khó mà theo đuổi lâu dài với nghiên cứu, với tìm tòi và sáng tạo. Khi không yêu thích sẽ có cảm giác dài đằng đẵng, không muốn tiếp tục. Còn nếu mà mình đã thích rồi, mình có thể theo đuổi lâu dài và luôn tìm cách để nuôi dưỡng. Bên cạnh đó môi trường cũng là yếu tố khá quan trọng. Khi mình bắt gặp người xung quanh cũng có “lửa”, đam mê, thử thách bản thân, mình cũng làm theo”, Kiên nói về ý chí nuôi dưỡng đam mê.
Không chỉ nuôi dưỡng đam mê đeo đuổi với ý tưởng chế tạo robot ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, hỗ trợ con người, Đức và Kiên còn lan tỏa tình yêu với nghiên cứu khoa học. Giờ đây, hai “đàn anh” Minh Đức và Trung Kiên đang trở thành “thủ lĩnh tinh thần” của CLB Nghiên cứu khoa học của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. “Khi đã có đam mê thì mình cứ hãy tự tin theo đuổi và dấn thân vào những điều mình yêu thích. Chúng ta có quyền được sai, tự do thất bại nhưng quan trọng là chúng ta nhận ra điều gì sau những cái sai đó. Hãy cứ tự tin và đeo đuổi”, Đức chia sẻ.